Hai sắc màu đối lập trước ngày vía Thần Tài tại miền Tây

Hai sắc màu đối lập trước ngày vía Thần Tài tại miền Tây
4 giờ trướcBài gốc
Nhộn nhịp mua sắm vàng đầu năm
Ngày 6/2 (tức mùng 9 Tết Nguyên đán Ất Tỵ), sát ngày vía Thần Tài (mùng 10 Tết), người dân miền Tây đổ xô đi mua sắm và đổi vàng, từ vàng miếng, thỏi, nhẫn kim tiền đến vàng mạ, vàng xi. Không khí tại các cửa hàng vàng sôi động, nhộn nhịp như một lễ hội mua bán vàng đầu năm. Ngay cả những người thu nhập thấp cũng tham gia cầu tài lộc.
Mua sắm vàng ngày vía Thần Tài thể hiện niềm tin vào sự may mắn, tài lộc trong cuộc sống.
Ghi nhận của Người Đưa Tin, tại các tiệm vàng K.T, N.T., M.V. (quận Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ); tiệm K.H.D., T.N. (Tp.Long Xuyên, tỉnh An Giang); tiệm vàng T.M., T.V.M. (Tp.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); tiệm vàng T.N., K.C. (Tp.Cà Mau, tỉnh Cà Mau)..., lượng khách đến giao dịch đông đúc, nhộn nhịp từ sáng sớm, không khí mua bán sôi động.
Tại các tiệm vàng lớn ở trung tâm các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An,… trong những ngày này, nhiều khách hàng phải đứng để được phục vụ. Nhân viên bán hàng làm việc hết công suất, có cửa hàng phải huy động tất cả người thân trong gia đình ra phụ bán mới có thể để đáp ứng nhu cầu của khách.
Ông Trần Văn Hậu, chủ một tiệm vàng lớn tại Tp.Cần Thơ, cho biết, lượng khách năm nay tăng so với năm trước, vì người dân rất tin vào việc mua vàng trước và trong ngày vía Thần Tài, tin rằng điều này sẽ mang lại may mắn và tài lộc đầu năm.
Ngoài các sản phẩm vàng truyền thống như: nhẫn, dây chuyền, bông tai, các tiệm vàng còn giới thiệu những mẫu mã mới lạ, độc đáo, như các sản phẩm vàng Ý và những sản phẩm phong thủy, hình dáng của Thần Tài, linh vật, thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Một tiệm vàng tại Tp.Cần Thơ, nhiều khách hàng tìm đến mua vàng trước ngày vía Thần Tài.
Chị Nguyễn Thị Phương, một người dân tại Tp.Cần Thơ chia sẻ: "Phụ nữ miền Tây đeo vàng trong các dịp lễ, tiệc như một bản sắc văn hóa riêng. Trước ngày vía Thần Tài, tôi luôn dành dụm tiền để mua vàng, không chỉ để tích trữ mà còn là một phong tục, tín ngưỡng trong gia đình".
Vàng không chỉ là trang sức hay tài sản, mà còn là biểu tượng của thịnh vượng và may mắn trong văn hóa người Việt, đặc biệt ở miền Tây.
Chị Mai Thị Hương (ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho biết, đeo vàng không chỉ để làm đẹp mà còn cầu bình an cho gia đình trong năm mới. Trước và trong ngày vía Thần Tài là dịp để người dân miền Tây mua vàng, thể hiện niềm tin vào tài lộc và may mắn.
"Lò đúc vàng" đìu hiu
Trái với không khí nhộn nhịp sát ngày vía Thần Tài tại vùng đất phương Nam, làng nghề kim hoàn truyền thống ở Bình Yên (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và làng kim hoàn truyền thống ở xã Thuận Thành (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) lại vắng lặng, đìu hiu.
Ông Trần Văn Bên với công việc chế tác vàng.
Theo các vị cao niên, ngày nay, khi cuộc sống phát triển, việc đeo trang sức vàng càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sự ra đời của nhiều mẫu nữ trang hiện đại đã khiến nghề kim hoàn thủ công đối mặt với nguy cơ mai một.
Các "lò đúc vàng" truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm ngày càng thưa thớt, và nhiều nghệ nhân nổi tiếng như ông: Ba Nhọn, Hai Chuyền, Dũng Kiến ở làng Bình Yên (tỉnh Tiền Giang) đã không còn theo nghề.
Ông Nguyễn Văn Lài (Dũng Kiến), người gắn bó với nghề kim hoàn hơn 40 năm, chia sẻ rằng, thời vàng son của nghề kim hoàn vào thập niên 80-90 chỉ còn là kỷ niệm. Những sản phẩm như vòng ximen, dây chuyền mắt trúc, nhẫn vàng đính đá cẩm thạch từng rất phổ biến, nhưng hiện nay không thể cạnh tranh với các kiểu dáng hiện đại.
Anh Trần Văn Đức, một cơ sở gia công khuôn mẫu nữ trang ở làng Bình Yên, cho biết, có lúc cơ sở của anh phải dừng hoạt động vì không có đơn hàng. Nhiều cơ sở gia công vàng khác ở đây cũng gặp phải tình trạng tương tự.
"Những ngày này, cơ sở gia công của tôi không có đơn hàng nhiều, chỉ làm các đơn hàng nhỏ lẻ cho các tiệm vàng quen. Nguyên nhân của tình trạng này do không thể cạnh tranh với các kiểu dáng hiện đại bây giờ", anh Đức nói thêm.
Ông Trần Văn Bên đang chế tác vàng cho khách hàng.
Ông Trần Văn Bên (xã Tân Hương) là một trong số ít người còn giữ nghề kim hoàn truyền thống ở làng Bình Yên. Hơn 35 năm trước, ông được các "đàn anh" trong vùng truyền dạy nghề. Với sự sáng tạo và chăm chỉ, ông Bên đã gây dựng và giữ nghề cho đến nay.
Theo ông Bên, ngoài đam mê và kinh nghiệm, sự may mắn cũng rất quan trọng để có thể bám trụ và phát triển nghề.
Để tồn tại và thành công, các cơ sở gia công vàng như ông phải luôn bắt kịp xu hướng, tạo ra những mẫu mã độc đáo, đa dạng và mở rộng thị trường. Nếu không thay đổi, sẽ rất khó giữ nghề.
"Tuy nhiên, để cạnh tranh ở giai đoạn hiện tại rất khó khăn với những cơ sở làm nghề kim hoàn truyền thống của chúng tôi. Hiện tôi vẫn cố gắng bám trụ với nghề và tìm cơ hội để phát triển lại nghề truyền thống của mình", ông Bên chia sẻ.
Tương tự, nghề chế tác kim hoàn (bạc, thau) truyền thống ở xã Thuận Thành (tỉnh Long An), tồn tại hơn 100 năm, cũng đang dần mai một. Chỉ còn một số ít hộ dân duy trì nghề truyền thống này.
Anh Trịnh Hoàng Long, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, cho biết, vào những năm 1990, xã có hàng chục hộ làm nghề, cung cấp cho các đầu mối ở Tp.HCM và các tỉnh, nhưng giờ chỉ còn hơn chục hộ. Thu nhập khó khăn và sự phát triển của thị trường kim hoàn đã khiến nhiều người chuyển sang nghề khác.
Những người thợ kim hoàn đang làm việc tại gia đình anh Trịnh Hoàng Long. (Ảnh: Song Ngọc).
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), cho biết, làng Bình Yên được biết đến là nơi làm nghề kim hoàn lâu đời của tỉnh. Hiện, địa phương đang nghiên cứu khôi phục nghề kim hoàn truyền thống vốn tồn tại trăm năm tuổi.
Lưu giữ nét tinh hoa văn hóa nghề kim hoàn truyền thống
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện UBND xã Thuận Thành (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết, khoảng năm 1940, ông Đoàn Văn Trân sống tại xã Thuận Thành lên Chợ Lớn (Tp.HCM) học nghề thợ bạc. Ông được người thầy người Việt ở Huế và người Hoa truyền dạy nghề. Sau đó, ông truyền lại nghề thợ bạc cho con, cháu đời sau và tồn tại cho đến nay. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 7, 8, 9 và mùng 10 tháng 4 Âm lịch, bà con làm nghề thợ bạc sắm sửa hương hoa, trà quả cúng Tổ nghề tại đền thờ Tổ ở Tp.HCM. Ai không có dịp đi thì cúng ở nhà, như lưu giữ nét tinh hoa văn hóa nghề kim hoàn vốn tồn tại trăm năm tuổi.
Song Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/hai-sac-mau-doi-lap-truoc-ngay-via-than-tai-tai-mien-tay-204250206125555054.htm