Toàn cảnh công trình Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố Hải Phòng sau hợp nhất.
Việc hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương không chỉ đơn thuần là việc gộp 2 đơn vị hành chính, mà là một bước chuyển đổi toàn diện về thể chế, tổ chức bộ máy, chiến lược phát triển và quản lý nhà nước.
Trước hết, việc xây dựng Đề án hợp nhất đã được tiến hành bài bản, với sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 địa phương, bảo đảm mọi bước đi đều có căn cứ pháp lý, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và sự tham gia của nhân dân.
Nội dung kết luận của Ban Thường vụ 2 địa phương đã khẳng định rõ tinh thần “chủ động, tích cực, khẩn trương, chắc chắn”, nhằm không để xảy ra sự xáo trộn gây ảnh hưởng đến đời sống, công tác và tâm lý cán bộ, người dân.
Một điểm nhấn quan trọng trong Kết luận 555-KL/TUHP-TUHD là việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống chính trị, bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ, không chỉ đòi hỏi sự linh hoạt trong bố trí nhân sự, mà còn cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, khách quan, minh bạch và phù hợp với năng lực, vị trí việc làm. Đây cũng là dịp để cơ cấu lại đội ngũ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, giảm chi phí hành chính, chống chồng chéo, trùng lặp chức năng.
Đặc biệt đáng chú ý là kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong đó dự kiến giảm khoảng 70% số đơn vị hiện có, phản ánh mức độ thay đổi sâu rộng, tác động trực tiếp đến hàng nghìn cán bộ cơ sở và hàng triệu người dân. Tuy nhiên, nếu được thực hiện bài bản, có lộ trình và giải pháp hiệu quả, việc này sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực, nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ nhân dân.
Về lâu dài, hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sẽ tạo ra một siêu đô thị có quy mô dân số và kinh tế vượt trội, là đầu tàu phát triển ở phía đông Bắc Bộ. Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống cảng biển, đường sắt, đường cao tốc, sân bay và tiềm lực công nghiệp, dịch vụ lớn mạnh, thành phố sau hợp nhất sẽ trở thành trung tâm logistics, công nghiệp chế biến chế tạo, đổi mới sáng tạo và du lịch biển, sông, đồng bằng, kết nối hiệu quả với Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh và các tỉnh phía Bắc.
Tổ chức bộ máy sau hợp nhất đòi hỏi sự thống nhất cao từ thể chế pháp luật, đến quy hoạch, ngân sách, tài sản công, quy trình thủ tục hành chính và công nghệ thông tin. Do đó, Kết luận 555 đã yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng kế hoạch hợp nhất cơ sở dữ liệu, điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi số để bảo đảm hoạt động liên thông, đồng bộ giữa các cấp, các ngành.
Về mặt xã hội, việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương có lịch sử, văn hóa, phong tục và tâm lý xã hội riêng biệt cũng cần sự tinh tế trong xử lý. Việc tuyên truyền đúng cách, lắng nghe ý kiến cử tri, tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở, nơi làm việc, chế độ chính sách cho cán bộ và người lao động sẽ góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Về chiến lược phát triển, thành phố sau hợp nhất cần có một bản quy hoạch tổng thể mới, hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, thể hiện rõ vị trí, vai trò và thế mạnh riêng của từng khu vực. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2025 cần được tính toán kỹ lưỡng, gắn với thực tiễn và phù hợp với định hướng của Trung ương về phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hai địa phương Hải Phòng và Hải Dương đã thống nhất lấy dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố Hải Phòng hiện nay làm cơ sở để xây dựng báo cáo trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố sau hợp nhất, nhiệm kỳ 2025-2030.
Cùng với đó, thành lập Tổ Công tác giúp việc cho Ban Thường vụ cấp ủy 2 địa phương trong xây dựng Đề án hợp nhất và chuẩn bị tổ chức Đại hội; bắt đầu hoạt động từ ngày 22/4/2025.
Hai địa phương thống nhất rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, nhất là các quy định về chế độ chính sách đặc thù, quy hoạch, đầu tư... để đề xuất điều chỉnh, bãi bỏ hoặc xây dựng mới, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất.
Đồng thời, việc rà soát thủ tục hành chính, hệ thống tổ chức và dữ liệu chuyên ngành để tích hợp, vận hành hiệu quả sau hợp nhất cũng được chú trọng.
Trên cơ sở đó, kế hoạch chuyển đổi số cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao năng lực quản trị.
Có thể khẳng định, chủ trương hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương là một bước đi mạnh mẽ, thể hiện tư duy đổi mới và dám nghĩ, dám làm vì lợi ích lâu dài của đất nước.
Để chủ trương lớn này thành công, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện, quyết liệt của cấp ủy 2 địa phương, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân.
PHẠM QUÂN