Hải quan huy động nhân lực, sử dụng công cụ hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực phát hiện buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh minh họa
PV: Ông đánh giá tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua trong thẩm quyền của cơ quan hải quan - lực lượng có vai trò quan trọng gác cửa nền kinh tế?
Ông Phan Quốc Đông: Hiện nay, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế cũng như sức khỏe người dân.
Thực tế này đặt ra bài toán cho cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan hải quan phải có biện pháp thích ứng, linh hoạt vừa đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu thông thương hàng hóa vừa kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, đặc biệt là các đường dây, ổ nhóm, buôn lậu xuyên quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên nhiều quốc gia đòi hỏi ngành hải quan cần có biện pháp thích ứng.
Xác định được mục tiêu này, ngành hải quan đã chủ động ban hành các kế hoạch kiểm soát hải quan, trong đó có những nội dung liên quan để chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng có dấu hiệu rủi ro cao.
Hiện nay, các đội, tổ của lực lượng điều tra chống buôn lậu huy động tối đa quân số triển khai ở các địa bàn cửa khẩu trọng yếu trên cả 3 miền, trong đó tập trung vào biên giới phía bắc, khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ trong quá trình tác nghiệp đã sử dụng các phương tiện gián sát trực tuyến, nâng cao khả năng phát hiện vi phạm.
PV: Công cuộc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã và đang được Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên kết quả còn chưa như mong muốn, vậy đâu là khó khăn thách thức đặt ra với cơ quan hải quan thưa ông?
Ông Phan Quốc Đông: Theo đánh giá của chúng tôi, cơ quan hải quan có nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại vừa đảm bảo nhiệm vụ quản lý, đòi hỏi cán bộ hải quan phải không ngừng nâng cao trình độ năng lực, trách nhiệm công vụ.
Chính vì vậy, ngành hải quan đã chỉ đạo các lực lượng chuyên trách tập trung sàng lọc, kiểm soát hàng hóa có khả năng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ cao.
Cơ quan hải quan nhắm đến hàng hóa quá cảnh, tạm nhập tái xuất, hàng hóa với danh nghĩa nhập để sản xuất, xuất khẩu sau đó doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ trong từng thời điểm liên quan đến chênh lệch về thuế suất tại thị trường khác nhau ở các quốc gia Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu lớn, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.
Theo đánh giá của chúng tôi, mặt hàng có nguy cơ cao tiềm ẩn ở địa bàn khu công nghiệp, cửa khẩu có hoạt động quá cảnh, tạm nhập tái xuất lớn, trong đó địa bàn trọng điểm là Campuchia, Lào, Trung Quốc. Chắc chắn là giai đoạn cao điểm này, cơ quan hải quan đã nắm bắt tình hình, triển khai kế hoạch
Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, cơ quan hải quan đã chủ động xây dựng trình Bộ Tài chính việc triển khai kế hoạch cụ thể tại các địa bàn. Trong các kế hoạch chuyên đề của Cục Hải quan và Chi cục Điều tra chống buôn lậu cũng đưa các biện pháp thích ứng để vừa thực hiện quyết liệt có hiệu quả đợt tấn công trấn áp buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tinh thần chỉ đạo của các cấp, nhưng vừa đảm bảo tạo thuận lợi cho thương mại, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
PV: Như ông chia sẻ, Cục Hải quan đã ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, nhằm quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nhiệm vụ này sẽ được đơn vị thực hiện ra sao thưa ông?
Ông Phan Quốc Đông: Cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ, ngày 15/5/2025, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BTC về triển khai tháng cao điểm tấn công trấn áp tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đơn vị đã đề xuất với lãnh đạo Cục Hải quan thực hiện kế hoạch nắm bắt tình hình tại 20 khu vực để đánh giá tình hình kiểm soát hải quan từ hồ sơ địa bàn, đến diễn biến buôn lậu trên các địa bàn, thực tế sử dụng công cụ hỗ trợ, chó nghiệp vụ và vũ khí trong các đơn vị hải quan.
Hiện nay, đơn vị đã triển khai nhiệm vụ tại 5 khu vực… Đánh giá sơ bộ tại hải quan khu vực đặc biệt là sau khi thực hiện sáp nhập theo mô hình mới có một số nơi, chỗ việc chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các đơn vị hải quan khi chuyển giao cần có sự điều chỉnh, đặc biệt là trong hồ sơ nghiệp vụ, hồ sơ địa bàn, cũng như việc nắm bắt tình hình khi hoạt động theo mô hình mới.
Theo tinh thần của lãnh đạo Cục Hải quan, đơn vị sẽ tập trung hỗ trợ các đơn vị hải quan khu vực trong việc kiện toàn hoạt động kiểm soát hải quan, sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ; nâng cao khả năng phối hợp, phát hiện và xử lý vi phạm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chính phủ ban hành chỉ thị nóng về chống buôn lậu
Ngày 15/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg về việc mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc; Chỉ thị số 13/CT-TTg (ngày 17/5/2025) về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Song Linh