Ấn tượng từ những con số
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban quản lý khu kinh tế TP Hải Phòng, tại thời điểm này Hải Phòng đang đứng trong tốp đầu 63 tỉnh thành cả nước thu hút FDI lớn nhất, với 1.000 dự án đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Với tổng vốn đầu tư FDI đạt 32,2 tỷ USD, Hải Phòng đã trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu với 11,8 tỷ USD, chiếm 45% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản xếp vị trí thứ hai với 3,5 tỷ USD và thứ ba là Singapore với 3 tỷ USD... Riêng Khu kinh tế Ðình Vũ-Cát Hải đã thu hút tới 26,2 tỷ USD, chiếm hơn 80% tổng vốn FDI toàn thành phố.
Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng).
Chỉ tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2024, Hải Phòng đã thu hút 3,5 tỷ USD vốn FDI, vượt kế hoạch năm. Còn tính theo kế hoạch đề ra tại Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ TP, trong 4 năm của nhiệm kỳ 2020-2025, tổng vốn FDI của Hải Phòng đạt 14,5 tỷ USD, bình quân 3,6 tỷ USD/năm, về đích trước 1 năm so với mục tiêu phấn đấu. Cũng theo Trưởng ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các khu công nghiệp, Khu kinh tế Ðình Vũ-Cát Hải đã đưa tỷ lệ lấp đầy tại đây lên hơn 70%, suất đầu tư bình quân trên 1 ha diện tích của Hải Phòng đạt khoảng 13 triệu USD, gấp hơn 3 lần bình quân của cả nước, góp phần quan trọng tạo tăng trưởng GRDP, cũng như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa… của thành phố.
Hiện khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng gần 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, tới 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Hải Phòng, đóng góp từ 12-18% tổng thu ngân sách trên địa bàn, tạo việc làm cho gần 250 nghìn lao động (hơn 40% tổng số lao động trong toàn khối doanh nghiệp). Trong đó, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng. Ðáng chú ý, thông qua các dự án FDI, trình độ quản lý và kỹ năng của người lao động ngày càng được nâng cao, hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế, tác động lan tỏa tới các khối ngành khác trong nền kinh tế.
Ông Choi In Kwan, Tổng Giám đốc Công ty LG Display Việt Nam (Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, TP Hải Phòng) nhận xét, Hải Phòng là thành phố lý tưởng cho doanh nghiệp và là nơi có nhiều nhân lực xuất sắc với hệ thống cơ sở hạ tầng tốt như cảng biển, sân bay quốc tế, đặc biệt là năng lực hành chính thân thiện. Đến thời điểm hiện tại tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn LG tại Hải Phòng đạt hơn 8 tỷ USD, với ba công ty lớn là LG Electronics, LG Display và LG Innotek, sử dụng khoảng 35.000 lao động. “Các doanh nghiệp FDI luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, điều đó đã khiến các nhà đầu tư yên tâm khi tập trung phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Hải Phòng” - Ông Choi In Kwan nói.
Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Công ty Canadian Solar Việt Nam (KCN VSIP Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Về kết quả nêu trên, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đánh giá, dòng vốn FDI đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế của Hải Phòng, hiện chiếm tỷ trọng khoảng 30-50% tổng vốn đầu tư phát triển toàn thành phố mỗi năm, tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trên tổng GRDP toàn thành phố tăng dần từng năm và đến nay đã chiếm hơn 26%.
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm, trong những năm qua lãnh đạo thành phố luôn coi các doanh nghiệp FDI là một trụ cột trong cộng đồng doanh nghiệp, và khẳng định: “Thành công của các doanh nghiệp FDI sẽ góp phần sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố theo tinh thần NQ45 của Bộ Chính trị, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…”.
Còn theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, thành phố đang tiếp tục quyết tâm, tập trung cao nhất, nguồn lực tốt nhất, con người ưu tú nhất, cam kết đồng hành và dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả nhất, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI. Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố chủ trương tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là thành lập khu kinh tế ven biển phía nam, tạo ra xung lực mới, là nơi “làm tổ” của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, thu hút các dòng vốn phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ được tăng cường, nhất là các dự án công nghệ cao về bán dẫn, chíp điện tử và lựa chọn các nhà đầu tư lớn có uy tín trên thế giới, theo phương châm “sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của TP Hải Phòng”.
Tổ hợp công nghiệp DEEP C tại Cát Hải (Hải Phòng).
Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố trong chuyến công tác Hải Phòng vào tháng 11 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao kết quả của Hải Phòng trong triển khai thực hiện NQ45 của Bộ Chính trị, trong đó việc thu hút đầu tư FDI là một đóng góp quan trọng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hải Phòng cần nỗ lực hơn nữa, phấn đấu phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, là thành phố cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao như các mục tiêu mà Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Về tổng thể, Tổng Bí thư cho rằng Hải Phòng phải quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai và quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Thành phố muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt, bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng, phải nhìn rõ lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất. Ðịnh hướng phát triển trong tương lai, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Hải Phòng phải hướng tới là đô thị đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, khuyến khích tăng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển, thúc đẩy phát minh sáng chế, bảo hộ tốt quyền tài sản, tạo dựng môi trường sáng tạo và khởi nghiệp hấp dẫn.
Đặc biệt, Tổng Bí thư lưu ý, Hải Phòng cần có chiến lược tốt hơn nữa trong lựa chọn thu hút FDI và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế; hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, tinh thần tự cường và khả năng cạnh tranh quốc tế, góp phần cùng cả nước mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
V.Huy