Hải Phòng, Quảng Ninh là những địa phương đầu tầu, động lực của nền kinh tế

Hải Phòng, Quảng Ninh là những địa phương đầu tầu, động lực của nền kinh tế
14 phút trướcBài gốc
Phó Thủ tướng biểu dương nghĩa cử cao đẹp của thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã nhường phần hỗ trợ của Trung ương cho các địa phương khác có thiệt hại của bão số 3.
Tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã kiểm tra công tác di dời các hộ dân tại Khu chung cư cũ quận Lê Chân và thị sát, kiểm tra dự án xây dựng đường cao tốc ven biển, khu vực dự kiến xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và Cảng Nam Đồ Sơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với thành phố Hải Phòng
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, cơn bão số 3 gây hậu quả rất lớn về người và tài sản. Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ đến nay đã vượt 81.000 tỷ đồng, trong đó Hải Phòng thiệt hại hơn 13.000 tỷ đồng. Phó Thủ tướng ghi nhận Hải Phòng đã chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng ứng phó, khẩn trương di dời dân, hạn chế được thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.
Sau bão, Hải Phòng khôi phục nhanh, điện, nước, viễn thông, giao thông thông suốt, thúc đẩy phát triển sản xuất. Hoan nghênh thành phố thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ hỗ trợ sản xuất kinh doanh sau bão, dành nguồn lực đáng kể để cho vay ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi nhanh.. Bày tỏ sự ấn tượng về mức tăng trưởng 9,7% trong 9 tháng qua của Hải Phòng, thuộc hàng tăng trưởng cao của cả nước, mặc dù vẫn chưa đạt kế hoạch đặt ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tin tưởng cùng với việc tháo gỡ các khó khăn, các hệ thống hạ tầng đã và đang được triển khai như cảng biển, cầu cảng, khu kinh tế, sân bay..., đặc biệt là đường cao tốc ven biển kết nối từ Thanh Hóa tới Hải Phòng đi qua nhiều khu kinh tế của các tỉnh và kết nối với đường cao tốc Bắc Nam… khi đi vào hoạt động sẽ tạo cú hích trong tương lai, hứa hẹn nhiệm kỳ tới sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc mạnh của Hải Phòng và tăng trưởng của các tỉnh trong khu vực kết nối.
Nhấn mạnh, mặc dù tốc độ tăng trưởng của Hải Phòng là ấn tượng, song dư địa còn rất lớn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị: “Tăng trưởng 9,7% là cao nhưng so với chỉ tiêu kế hoạch, so với tiềm lực thì vẫn còn dư địa, do đó, phải có giải pháp để đẩy nhanh tăng trưởng lên. Phấn đấu từ năm tới cho cả nhiệm kỳ, tăng trưởng của toàn quốc cũng như của địa phương phải vượt trội mới đảm bảo tăng trưởng bình quân đúng như nghị quyết đại hội đặt ra. Chính phủ thì trông cậy vào những địa phương đầu tàu, động lực của nền kinh tế, trong đó có Hải Phòng. Những đầu tàu có tiềm lực như thế này cần cố gắng vượt trội để bù đắp cho những nơi khó khăn hơn”.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh, cơn bão số 3 gây ra thảm họa cho Quảng Ninh, mặc dù tỉnh đã chủ động chuẩn bị các giải pháp tích cực nhưng vẫn xảy ra thiệt hại, làm 30 người chết và 1.600 người bị thương, tổng thiệt hại trên 25 nghìn tỷ đồng. Sau bão được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, được sự hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương, 4 ngày sau bão du lịch đã hoạt động trở lại. Địa phương đã ban hành 4 chính sách hỗ trợ sau bão, hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, nâng mức trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ một phần chi phí trục vớt cho các phương tiện thủy bị đắm và hỗ trợ nhà ở cho những hộ bị sập nhà, tốc mái.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với tỉnh Quảng Ninh
Ông Cao Tường Huy cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh cấp 180 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh để khắc phục sau bão. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng quyết định tiết kiệm chi dành những khoản chi tiêu không cần thiết, giảm những khoản chi tiêu khi mua sắm để giành ra 1.000 tỷ đồng khắc phục bão lũ trong năm 2024 này và những năm tiếp theo. Chúng tôi cũng đã quyết định thành lập một tổ đề án để xây dựng một đề án khôi phục và tái thiết lại sau bão. Đúng là sau bão thì mới phát hiện ra có rất nhiều bất cập”.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thăm doanh nghiệp sản xuất sau bão
Do tác động nặng nề của bão số 3, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh quý 3 năm nay ước tăng 5,75% cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt 8,02%, thấp hơn 2,07 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đặt ra. Khách du lịch đến Quảng Ninh 9 tháng ước đạt trên 15,6 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ, tổng thu du lịch ước đạt trên 36.800 tỷ đồng, tăng gần 40% so cùng kỳ.
Tỉnh Quảng Ninh đề xuất bổ sung thêm đối tượng doanh nghiệp vào chính sách hỗ trợ và điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, hướng dẫn tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thành trục vớt các tàu bị đắm do cơn bão số 3 nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sửa chữa sớm đưa vào phục vụ khách du lịch và ổn định sản xuất.
Kết luận buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh bằng các biện pháp quyết liệt, đồng bộ đã nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân đã trở lại bình thường. Tỉnh đã nghiêm túc thực hiện chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ cho người dân sau bão. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo chương trình mục tiêu, nhiều chương trình đã về đích sớm như nông thôn mới, xóa nhà dột nát, xóa hộ nghèo... là điểm sáng về quốc phòng an ninh... Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần có những chuyển đổi phù hợp trong nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời cũng lưu ý tỉnh Quảng Ninh là một cực trong tăng trưởng kinh tế, nhưng hiện tỷ lệ giải ngân mới đạt 32%, thấp hơn mức bình quân cả nước, cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới, tiếp tục phát huy thế mạnh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng mong muốn việc hỗ trợ sản xuất của Quảng Ninh phải đi đôi với đảm bảo thu ngân sách...
Nguyên Nhung/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/hai-phong-quang-ninh-la-nhung-dia-phuong-dau-tau-dong-luc-cua-nen-kinh-te-post1127058.vov