Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, TP Hải Phòng có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố; 167 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 79 phường, 7 thị trấn và 81 xã.
Phối cảnh tổng thể Trung tâm Chính trị - Hành chính TP Hải Phòng nằm trong Khu đô thị Bắc sông Cấm (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên khu vực phía Bắc
Theo Nghị quyết, huyện Thủy Nguyên chính thức trở thành thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên tại phía Bắc từ 1/1/2025. Nghị quyết cũng nêu rõ, điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên là 7,27 km2 của phường Đông Hải 1, quận Hải An để nhập vào xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên. Sau khi sáp nhập, TP Thủy Nguyên có diện tích tự nhiên là 269,10 km2 và quy mô dân số là 397.570 người, giáp các quận Hải An, Hồng Bàng, Ngô Quyền và tiếp giáp với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh.
Thành phố Thủy Nguyên có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 phường: An Lư, Dương Quan, Hoa Động, Hòa Bình, Hoàng Lâm, Lập Lễ, Lê Hồng Phong, Lưu Kiếm, Minh Đức, Nam Triệu Giang, Phạm Ngũ Lão, Quảng Thanh, Tam Hưng, Thiên Hương, Thủy Đường, Thủy Hà, Trần Hưng Đạo và 4 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung.
Cụ thể, thành lập các phường: Minh Đức, Hoa Động, Thiên Hương, Quảng Thanh, Hòa Bình, An Lư, Lập Lễ, Tam Hưng trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân của các thị trấn, xã cùng tên; thành lập phường Phạm Ngũ Lão (từ xã Ngũ Lão).
Phường Dương Quan được thành lập trên cơ sở nhập xã Tân Dương và xã Dương Quan; thành lập phường Hoàng Lâm trên cơ sở nhập xã Lâm Động và xã Hoàng Động. Thành lập phường Lê Hồng Phong trên cơ sở nhập xã Kiền Bái và xã Mỹ Đồng; thành lập phường Trần Hưng Đạo trên cơ sở nhập xã Đông Sơn và xã Kênh Giang.
Nhập 2 xã Lưu Kỳ và xã Lưu Kiếm để thành lập phường Lưu Kiếm.
Tương tự, thành lập phường Thủy Đường trên cơ sở nhập thị trấn Núi Đèo, xã Thủy Sơn và xã Thủy Đường. Phường Thủy Hà được thành lập trên cơ sở nhập xã Trung Hà và xã Thủy Triều (sau khi điều chỉnh); phường Nam Triệu Giang được thành lập trên cơ sở nhập xã Phục Lễ và xã Phả Lễ.
Thành lập các xã: Bạch Đằng (nhập 3 xã Gia Minh, Gia Đức, Minh Tân), xã Liên Xuân (nhập xã Liên Khê và Lại Xuân), xã Ninh Sơn (nhập 3 xã An Sơn, Kỳ Sơn, Phù Ninh), xã Quang Trung (nhập 3 xã Hợp Thành, Cao Nhân, Chính Mỹ).
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường các tại quận, huyện bắt đầu từ 2025
Nghị quyết cũng nêu rõ việc sắp xếp huyện An Dương, quận Hồng Bàng, huyện Tiên Lãng, huyện Vĩnh Bảo, huyện Kiến Thụy, quận Ngô Quyền, quận Lê Chân, quận Kiến An.
Theo đó, Nghị quyết điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các xã: Đại Bản, An Hồng và An Hưng thuộc huyện An Dương để nhập vào quận Hồng Bàng. Sau khi điều chỉnh, quận Hồng Bàng có diện tích tự nhiên là 39,77 km2 và quy mô dân số là 177.820 người.
Từ 1/1/2025, quận An Dương được thành lập dựa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 78,96 km2 và quy mô dân số là 171.227 người của huyện An Dương sau khi điều chỉnh.
Việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc quận An Dương như sau: thành lập 10 phường là An Đồng, An Hòa, Đồng Thái, Hồng Thái, Hồng Phong, Lê Thiện, Lê Lợi, Nam Sơn, Tân Tiến, An Hải.
Trong đó, phường Lê Lợi được thành lập trên cơ sở nhập thị trấn An Dương và xã Lê Lợi. Phường Nam Sơn nhập một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Bắc Sơn cùng toàn bộ xã Nam Sơn. Thành lập các phường Tân Tiến (nhập xã Bắc Sơn sau khi điều chỉnh và xã Tân Tiến), phường An Hải (nhập 2 xã Đặng Cương và Quốc Tuấn).
Quận Hồng Bàng được sắp xếp, thành lập 10 phường, bao gồm: An Hồng, An Hưng, Đại Bản, Hoàng Văn Thụ, Hùng Vương, Minh Khai, Phan Bội Châu, Quán Toan, Sở Dầu và Thượng Lý. Phường Thượng Lý được điều chỉnh nhập toàn bộ phường Hạ Lý và phường Trại Chuối vào.
Sau khi sắp xếp, huyện Tiên Lãng sẽ có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 18 xã và 1 thị trấn. (Ảnh minh họa: TT Tiên Lãng)
Còn tại huyện Tiên Lãng, sau khi sắp xếp sẽ có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 18 xã và 1 thị trấn. Trong đó, xã Tân Minh được thành lập trên cơ sở nhập 3 xã: Toàn Thắng, Bạch Đằng và Quang Phục.
Đối với huyện Vĩnh Bảo sẽ thành lập xã Vĩnh Hòa trên cơ sở nhập 3 xã Vĩnh Long, Hiệp Hòa và An Hòa. Thành lập các xã Vĩnh Hưng (nhập 3 xã Nhân Hòa, Tam Đa, Vinh Quang), xã Vĩnh Hải (nhập 3 xã Hưng Nhân, Thanh Lương và Đồng Minh). Nhập toàn bộ xã Vĩnh Phong và xã Cộng Hiền vào xã Tiền Phong. Tương tự, các xã Cổ Am, Vĩnh Tiến được nhập vào xã Tam Cường. Sau khi sắp xếp, huyện Vĩnh Bảo có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 1 thị trấn.
Tại huyện Kiến Thụy, thành lập xã Kiến Hưng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 3 xã là Đại Hà, Thụy Hương, Ngũ Đoan. Sau khi sắp xếp, huyện Kiến Thụy có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 1 thị trấn.
Với quận Ngô Quyền, sẽ nhập toàn bộ phường Đồng Quốc Bình và phường Lê Lợi vào phường Lạch Tray. Còn 2 phường Lạc Viên và Máy Tơ nhập vào phường Gia Viên. Sau khi sắp xếp, quận Ngô Quyền có 8 phường.
Quận Lê Chân sẽ nhập 2 phường Lam Sơn và Cát Dài vào phường An Biên. Các phường Hồ Nam, Dư Hàng nhập vào phường Trần Nguyên Hãn. 2 phường Trại Cau và Đông Hải nhập vào phường Hàng Kênh. Phường Niệm Nghĩa và phường Nghĩa Xá nhập vào phường An Dương. Sau khi sắp xếp, quận Lê Chân có 7 phường.
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc quận Kiến An như sau: thành lập phường Bắc Hà trên cơ sở nhập phường Phù Liễn và phường Tràng Minh. Nhập toàn bộ 2 phường Quán Trữ và Lãm Hà vào phường Đồng Hòa. Sau khi sắp xếp, quận Kiến An có 7 phường.
Minh Hương