Ngày 14/7, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghe báo cáo và cho ý kiến về chủ trương đầu tư: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thủy Nguyên (giai đoạn 1) và Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sân bay Tiên Lãng - Khu B.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Đảng ủy UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương đầu tư các dự án.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thủy Nguyên (giai đoạn 1) do Công ty Cổ phần khu công nghiệp Taseco Hải Phòng làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 247,8 ha, triển khai trên địa bàn các phường: Bạch Đằng, Nam Triệu, Hòa Bình.
Tổng vốn đầu tư dự án 3.939,7 tỷ đồng. Tiến độ triển khai, từ quý 3/2025 đến quý 4/2026 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; quý 4/2028 trở đi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và đưa vào khai thác, kinh doanh.
Hải Phòng sắp có thêm 2 khu công nghiệp quy mô hơn 434 ha. Ảnh ĐX.
Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sân bay Tiên Lãng - Khu B do Công ty CP phát triển khu công nghiệp C.E.O làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 186,4 ha, triển khai trên địa bàn xã Chấn Hưng, thuộc Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng.
Tổng mức đầu tư dự án 2.795,3 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Sau khi nghe báo cáo, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng thống nhất thông qua chủ trương đầu tư đối với 2 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thủy Nguyên (giai đoạn 1) và dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sân bay Tiên Lãng - Khu B.
Lãnh đạo TP Hải Phòng lưu ý, trong quá trình triển khai, các dự án bám sát, phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch thành phố Hải Phòng được duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg.
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu trong quá trình thu hút đầu tư, chủ đầu tư cần thực hiện đúng cam kết ưu tiên quỹ đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần bố trí diện tích đất trong khu công nghiệp để xây dựng nhà ở lưu trú, cùng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Đảng ủy UBND thành phố cũng được giao chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp tại địa phương, nhằm bảo đảm tiến độ và hiệu quả thực hiện các dự án.
Trước đó, UBND TP Hải Phòng cũng vừa chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Đông Sơn – Hòa Bình với tổng vốn hơn 2.687 tỷ đồng.
Dự án sẽ hình thành một khu đô thị hiện đại, đa chức năng tại hai phường Lưu Kiếm và Hòa Bình.
Theo quyết định, dự án sẽ được triển khai trên khu đất rộng gần 26,7 ha, bao gồm các hạng mục nhà ở liền kề với diện tích hơn 5,9 ha, biệt thự xây thô hoàn thiện mặt ngoài trên hơn 1,09 ha, cùng khu thương mại – dịch vụ và cửa hàng tiện ích rộng hơn 0,6 ha. Ngoài ra, dự án còn tích hợp hệ thống công trình phụ trợ và hạ tầng đồng bộ, hướng tới xây dựng một không gian sống hiện đại, tiện nghi.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày thành phố bàn giao mặt bằng. Mục tiêu đầu tư là xây dựng khu đô thị hỗn hợp đồng bộ về kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở chất lượng cao, tạo động lực phát triển mới cho khu vực.
Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra không gian đô thị kiểu mẫu mới cho Hải Phòng, trong bối cảnh thành phố đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ và đô thị hóa vùng ven.
Sau sáp nhập, Hải Phòng (mới) hiện có 26 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 1.600 dự án đầu tư nước ngoài.
Theo quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2030, Hải Phòng và Hải Dương sau hợp nhất có 46 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 12.000 ha. Hải Phòng với hệ thống cảng biển, sân bay và các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện đại sẽ là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa, trong khi Hải Dương với quỹ đất lớn và nguồn lao động dồi dào sẽ là nơi phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế mới.
Với các khu công nghiệp lớn trải dài cùng hệ thống cảng biển của Hải Phòng sẽ tạo thành một chuỗi giá trị gia tăng đồng bộ, có khả năng thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI từ các quốc gia phát triển đến với TP Hải Phòng (mới), đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ cao, logistics và chế biến.
Đặc biệt, Chính phủ cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng 4 bến cảng container tại khu bến Lạch Huyện, TP Hải Phòng, với tổng vốn gần 24.850 tỷ đồng.
Dự án nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, hướng đến phát triển hệ thống cảng biển hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở từ 12.000 đến 18.000 TEU.
Các bến cảng sẽ kết nối đồng bộ với khu logistics và khu phi thuế quan phía sau, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế biển và thực hiện quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Về quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng 04 bến cảng container (số 9, 10, 11 và 12) với tổng chiều dài 1.800m (mỗi bến dài 450m), có khả năng tiếp nhận tàu container từ 12.000 đến 18.000 TEU. Ngoài ra, sẽ xây dựng thêm 400m bến dành cho sà lan phục vụ gom và rút hàng qua đường thủy nội địa; xây dựng hệ thống bãi chứa container, xưởng sửa chữa, đường giao thông, các công trình phụ trợ cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm mọi hoạt động khai thác cảng; đầu tư các thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa hiện đại, chuyên dụng phục vụ khai thác cảng; quy mô sử dụng đất (mặt nước) khoảng 146,2 ha.
Sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư: giai đoạn 1 (năm 2026 - 2030) xây dựng bến cảng container số 9, số 10; giai đoạn 2 (năm 2031 - 2035) xây dựng bến cảng container số 11, số 12.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, UBND thành phố Hải Phòng thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền và quy định. Thời hạn hoạt động của dự án không quá 70 năm. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quyết định cũng nêu rõ điều kiện đối với dự án và nhà đầu tư thực hiện dự án. Theo đó, phải có đủ điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai.
Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Đông Bắc