Thổi bùng ngọn lửa đấu tranh
Thời Pháp thuộc, Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp, hải cảng lớn nhất của xứ Bắc Kỳ, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế. Thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, nhiều nhà máy, xí nghiệp sớm được người Pháp đầu tư xây dựng; trong đó, phải kể đến Nhà máy Sợi (năm 1899) người dân quen gọi là Máy Tơ, Nhà máy Bát (năm 1908), Nhà máy Thủy tinh (năm 1923) - quen gọi Máy Chai, Nhà máy Điện (năm 1967); Nhà máy Cơ khí Duyên Hải; Nhà máy Xi măng Hải Phòng…
Di tích lịch sử Căng Máy Chai là một trong những "địa chỉ đỏ" trên địa bàn TP. Hải Phòng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới tham quan. (Nhà tù Căng Máy Chai - Chứng tích lịch sử)
Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng có viết: “Cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển kỹ nghệ, thương mại, đội ngũ công nhân, lao động trong các nhà máy ngày càng đông đúc. Để chống lại ách áp bức của giới chủ Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hải Phòng, do đồng chí Lương Khánh Thiện đứng đầu, từ ngày 16 đến 24/5/1939, hơn 3.000 công nhân, lao động Nhà máy Sợi đứng lên đấu tranh, cùng nghỉ việc…
Kiên trì đấu tranh, chủ nhà máy phải nhượng bộ, ký cam kết với đại diện công nhân trước sự chứng kiến của hàng nghìn lao động. Cuộc đình công có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của công nhân thất nghiệp thuộc nhiều nhà máy ở Nam Định, Hà Nội cùng đứng lên đấu tranh... Cũng trong giai đoạn này, phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân các Nhà máy Thủy tinh, Nhà máy Bát, Máy Điện cũng diễn ra sôi nổi.
Trong những năm từ 1946 đến năm 1954, các nhà máy trên bị quân Pháp sử dụng làm nơi đóng quân. Theo Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), 1.500 quân Pháp đổ bộ vào Hải Phòng thay thế quân Tưởng rút về nước. Với âm mưu xâm lược nước ta, chúng liên tiếp vi phạm Hiệp định đã ký kết, đóng quân trái phép ở nhiều nơi như: Nhà máy Sợi, Nhà máy Bát, Nhà máy Thủy tinh…, biến xưởng sản xuất của Nhà máy Thủy tinh thành nhà tù giam giữ cán bộ của ta.
Tương tự, Công ty Cổ phần Cơ khí Duyên Hải (quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng ngày nay), tiền thân là Nhà máy Cơ khí Duyên Hải xưa. Nhiều công nhân thành phố Cảng còn nhớ, trước ngày giải phóng, Hải Phòng có một xưởng sản xuất của cha con nhà tư bản Pháp tên là Robert, chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí. Ngày 13/5/1955, Hải Phòng giải phóng, cha con Robert về nước.
Ngày 5/10 năm ấy, những công nhân người Việt của xưởng Robert cũ tập hợp nhau lại, đứng ra thành lập tập đoàn sản xuất lấy tên là Duyên Hải với 28 công nhân, sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố.
Ngày 5/5/1955, Đội hành chính trật tự tiến vào tiếp quản thành phố. Công nhân các nhà máy tích cực giúp đỡ cán bộ đấu tranh với kẻ thù, kiểm kê, bàn giao tài sản các công sở, nhà máy. Ngày 13/5/1955, Hải Phòng hoàn toàn giải phóng. Đoàn xe lửa rước cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ tiến vào Cảng. Các nhà máy, trong đó có Nhà máy Sợi, Nhà máy Thủy tinh, Nhà máy Bát, Nhà máy Xi măng Hải Phòng đồng loạt cất lên hồi còi dài chào mừng ngày lịch sử vinh quang của đất Cảng…
Kết nối ký ức xưa và hiện tại
Ngày nay, nhiều tên đường, phố, phường của TP. Hải Phòng gắn với ký ức lịch sử hào hùng của thành phố và đất nước, cụ thể trên mảnh đất Ngô Quyền có đường mang tên Máy Tơ nối từ đường Trần Khánh Dư, giao cắt với đường Nguyễn Trãi đến đường Lê Lai, ngay cạnh khu vực Nhà máy Sợi năm xưa.
Nhà máy Xi măng Hải Phòng xưa - nay là Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng
Gần khu vực này, từng có sân vận động Máy Tơ, nay được cải tạo xây dựng thành Vườn hoa Nguyễn Trãi. Từ năm 2004, tên “Máy Tơ” còn được gắn với địa danh khá nổi tiếng của Hải Phòng là nút giao thông ngã 6 Máy Tơ, điểm giao cắt giữa các tuyến đường: Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Đà Nẵng, Nguyễn Trãi. Trước đó, khu vực đảo giao thông trước cổng trụ sở Đảng ủy phường Gia Viên hiện nay cũng được người dân gọi với cái tên “ngã 6 Máy Tơ”.
“Máy Chai” nay là tên của một phường rộng lớn men theo bờ Nam sông Cấm của quận Ngô Quyền. Trên khu đất của Nhà máy Thủy tinh xưa nay là Công ty TNHH Thủy tinh Sanmiguel Yamamura và phần nhà tù cũ được xây dựng Căng Máy Chai, nơi tưởng nhớ, ghi công các anh hùng, liệt sĩ.
Nhà máy Điện nay gắn với cái tên “Cống Máy Điện”. Mảnh đất ven bờ Nam sông Cấm xưa với các nhà máy, công xưởng nay là phường Máy Chai đang “thay da, đổi thịt” với quy hoạch là khu đô thị ven sông hiện đại, đẳng cấp. Các nhà máy, công xưởng cũ không còn phù hợp được di dời, dành đất đầu tư, xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cao tầng, hiện đại.
Công nhân Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng trong giờ lao động
Cầu Hoàng Gia nối từ Máy Chai sang đảo Vũ Yên do Tập đoàn VinGroup đầu tư hoàn thành hợp long. Cùng với đó, tuyến cống hộp dọc mương Đông Bắc thuộc địa bàn phường nối thẳng lên đường dẫn cầu Hoàng Gia đang được VinGroup khẩn trương thi công, kết nối giao thông, tạo đà tiếp tục triển khai dự án đầu tư khu đô thị ven sông. Chỉ vài năm nữa thôi, Máy Chai sẽ là mảnh đất “bừng sáng”, khu đô thị hiện đại, đẳng cấp của Hải Phòng.
Với sự kế thừa tinh thần “Sóng Duyên Hải”, cùng chiến lược phát triển bài bản, Công ty Cổ phần Cơ khí Duyên Hải ngày nay có sự phát triển mạnh mẽ, thực sự bứt phá, phát huy tốt nhất vai trò trụ cột phát triển, góp phần quan trọng để Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện thực hóa khát vọng phát triển, trở thành động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc và cả nước.
Năm 1955, sau khi thực dân Pháp rút khỏi thành phố, Nhà máy Xi măng Hải Phòng còn lại là đống hoang tàn, đổ nát. Nhưng bằng ý chí quyết tâm, tinh thần lao động hăng say, chỉ trong 5 tháng tiếp quản, những người thợ xi măng đưa nhà máy hoạt động trở lại. Đến nay, sau tròn 70 năm, Xi măng Hải Phòng (nay là Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng) vượt qua nhiều thách thức, phát triển bền vững, khẳng định vị trí "cánh chim đầu đàn" của ngành xi măng Việt Nam.
Thu Anh