Hải quân Liên bang Nga bất ngờ bộc lộ điểm yếu ở biển Baltic – Kỳ 1

Hải quân Liên bang Nga bất ngờ bộc lộ điểm yếu ở biển Baltic – Kỳ 1
7 giờ trướcBài gốc
Cuộc diễn tập thể hiện quyết tâm duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy
Hải quân Liên bang Nga tập trận. Ảnh minh họa: TASS
Ngày 28/4, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga thông báo rằng tàu chống ngầm cỡ nhỏ Urengoy thuộc Hạm đội Baltic đã tiến hành một cuộc diễn tập gần bờ biển Kaliningrad, với nội dung bắn ngư lôi vào mục tiêu mô phỏng tàu ngầm đối phương.
Theo chuyên trang quân sự bulgarianmilitary.com, cuộc diễn tập này, được thực hiện tại các khu vực huấn luyện hải quân trên biển Baltic, bao gồm các hoạt động tìm kiếm, phát hiện, duy trì tiếp xúc với tàu ngầm, sau đó tiến hành tấn công bằng ngư lôi huấn luyện. Cuộc diễn tập cũng có các tình huống mô phỏng phản công từ tàu ngầm lớp Varshavyanka, huấn luyện khả năng sinh tồn của tàu, phòng không và chiến thuật chống biệt kích dưới nước.
Dù phía Liên bang Nga mô tả đây là hoạt động huấn luyện định kỳ, nhưng thời điểm và địa điểm diễn ra lại đặt ra nhiều câu hỏi về các ưu tiên chiến lược của Moskva (Moscow) trong khu vực mà căng thẳng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang gia tăng. Tại sao Liên bang Nga lại nhấn mạnh đến chiến tranh chống tàu ngầm ở biển Baltic vào lúc này? Và điều đó hé lộ điều gì về năng lực và lo ngại hải quân của họ?
Biển Baltic từ lâu đã là một điểm nóng địa chính trị, với vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad của Liên bang Nga - một tiền đồn được quân sự hóa mạnh mẽ, nằm giữa hai nước thành viên NATO là Ba Lan và Litva - vừa là tài sản chiến lược vừa là điểm yếu dễ bị tổn thương.
Cuộc diễn tập của tàu Urengoy, được thực hiện gần khu vực nhạy cảm này, cho thấy Liên bang Nga đang tập trung vào việc đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển của mình trong bối cảnh hoạt động của NATO ở biển Baltic ngày càng gia tăng. Kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO lần lượt vào năm 2023 và 2024, hải quân của khối quân sự này ngày càng mở rộng sự hiện diện, với các tàu ngầm hiện đại và tàu mặt nước thường xuyên hoạt động trong khu vực.
Hải quân Liên bang Nga, đặc biệt là Hạm đội Baltic, đang phải đối mặt với thách thức là vừa đối phó với sự hiện diện này, vừa giữ quyền kiểm soát các tuyến đường biển trọng yếu nối Kaliningrad với lãnh thổ Liên bang Nga. Cuộc diễn tập cho thấy Moskva muốn thể hiện sức mạnh, nhưng khi xem xét kỹ các phương tiện tham gia và bối cảnh rộng hơn, một bức tranh phức tạp hơn đã hiện ra.
Trung tâm của cuộc diễn tập là tàu Urengoy - một tàu chống ngầm cỡ nhỏ thuộc lớp Grisha (Dự án 1124M), được thiết kế cho nhiệm vụ phòng thủ ven biển và săn tàu ngầm. Được đưa vào biên chế từ cuối những năm 1980, các tàu lớp Grisha có kích thước nhỏ, lượng giãn nước khoảng 1.200 tấn và dài khoảng 71 mét.
Tàu được trang bị hệ thống cảm biến và vũ khí dành riêng cho tác chiến chống ngầm, bao gồm bệ phóng rocket RBU-6000, hai ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và mìn sâu. Hệ thống sonar MG-322 cho phép tàu phát hiện tàu ngầm ở tầm trung bình, trong khi pháo hạm 76mm AK-176 và hệ thống phòng thủ tầm gần AK-630 chỉ cung cấp khả năng phòng vệ hạn chế trước các mối đe dọa từ trên không và mặt nước.
Tuy nhiên, lớp Grisha là sản phẩm của thiết kế thời Liên Xô, với thiết bị điện tử lỗi thời và khả năng hoạt động liên tục kém hơn so với các đối thủ phương Tây hiện đại. Ví dụ, các hải quân NATO hiện đang triển khai các tàu hộ vệ như lớp Sachsen của Đức hay lớp Fridtjof Nansen của Na Uy, được trang bị radar mảng pha chủ động tiên tiến và tên lửa chống ngầm tầm xa như Naval Strike Missile.
Các tàu này vượt trội Urengoy về tầm hoạt động, độ tinh vi của cảm biến và tính linh hoạt, cho thấy khoảng cách công nghệ mà Liên bang Nga đang phải đối mặt ở biển Baltic.
Cuộc diễn tập cũng có sự tham gia của tàu ngầm lớp Varshavyanka (Dự án 636.3), đóng vai trò tàu đối phương. Phía phương Tây gọi đây là tàu ngầm lớp Kilo cải tiến - một trong những phương tiện dưới nước không chạy bằng năng lượng hạt nhân mạnh nhất của Liên bang Nga.
Dài 74 mét và có lượng giãn nước khoảng 3.950 tấn khi lặn, Varshavyanka nổi tiếng nhờ khả năng tàng hình, nhờ vào lớp phủ hấp thụ sóng âm và hệ thống động lực yên tĩnh. Tàu có thể mang theo 18 ngư lôi, bao gồm các loại như 53-65KE hoặc TEST-71M, và được trang bị tên lửa hành trình Kalibr có tầm bắn lên đến 2.500 km, có thể tấn công cả mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Hệ thống sonar MGK-400 Rubikon và hệ thống điều khiển tác chiến hiện đại khiến Varshavyanka trở thành một đối thủ đáng gờm ở vùng biển nông như Baltic. So với các tàu ngầm NATO như Type 212A của Đức hay lớp Gotland của Thụy Điển, Varshavyanka ngang ngửa về khả năng tàng hình và hỏa lực, nhưng tụt hậu về tích hợp cảm biến và sức bền của thủy thủ đoàn.
Việc đưa Varshavyanka vào diễn tập cho thấy Nga đang thử nghiệm khả năng đối phó với mối đe dọa dưới nước từ NATO, đồng thời phô diễn khả năng tấn công của lực lượng tàu ngầm mình.
Điểm đáng chú ý là việc sử dụng ngư lôi huấn luyện trong đòn tấn công của Urengoy. Những loại đạn này không có đầu nổ, được thiết kế để huấn luyện và có thể thu hồi sau khi bắn, như đã được thực hiện bởi một tàu xuồng thu hồi ngư lôi trong cuộc diễn tập.
Cách tiếp cận này cho phép thủy thủ đoàn mô phỏng các kịch bản chiến đấu thực tế mà không cần tiêu tốn vũ khí thật đắt đỏ. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra câu hỏi về mức độ sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Baltic Nga nếu phải tham gia vào các hoạt động kéo dài.
Hạm đội này từ lâu đã phụ thuộc vào các nền tảng cũ như lớp Grisha, trong khi tàu ngầm lớp Varshavyanka tuy là tài sản hiện đại, nhưng lực lượng tàu ngầm của Liên bang Nga ở biển Baltic lại bị giới hạn nhiều so với Hạm đội Phương Bắc hay Hạm đội Thái Bình Dương.
Theo một báo cáo năm 2024 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Hạm đội Baltic của Liên bang Nga chỉ vận hành một số ít tàu ngầm, và phần lớn tàu mặt nước của họ có từ thời Liên Xô.
Ngược lại, các hải quân NATO ở khu vực Baltic, được hỗ trợ bởi Đức, Thụy Điển và Phần Lan, sở hữu một loạt tàu hiện đại đa dạng như khinh hạm, tàu hộ tống và tàu ngầm, cùng các máy bay tuần tra hàng hải tiên tiến như P-8 Poseidon.
Lịch sử cho thấy biển Baltic từ lâu đã là chiến trường của sự ganh đua hải quân căng thẳng. Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng Liên Xô và NATO thường xuyên thăm dò lẫn nhau, với các tàu ngầm chơi trò mèo vờn chuột trong vùng biển hẹp này.
Vụ việc “Whiskey on the Rocks” năm 1981, khi một tàu ngầm lớp Whiskey của Liên Xô mắc cạn gần một căn cứ hải quân Thụy Điển, đã phơi bày sự quyết đoán của hải quân Liên Xô và làm bùng nổ khủng hoảng ngoại giao. Gần đây hơn, việc Liên bang Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc chiến đang tiếp diễn ở Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng, khiến NATO tăng cường các cuộc diễn tập hải quân ở biển Baltic.
Cuộc tập trận BALTOPS của NATO, được tổ chức hàng năm, quy tụ hàng chục tàu chiến và máy bay từ nhiều quốc gia thành viên, thực hành các kịch bản phức tạp như rà phá thủy lôi và chống tàu ngầm.
Phản ứng của Liên bang Nga, qua những cuộc diễn tập như của tàu Urengoy, thể hiện quyết tâm duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy – ngay cả khi nguồn lực hải quân bị phân tán bởi các cam kết ở nơi khác, đặc biệt là ở Biển Đen, nơi các thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine đã gây tổn thất đáng kể cho Hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga.
Đón đọc kỳ cuối: Điểm yếu bất ngờ bị phơi bày
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/hai-quan-lien-bang-nga-bat-ngo-boc-lo-diem-yeu-o-bien-baltic-ky-1-20250430214441836.htm