Ám ảnh trên mỗi cung đường
Theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường Hùng Vương thuộc phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng), nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, phá dỡ, buôn bán vật tư, phế liệu từ phương tiện thủy cũ, chỉ trong khoảng 1 tiếng đã có hàng chục phương tiện tự chế chạy qua chạy lại. Không ít xe chở hàng cồng kềnh, quá khổ, che khuất tầm nhìn, khiến tài xế phải đứng lên vừa quan sát đường vừa điều khiển phương tiện, rất nguy hiểm.
Chị Nguyễn Phương Dung, một người dân sống ở khu vực này bức xúc nói: “Nhiều xe gắn phù hiệu thương binh, lái xe mặc quần áo rằn ri thái độ rất bặm trợn, phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đỗ vô tội vạ, bất chấp sự an toàn của người tham gia giao thông và các hộ dân ở đây…”.
Công an TP Hải Phòng xử lý xe tự chế vi phạm TTATGT.
Không chỉ ở đường Hùng Vương, tình trạng xe tự chế đang có biểu hiện hoành hành trở lại trên nhiều địa bàn, nhất là khu vực đô thị trung tâm của TP Hải Phòng, trở thành nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông. Chị Nguyễn Tố Nga, người dân ở phường Lạch Tray (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) kể lại, hồi đầu năm chị đang đi xe máy trên đường Lạch Tray thì bất ngờ bị cuộn cửa xếp trên chiếc xe xích-lô máy chạy phía sau đâm phải, khiến chị Nga cùng xe lao về phía trước và ngã ra đường, rất may chị chỉ bị xây xước nhẹ.
Điều đáng nói là, không chỉ chở hàng cồng kềnh mất khả năng kiểm soát, một số lái xe tự chế bộc lộ ý thức rất kém, xem thường người khác, thường xuyên đi ngược chiều, lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu... Có nhiều chủ phương tiện còn sẵn sàng gây gổ mỗi khi va chạm, kể cả đối với lực lượng chức năng thực thi công vụ.
Theo anh Bùi Mạnh Hoàng, chủ một cơ sở chuyên sửa chữa phương tiện tại quận Kiến An (TP Hải Phòng), xe tự chế dùng chở hàng chủ yếu là dạng 3 bánh, ngoài một số xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, còn lại hầu hết xe được thiết kế, lắp đặt trong nước từ nhiều nguồn vật tư, nguyên liệu khác nhau, theo nguyên tắc chung là dùng động lực của xe gắn máy gắn với thùng hoặc giá chở hàng. Điều đáng lưu ý là hầu hết các loại phương tiện dạng này đều không đủ các điều kiện lưu hành.
Không những đem đến nguy cơ mất TTATGT cho người đi đường, xe tự chế còn đem lại tai họa cho chính người điều khiển nó. Cách đây không lâu, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Ngô Quyền), tài xế Phạm Đức C. (SN 1990, trú tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) điều khiển xe tự chế chở cốp-pha lấn làn đã va chạm với ôtô đầu kéo BKS 50LD 177.53 do anh Lương Văn Tuyên (SN 1991, cùng trú huyện Vĩnh Bảo) điều khiển. Vụ việc khiến anh Bàn Văn T. (SN 1997, quê tỉnh Tuyên Quang) cùng ngồi trên xe 3 bánh với anh C. bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện, các phương tiện liên quan đều bị hư hỏng...
Cần giải pháp mạnh và phù hợp
Lý giải về hiện tượng tái diễn hoạt động của xe tự chế tại Hải Phòng, một cán bộ CSGT Công an TP Hải Phòng chia sẻ, ưu thế của các loại xe tự chế là có thể len lỏi vào các ngõ, hẻm nhỏ và có thể chở mọi thứ hàng hóa khác nhau, chi phí thấp hơn rất nhiều so với ôtô. Riêng tại khu vực nội thành Hải Phòng, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu phát sinh, nhất là các công trình dân sinh, nên xe tự chế được nhiều người lựa chọn. Đơn giản có thể chỉ là một vài cây sắt, cuộn tôn, ống nhựa… dài quá khổ, số lượng ít, hoặc nội thất gia đình, biển quảng cáo, sản phẩm cơ khí, thậm chí cả cát, đá, xi măng, bê-tông tươi…, xe tự chế được xem là phương tiện chuyên chở phù hợp nhất, thay thế cho loại phương tiện xích-lô đạp chân thời trước. Chính vì điều này, nhu cầu của người dân sử dụng dịch vụ của xe tự chế vẫn cao, khiến hoạt động của phương tiện này trở nên phức tạp.
Theo thống kê của Công an TP, trên địa bàn Hải Phòng hiện có khoảng 1.500 xe tự chế hoạt động. Trước hiểm họa mất TTATGT do loại xe này gây ra, TP Hải Phòng đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với người điều khiển xe tự chế. Với vai trò là lực lượng chủ công, Phòng CSGT Công an TP đã chủ trì, phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức sở hữu, sử dụng xe tự chế ký cam kết chấp hành pháp luật về TTATGT, không tiếp tục sử dụng, cho thuê, mượn xe tự chế để tham gia giao thông. Đồng thời, Phòng CSGT đã ra quân tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. Chỉ tính riêng năm 2024 vừa qua, Công an TP đã xử lý 1.177 trường hợp, phạt vi phạm hành chính gần 1,5 tỷ đồng, trong đó Phòng CSGT xử lý 578 trường hợp xe tự chế vi phạm.
Theo Thượng tá Nguyễn Đình Xoang, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hải Phòng, việc tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, kết hợp kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nêu trên đã góp phần hạn chế những hệ lụy do hoạt động của xe tự chế mang lại. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng này có dấu hiệu tái diễn, các lái xe lợi dụng những tuyến đường lẻ, ngõ ngách di chuyển để né tránh sự kiểm soát của lực lượng CSGT. Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, lực lượng CSGT Công an TP đã xử lý 67 trường hợp vi phạm, tiền phạt theo lỗi 64,5 triệu đồng. Cũng theo Thượng tá Nguyễn Đình Xoang, để ngăn chặn tình trạng này, hiện lực lượng CSGT đang triển khai các chuyên đề, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm, không để tái diễn tình trạng xe tự chế gây mất TTATGT, tạo dư luận thiếu tích cực trong cộng đồng xã hội.
Ở một góc độ khác, Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết nguy cơ gây mất TTATGT từ loại phương tiện trên, cùng với lực lượng Công an, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp nơi có các phương tiện hoạt động cũng cần vào cuộc, tuyên truyền, vận động người dân không mua bán, sản xuất, sử dụng xe tự chế trái quy định. Đồng thời, cũng cần có chính sách phù hợp hỗ trợ chủ xe có hoàn cảnh khó khăn, người lao động thu nhập thấp, người khuyết tật, thương binh, bệnh binh... chuyển đổi ngành nghề hoặc mua sắm phương tiện khác bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
Bên cạnh việc rà soát, tuyên truyền đối với các chủ phương tiện, công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh tới các cơ sở dịch vụ cơ khí, sửa chữa liên quan, vận động các chủ cơ sở này không cải tạo, thay đổi kích thước thành, thùng xe; không thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của phương tiện; không sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện, chủ động ngăn chặn từ nguồn vi phạm.
V. Huy