Hải Phòng: Tầm vóc và vị thế mới của thành phố Cảng

Hải Phòng: Tầm vóc và vị thế mới của thành phố Cảng
9 giờ trướcBài gốc
Khu Công nghiệp tại Hải Phòng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Với một tầm vóc và vị thế mới, Hải Phòng đang đứng trước một vận hội lịch sử để hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực và quốc tế - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Ngọc Châu khẳng định.
Trao quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Ngọc Châu, để tạo ra một cú hích mang tính bước ngoặt, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết mới về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Nghị quyết này mang đến những công cụ pháp lý đột phá; trong đó, nổi bật là việc cho phép thành lập Khu Thương mại Tự do (Free TradeZone) đầu tiên của Việt Nam, cùng với việc trao quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố, kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng và có sức cạnh tranh toàn cầu.
Về vị thế địa kinh tế chiến lược và vai trò cửa ngõ quốc tế, Hải Phòng không chỉ là một thành phố ven biển mà là một siêu vùng kinh tế biển, một "giao điểm chiến lược" (strategic nexus) nơi hội tụ của các hành lang kinh tế quan trọng nhất miền Bắc Việt Nam.
Với vai trò là cửa ngõ ra biển chính, Hải Phòng kết nối trực tiếp vùng kinh tế năng động Đồng bằng sông Hồng, nhất là Thủ đô Hà Nội với các tuyến hàng hải quốc tế.
Vị thế này được củng cố vững chắc khi Hải Phòng là điểm cuối phía biển của Hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, một mắt xích trọng yếu trong khuôn khổ hợp tác "Hai hành lang, một vành đaikinh tế" giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Sự kết hợp giữa một trung tâm cảng biển, logistics hiện đại và một hậu phương công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao rộng lớn đã tạo ra một cấu trúc không gian kinh tế bổ trợ hoàn hảo.
Điều này biến Hải Phòng thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa đa phương thức, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận không chỉ thị trường nội địa 100 triệu dân mà còn cả thị trường rộng lớn Tây Nam Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Ngọc Châu nhận định, thành tựu kinh tế-xã hội của Hải Phòng trong thập kỷ qua là minh chứng thuyết phục cho một mô hình phát triển thành công và bền vững. Với quy mô mới, các chỉ số kinh tế càng trở nên ấn tượng, thể hiện sức mạnh của một trong những cực tăng trưởng quan trọng nhất cả nước.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng (cũ) ước đạt 11,01%, trong khi khu vực Hải Dương (cũ) tăng trưởng 10,2%. Sự kết hợp của hai nền kinh tế tăng trưởng cao này tạo ra một siêu vùng với động lực phát triển mạnh mẽ. Quy mô GRDP tổng hợp năm 2024 ước đạt 658.381 tỷ đồng, khẳng định vị thế là một đầu tàu kinh tế trọng điểm của quốc gia.
Tại sự kiện Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Ngọc Châu tiếp xã giao các đoàn Đại sứ, Hiệp hội, doanh nghiệp đến Hải Phòng nhằm mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư, diễn ra vào chiều 14/7, ông Nicolai Prytz, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của Hải Phòng thời gian qua, đồng thời mong muốn nhận được sự đồng hành, tạo điều kiện của chính quyền thành phố để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hợp tác, đầu tư lâu dài, hiệu quả tại Hải Phòng.
Kết nối đa phương thức
Nghị quyết mới về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng xác định các mục tiêu chiến lược dựa trên ba trụ cột chính: Công nghiệp công nghệ cao, trở thành một trung tâm sản xuất thông minh, hiện đại; dịch vụ cảng biển - logistics và Khu Thương mại tự do, xây dựng Hải Phòng thành một trung tâm logistics quốc tế, một mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu; du lịch-thương mại, phát triển các dịch vụ chất lượng cao, đưa Hải Phòng trở thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực.
Hải Phòng đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng về hạ tầng, tạo ra một hệ thống kết nối đa phương thức đồng bộ, hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đây chính là nền tảng vững chắc đảm bảo cho sự lưu thông hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, một yếu tố then chốt quyết định thành công của mọi dự án đầu tư.
Hệ thống cảng biển là lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Hải Phòng, đã trải qua một bước chuyển mình mạnh mẽ, từ vai trò cảng trung chuyển khu vực thành một trung tâm hàng hải quốc tế. Cảng Quốc tế Lạch Huyện là cảng nước sâu đầu tiên của toàn miền Bắc, một công trình biểu tượng cho sự phát triển của Hải Phòng.
Trong số đó, khu bến Lạch Huyện được quy hoạch có chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách quốc tế, bến công vụ; có khả năng đón nhận cỡ tàu container đến 18.000 Teu; tàu tổng hợp, hàng rời đến 100.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT. Đến nay đã có 6 bến đi vào hoạt động và đang tiếp tục đầu tư các bến tiếp theo.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng ông Phạm Hồng Minh cho biết, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng - chủ đầu tư dự án xây dựng hai bến container số 3 và số 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện Hải Phòng.
Dự án có tổng chiều dài hai bến 750m, độ sâu - 16m, đủ khả năng tiếp nhận tàu mẹ 165.000 DWT (14.000 TEUs) và tàu 200.000 DWT giảm tải, cùng bến sà lan 250m tiếp nhận tàu 3.000 DWT (160 TEUs) và hệ thống thiết bị xếp dỡ tiên tiến.
Đặc biệt, bến số 3 và số 4 được đầu tư và vận hành theo mô hình Cảng xanh - Cảng thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại và tự động hóa, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững phù hợp với xu thế phát triển bền vững của ngành hàng hải thế giới.
"Bến container số 3 và số 4 chính thức đưa vào khai thác từ tháng 5/2025, khẳng định vị thế, năng lực và khát vọng vươn lên, tiến ra biển lớn của Cảng Hải Phòng; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển, hệ thống cảng biển quốc gia và sự phát triển thịnh vượng của thành phố Hải Phòng," ông Phạm Hồng Minh nói.
Hội tụ dòng vốn đầu tư
Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết đặc thù mới, Hải Phòng cung cấp một khung chính sách ưu đãi đầu tư đột phá, minh bạch và có sức cạnh tranh hàng đầu khu vực, đặc biệt là các cơ chế tiên phong dành cho Khu Thương mại tự do - cơ hội đầu tư chưa từng có. Đây còn là điểm nhấn khác biệt và hấp dẫn nhất, đưa Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên tại Việt Nam thí điểm mô hình phát triển tiên tiến này.
FTZ mang lại những ưu đãi vượt trội, tạo ra một lợi ích tài chính khổng lồ cho các nhà đầu tư chiến lược. Ngoài FTZ, các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và các Khu công nghiệp khác vẫn được hưởng các chính sách ưu đãi hấp dẫn. Theo đó, tại Khu công nghiệp, thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong 15 năm; Miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn, giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác.
Tại các Khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế được xác định là địa bàn ưu đãi đầu tư, hưởng các chính sách áp dụng cho địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, bao gồm thuế suất thu nhập doanh nghiệp 17% trong 10 năm, miễn 2 năm, giảm 4 năm tiếp theo.
Theo Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA) là cơ quan "một cửa tại chỗ," là người bạn đồng hành tin cậy của các nhà đầu tư tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế.
Với Nghị quyết đặc thù mới của Quốc hội, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng được trao quyền mạnh mẽ để thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ" một cách toàn diện, giúp đơn giản hóa và rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, từ cấp phép đầu tư, xây dựng, môi trường đến lao động và thương mại.
Hải Phòng liên tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Toàn thành phố hiện có 1.730 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 50 tỷ USD; riêng 6 tháng đầu năm nay thu hút hơn 1,5 tỷ USD.
Ông Lê Trung Kiên cho biết, Hội nghị Xúc tiến Đầu tư 2025 với chủ đề "Hải Phòng - Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới" diễn ra chiều 15/7/2025, trong khuôn khổ Tuần lễ Hội nghị lần thứ ba Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC 3), được kỳ vọng là dấu mốc quan trọng với lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án và 7 bản ghi nhớ hợp tác (MOU), tổng vốn đăng ký đầu tư dự kiến lên tới 15,6 tỷ USD.
"Hải Phòng không chỉ cam kết mà đang hành động mạnh mẽ để trở thành bệ phóng chiến lược cho cộng đồng nhà đầu tư. Với tiềm năng khác biệt, lợi thế vượt trội và khung chính sách tiên phong, thành phố đang kiến tạo một môi trường phát triển bền vững, nơi thành công của doanh nghiệp cũng chính là động lực thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của đô thị cảng," ông Lê Trung Kiên chia sẻ./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/hai-phong-tam-voc-va-vi-the-moi-cua-thanh-pho-cang-post1049733.vnp