TP Hải Phòng. Ảnh: Haiphong.gov.
Sáng 6/5 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, đồng thời đánh dấu cột mốc 20 năm nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Tại sự kiện, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, năm nay PCI tiếp tục phản ánh bức tranh tích cực ở cấp địa phương: điểm trung vị đạt 67,67 - tăng một điểm so với năm 2023, đánh dấu năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm - mức thể hiện môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi. Trong đó, chỉ số PCI gốc – đo chất lượng điều hành cốt lõi – đạt 68,18 điểm, tiếp tục đà cải thiện vững chắc từ năm 2016 đến nay.
Hải Phòng gây bất ngờ lớn khi lần đầu tiên vươn lên vị trí quán quân PCI với 74,84 điểm. Theo báo cáo PCI năm 2024, Hải Phòng ghi nhận 7/10 lĩnh vực có sự cải thiện so với năm 2023, bao gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền và thiết chế pháp lý, an ninh trật tự.
Với kết quả này, Hải Phòng có 3 chỉ số đứng đầu trong các bảng xếp hạng năm 2024 về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là, Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI); Chỉ số Cải cách hành chính 2024 (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024.
Bước chuyển mạnh mẽ của Hải Phòng trong PCI 2024 đến từ nỗ lực cải cách liên tục. Trong lần đánh giá chính thức đầu tiên tại Việt Nam thời điểm năm 2006, PCI Hải Phòng chỉ xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố.
Liên tục từ năm 2006 đến năm 2011, chỉ số PCI của thành phố duy trì mức xếp hạng trong vị trí thấp từ 36 - 48 và luôn biến động, năm trước tăng hạng thì năm sau giảm hạng. Sau đó đến giai đoạn 2012 - 2018, PCI của Hải Phòng đã cải thiện hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn có những biến động lớn ở vị trí xếp hạng.
Các gương mặt quen thuộc trong Top 10 như Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp tiếp tục duy trì phong độ, trong khi Hưng Yên lần đầu ghi danh trong nhóm dẫn đầu.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024. Nguồn: VCCI
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP lên 8% vào năm 2025, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh vai trò của PCI như một "radar chính sách" - công cụ giúp sớm phát hiện những điểm nghẽn và rào cản vô hình trong điều hành, từ đó góp phần định hình một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, an toàn và cạnh tranh lành mạnh.
Đặc biệt, khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị xác định rõ vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển quốc gia, PCI càng cho thấy giá trị của mình như một nguồn dữ liệu thực tiễn sống động, phản ánh sát thực tiếng nói của doanh nghiệp. Những kết quả từ PCI sẽ là cơ sở để thiết kế chính sách hỗ trợ hiệu quả, giúp khu vực tư nhân vươn lên mạnh mẽ, trở thành động lực then chốt, không chỉ trong nước mà còn vững vàng trên thị trường khu vực và quốc tế.
Năm 2024 cũng ghi dấu một bước ngoặt đáng nhớ khi là lần cuối cùng PCI được công bố đầy đủ với 63 tỉnh, thành phố trước khi quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh được triển khai. Theo ông Phạm Tấn Công, đây không chỉ là điểm kết của một chu kỳ cải cách kiên trì, mà còn là vạch xuất phát cho một giai đoạn phát triển mới – nơi hiệu quả điều hành, năng lực thích ứng và đổi mới sáng tạo sẽ quyết định vị thế và tốc độ tiến bước của mỗi địa phương trong bức tranh phát triển chung của cả nước.
Bên cạnh PCI, VCCI cũng công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) - một "kênh phản hồi" đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tại các địa phương. Chỉ số này không chỉ đo lường nỗ lực của chính quyền trong việc bảo vệ môi trường mà còn phản ánh mức độ hài hòa giữa tuân thủ quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một tỉnh được đánh giá có quản trị môi trường tốt khi biết chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và tác động từ biến đổi khí hậu; thực thi hiệu quả pháp luật môi trường mà không gây áp lực thái quá cho doanh nghiệp; đồng thời phổ biến các thực hành xanh, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư bền vững.
Theo kết quả PGI 2024, Hải Phòng tiếp tục ghi dấu ấn khi dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ đạt điểm số cao ở cả bốn trụ cột thành phần, với tổng điểm 29. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Vĩnh Long (28,16 điểm), Hà Nam (28,04 điểm), Bắc Ninh (27,78 điểm) và Bình Dương (27,64 điểm) - những địa phương đang từng bước khẳng định mình trong hành trình phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm môi trường.
Thu Trang
VCCI