Liên tục trong 10 năm qua, kinh tế Hải Phòng phát triển bền vững, giữ vai trò động lực tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng (Ảnh: Hồng Phong)
Khai thác tốt tiềm lực
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, ước thực hiện cả năm 2024, Thành phố có 17/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt hoặc vượt mục tiêu kế hoạch HĐND Thành phố giao. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,01%, đứng thứ 3 cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP 10 năm liên tục ở mức 2 con số cho thấy, kinh tế Hải Phòng phát triển bền vững, giữ vai trò động lực tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng.
Dù tác động, hệ lụy từ Covid-19 và bão Yagi là rất lớn, nhưng Hải Phòng vẫn đảm bảo phát triển ổn định, vững chắc trong năm 2024. Tốc độ tăng Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 15%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,25 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 25,48 tỷ USD, tương ứng tăng 9,5% và tăng 4,6% so với năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 109.387,6 tỷ đồng, tương đương 111,8% dự toán Trung ương giao và 102,5% dự toán HĐND Thành phố giao, trong đó, thu nội địa ước đạt 48.255,3 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng của TP. Hải Phòng trong cả nhiệm kỳ qua. Nổi bật trong năm 2024, con số là 4,7 tỷ USD, tăng 235% so với kế hoạch đề ra, càng khẳng định môi trường đầu tư, hoạt động xúc tiến đầu tư của Thành phố luôn ghi điểm lớn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
“Sự tăng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ tại Hải Phòng không chỉ thể hiện năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư tốt của địa phương, mà còn góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện nhờ việc thu hút các dự án chất lượng cao đến từ các tập đoàn lớn”, ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định.
Trong việc hoàn thiện sự đồng bộ của hạ tầng giao thông, Hải Phòng đang đẩy nhanh tiến độ thi công các bến từ số 3 đến 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện để có thể đưa vào hoạt động. Các bến 9, 10, 11, 12 cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ trương đầu tư để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư.
Hải Phòng đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải, đảm bảo tiến độ nghiên cứu đầu tư đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường mới này dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào tháng 5/2025 và năm 2030 sẽ đưa vào khai thác. Tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc đi qua 9 tỉnh, thành phố và kết nối tới cảng biển, khu vực hậu cần sau cảng, sẽ thực sự tạo cơ hội lớn cho Hải Phòng bứt phá, phát huy tối đa lợi thế cửa ngõ ra biển của cả miền Bắc.
Hai bến khởi động khu cảng Nam Đồ Sơn cũng được Hải Phòng phối hợp với các bộ chức năng nghiên cứu, lập hồ sơ, kêu gọi đầu tư trong năm 2026 để hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2030.
Với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý các quốc lộ cho địa phương của Chính phủ, tới đây, Hải Phòng sẽ chủ động đầu tư, khởi công xây dựng đường dẫn và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 theo đúng dự kiến trong năm 2026. Bên cạnh đó, theo quy hoạch cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác lập quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Mở rộng không gian đầu tư, phát triển
Đầu tháng 12/2024, Hải Phòng đón nhận tin vui khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1511/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Khu kinh tế có quy mô diện tích 20.000 ha tại các huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và quận Đồ Sơn. Đây là khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình khu kinh tế thế hệ mới, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có lợi thế tuyệt đối của cảng Nam Đồ Sơn, kết nối cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ đường sắt, đường cao tốc, cảng hàng không trong tương lai. Khu kinh tế có môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, trong đó có khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới. Điều này sẽ giúp Khu kinh tế trở thành nơi hội tụ của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn trong lĩnh vực logistics, công nghiệp công nghệ cao.
Theo dự kiến, đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành động lực chủ đạo của kinh tế Thành phố, tương đương 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải năm 2023 và sẽ là trung tâm kinh tế biển có vai trò tiên phong, tạo phát triển mới cho Hải Phòng và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 21 khóa XVI (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đến năm 2045. Việc điều chỉnh là cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng, từ đó phát triển Khu kinh tế xứng với tiềm năng, vị thế và xu hướng phát triển mới.
Bước sang năm 2025, cũng là thời điểm mang tính bản lề đưa Hải Phòng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc. Hải Phòng đã chuẩn bị rất kỹ cho hành trang trước thềm lộ trình, nổi bật là vận hành 2 đô thị mới là quận An Dương và Thành phố Thủy Nguyên. Cùng với đó là Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố giai đoạn 2023-2025; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng.
Tất cả sẽ tạo ra xung lực mới, những đòn bẩy có tính đột phá đưa Hải Phòng bứt tốc mạnh mẽ hơn nữa.
Tăng tốc, bứt phá bước vào kỷ nguyên mới
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhận định, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, cũng như củng cố nền tảng phát triển mới vững chắc cho TP. Hải Phòng trong quá trình triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.
Đối với văn kiện Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố, Hải Phòng sẽ lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao, với tinh thần quyết tâm cao nhất để thực hiện, nhằm cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2025, Thành phố lựa chọn chủ đề là “Mở rộng không gian kinh tế, đô thị. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khoảng 12,5%. Đây là mục tiêu được đánh giá là nhiều thách thức, nhưng để bảo đảm lộ trình phát triển cũng như nhiệm vụ được Trung ương giao, Thành phố phấn đấu mức đạt tăng trưởng 12,5% với quyết tâm chính trị cao nhất. Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, các nhiệm vụ, giải pháp được lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hải Phòng chỉ rõ.
Đó là tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và đầu tư; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, phối hợp các cơ quan Trung ương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá để tạo động lực phát triển cho Thành phố; thành lập khu thương mại tự do thế hệ mới; xây dựng đề án chuyển đổi xanh; thực hiện dự án chuyển đổi số; khẩn trương thực hiện các thủ tục để sớm khởi công xây dựng các dự án động lực.
Trên chặng đường mới, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, Hải Phòng vẫn kiên quyết, kiên trì, nhất quán trong nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết 45 đề ra. Cơ sở cho niềm tin đó của Hải Phòng là sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, hòa cùng quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, quyết biến tiềm năng lợi thế thành nguồn lực thực tế để phát triển.
Trong chuyến công tác và làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng tháng 11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Hải Phòng đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế. Hải Phòng cần phải quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai, quyết tâm theo đuổi các mục tiêu đã đề ra. Thành phố muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt, bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng. Đặc biệt, lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất”.
Cơ hội để Hải Phòng sẽ sớm phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, trở thành thành phố cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ như các mục tiêu mà Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã rõ hình hài.
Thanh Sơn