Hải Phòng thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế mới

Hải Phòng thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế mới
2 ngày trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1459/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.
Theo Quyết định, thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc UBND TP Hải Phòng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu mang hình Quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trung tâm hành chính mới của TP Hải Phòng. Ảnh BHP.
Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trưởng ban Ban Quản lý trình UBND TP Hải Phòng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; bãi bỏ Quyết định số 1329/TTg ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố Hải Phòng.
UBND TP Hải Phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất bãi bỏ Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương theo quy định của pháp luật.
TP Hải Phòng sau sáp nhập là thành phố trực thuộc trung ương có quy mô dân số thứ 3 cả nước chỉ sau TP HCM và Hà Nội, xếp trên Đà Nẵng. TP Hải Phòng có lợi thế cảng biển chiến lược phía Bắc, là cảng quốc tế, cảng nước sâu và có lịch sử giao dịch lâu đời.
Hải Phòng trở thành một siêu đô thị có diện tích 3.194,72 km2, tổng dân số hơn 4,6 triệu người. Sau khi hợp nhất, thành phố Hải Phòng mới sẽ có GRDP tổng hợp khoảng 658.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TP HCM và Hà Nội.
Trước khi sáp nhập, Hải Phòng đã thành lập 18 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.100 ha, trong đó có 11 khu đã đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 4.410 ha; Hải Dương có khoảng 12 khu công nghipệ, 18 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.973 ha, gần 2.300 ha đất đã bàn giao cho chủ đầu tư.
TP Hải Phòng mới có cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, được xem là cơ sở hạ tầng tốt hàng đầu ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng với ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 50% cơ cấu GRDP.
Trụ sở làm việc của 114 xã, phường, đặc khu mới của TP Hải Phòng
Sau sáp nhập, TP Hải Phòng có 114 xã, phường, đặc khu mới. Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã, phường, đặc khu) chính thức được áp dụng tại TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương. Tại TP Hải Phòng, phần lớn các xã, phường mới sẽ đặt trụ sở tại địa điểm cũ của các xã, phường thành phần, quận cũ hoặc các cơ quan hành chính đã giải thể.
Phường Hồng Bàng sẽ sử dụng trụ sở cũ của Sở Tài chính tại số 1 Đinh Tiên Hoàng, trong khi bộ phận một cửa đặt tại số 203 đường Bạch Đằng. Phường Lê Chân tiếp tục làm việc tại số 10G, 10H, 10A đường Hồ Sen - nơi từng là trụ sở UBND quận và Quận ủy Lê Chân. Phường Ngô Quyền sẽ có trụ sở tại lô đất A12/CQ, ngõ 226 Lê Lai, hiện đang xây dựng.
Các phường như An Biên, Hải An, Đông Hải, Dương Kinh, Kiến An... sử dụng trụ sở cũ của các xã, phường tiền thân, nhằm bảo đảm điều kiện làm việc và tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch.
Tại các khu vực mới sáp nhập ở Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo, Cát Hải, hầu hết trụ sở làm việc đặt tại địa điểm quen thuộc của các xã có sẵn hạ tầng tốt hoặc tại trung tâm hành chính của huyện. Riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ tiếp tục duy trì trụ sở UBND hiện trạng.
Cùng với đó, trung tâm hành chính mới của TP Hải Phòng được đặt tại khu đô thị Bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên), gồm 14 tòa nhà, tổng diện tích xây dựng trên 29.000 m2, tổng diện tích sàn sử dụng gần 90.000 m2. Đây sẽ là nơi làm việc tập trung của các cơ quan cấp tỉnh, được kỳ vọng trở thành trung tâm điều hành hiện đại, thông minh.
Tại tỉnh Hải Dương, mô hình sắp xếp tương tự được thực hiện. Các xã, phường, thị trấn mới sau sáp nhập được bố trí trụ sở làm việc tại các địa điểm hiện hữu như trụ sở xã mạnh hơn trong liên xã, trụ sở cấp huyện cũ hoặc cơ quan nhà nước giải thể.
Tại TP Hải Dương, các phường Thành Đông, Lê Thanh Nghị, Tân Hưng, Nam Đồng... đặt trụ sở tại nơi từng là cơ quan hành chính của các phường Cẩm Thượng, Tân Bình, Hải Tân, Tiền Tiến. Tứ Minh - phường trung tâm - sử dụng trụ sở cũ của Huyện ủy, UBND huyện Cẩm Giàng.
TP Chí Linh cũng có sự sắp xếp tương tự. Các phường Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông, Lê Đại Hành lần lượt sử dụng trụ sở cũ của Thành ủy, UBND TP Chí Linh, hoặc các phường, xã đã hợp nhất như Cộng Hòa, Bến Tắm, Hoàng Tân, Tân Dân.
Các huyện Kim Thành, Kinh Môn, Gia Lộc, Thanh Miện, Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Hà... đều sử dụng trụ sở hiện tại của Huyện ủy, UBND cấp huyện hoặc trụ sở xã thuận tiện nhất để vận hành mô hình chính quyền hai cấp.
Đơn cử, phường Kẻ Sặt (huyện Bình Giang cũ) dùng trụ sở của Huyện ủy, UBND huyện cũ. Phường Trần Phú, An Phú (Nam Sách) giữ nguyên trụ sở hiện tại. Phường Phú Thái (Kim Thành) sử dụng trụ sở Huyện ủy, UBND Kim Thành cũ. Các phường thuộc Ninh Giang như Lạc Phượng, Nguyên Giáp, Gia Phúc... dùng trụ sở xã cũ có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Đông Bắc
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/hai-phong-thanh-lap-ban-quan-ly-khu-kinh-te-moi.html