Thưa Tiến sĩ Phan Quang Anh, ông đánh giá thế nào về sự đón nhận của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, với hai chương trình truyền hình: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và Anh Trai “Say Hi”?
Tiến sĩ Phan Quang Anh: Có thể thấy rằng sức nóng lan tỏa từ các chương trình truyền hình thực tế lấy yếu tố âm nhạc và trình diễn làm cơ sở như Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng và gần đây là hai shows Anh Trai thực sự bao trùm đời sống thường nhật của các bạn trẻ, nhất là sinh viên hiện nay, khi có thể dễ dàng nhận thấy rằng đó là chủ đề chính trong nhiều cuộc hội thoại cả ngoài đời sống lẫn trên không gian mạng.
Tiến sĩ Phan Quang Anh hiện đang là giảng viên Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQG Hà Nội (Ảnh: NVCC)
Từ góc độ tiêu dùng sản phẩm văn hóa nói chung và sản phẩm truyền thông giải trí nói riêng, tôi cho rằng đó là điều tích cực khi mà người trẻ có được một món ăn tinh thần được chuẩn bị đủ chu đáo (dĩ nhiên sai sót trong khâu sản xuất và phát hành sẽ không tránh khỏi) để được thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng, được đu “idol-thần tượng” một cách văn minh và được chứng kiến cũng như xây dựng kỳ vọng về một nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp của nước nhà.
Bản thân sinh viên các ngành liên quan đến Truyền thông, PR, Giải trí, Sự kiện và Quản trị nói chung cũng sẽ đón nhận nội dung chương trình và sự thành công của chúng như một tín hiệu tốt cho sự phát triển của thị trường giải trí, nơi cũng đồng thời là phễu đón lao động của các ngành liên quan.
Hai chương trình này ảnh hưởng đến đời sống văn hóa giải trí của giới trẻ Việt Nam như thế nào trong năm 2024?
Tiến sĩ Phan Quang Anh: Trong nửa cuối năm 2024, tôi cho rằng hai chương trình này là một trong những diễn ngôn giải trí chính của giới trẻ, mặc dù nói vậy có thể là sớm khi mà Chị Đẹp 2024 vừa lên sóng và sẽ mang lại một màu sắc khác, cũng như đời sống giải trí của Việt Nam còn nhiều dạng thức khác đáng chú ý (Vũ trụ điện ảnh của VTV vẫn luôn được chờ đón, Đảo Thiên Đường hay Our Song cũng mang lại ít nhiều sự mong đợi và dõi theo, sự kiện mở cửa Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hay Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 đều là những tiêu điểm bồi đắp cho đời sống này) chứ không chỉ xoay quanh truyền hình thực tế liên quan đến âm nhạc.
Concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai được tổ chức tại TP.HCM ngày 19/10 vừa qua nhanh chóng tẩu tán gần 20.000 vé sau 90 phút mở bán. (Nguồn ảnh: Fanpage Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai)
Sự thành công trong việc tạo ra dư âm từ chương trình và bồi âm từ các concerts cùng các sự kiện liên quan đã thừa đủ để giới trẻ phải nhắc nhiều và trăn trở trong việc săn vé concert.
Tuy nhiên, sự thành công trong việc tạo ra dư âm từ chương trình và bồi âm từ các concerts cùng các sự kiện liên quan đã thừa đủ để giới trẻ phải nhắc nhiều và trăn trở trong việc săn vé concert. Tôi cho rằng sự sôi động như vậy đã là một điểm sáng cho đời sống văn hóa của các bạn trẻ. Sẽ thật buồn nếu chương trình qua đi mà không đọng lại gì. Ở góc độ Hậu chương trình, sự thành công còn dựa vào một giá trị mà tôi gọi là re-value (giá trị Lại). Với game đó là nội dung có đủ hay để chơi lại (replay), với âm nhạc là có đủ hay để nghe lại (re-listen), với điện ảnh và show truyền hình là có đủ hay để xem lại (re-watch). Khi các bạn trẻ sẵn sàng đi xem concert để xem lại những gương mặt đã quen thuộc và nghe lại những bài hát đã không còn lạ lẫm từ chương trình phát sóng thì tôi cho là đời sống giải trí càng náo nhiệt và có chiều sâu. Dĩ nhiên, FOMO và tính phong trào là những hiện tượng có thực, và thực ra nó có ở mọi khía cạnh giải trí khác.
2 đêm concert Anh Trai "Say Hi" được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
(Nguồn ảnh: Fanpage Anh Trai Say Hi Vie Channel)
Sức sống của chương trình sẽ còn cần phải kiểm chứng qua nhiều mùa nữa để thực sự biết được đây là one-hit wonder (nổi tiếng một lần) hay là một chương trình có thể kéo dài mà không giảm nhiệt. Tôi không bi quan, nhưng cũng phải thấy là nhiều show giải trí thế giới về Việt Nam thường không trụ được lâu (Vietnam’s Idol cũng mới được làm Mùa 8 sau nhiều năm chững, nhưng Mùa 9 cũng chưa thấy Cát Tiên Sa đả động gì, còn Got Talents, X-Factor hay sang mảng khác như nấu ăn thì MasterChef hay Iron Chef cũng không kéo dài được). Trước mắt thì 2024 và đầu 2025 chúng ta vẫn tạm an tâm là giới trẻ có đủ lốc xoáy để mà bị/được cuốn vào.
Hiệu ứng tích cực (và cả tiêu cực nếu có) từ hai chương trình này đến đời sống văn hóa giải trí của Việt Nam là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Phan Quang Anh: Hiệu ứng của chương trình tác động tới nhiều bên trong hệ sinh thái giải trí của Việt Nam. Việc mua bản quyền chương trình nước ngoài và bản địa hóa, sau đó bùng nổ không phải là một điều mới (tôi nhớ hơn cả khi show đầu tiên mua và liên kết nước ngoài của truyền hình VN mà gây được tiếng vang là Trò chơi liên tỉnh trong hai mùa 1996, 1997, từ bản gốc Intervilles của Pháp), tuy nhiên bản quyền các show từ Trung Quốc sẽ là một điểm chấm phá tốt cho truyền thông giải trí tiếp tục khai thác (đơn cử như Sing My Song trước kia hay Our Song hiện nay). Người tiêu dùng - khán thính giả, cố nhiên có thêm lựa chọn để làm phong phú đời sống văn hóa của bản thân. Nghệ sĩ, với tư duy luôn muốn/cần làm mới mình trong mắt công chứng, có thêm một nền tảng để xây dựng hình ảnh. Các đơn vị liên quan từ sự kiện, quảng cáo đến các nhãn hàng có thêm một nguồn cảm hứng để kích cầu tiêu dùng, bất kể là có thêm đại sứ hay các mặt hàng liên quan).
Hiệu ứng bùng nổ của hai chương trình giúp khán giả có thêm nhiều sự lựa chọn cho đời sống tinh thần của bản thân. (Nguồn ảnh: Fanpage Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai)
Những tranh cãi nảy sinh giữa các fanclubs hay các phát ngôn do chưa kịp thấu hiểu tính đa diện của danh vọng đều là những hệ quả phái sinh chưa hợp với những tiêu chuẩn ứng xử của đại chúng và sẽ cần những điều chỉnh nhất định để chương trình và những nhân tố liên quan được đón nhận bên ngoài sân khấu một cách văn minh.
Tôi là người nghiên cứu văn hóa, và ngành Cultural Studies hiếm khi nhìn vấn đề theo hướng nhị nguyên tuyệt đối (tích cực/tiêu cực). Những tranh cãi nảy sinh giữa các fanclubs hay các phát ngôn do chưa kịp thấu hiểu tính đa diện của danh vọng đều là những hệ quả phái sinh chưa hợp với những tiêu chuẩn ứng xử của đại chúng và sẽ cần những điều chỉnh nhất định để chương trình và những nhân tố liên quan được đón nhận bên ngoài sân khấu một cách văn minh.
Từ góc độ chuyên môn của mình, ông có thể cho biết sinh viên chuyên ngành nghệ thuật có thể học hỏi và rút kinh nghiệm được những gì từ sự “bùng nổ” của hai chương trình này?
Tiến sĩ Phan Quang Anh: Bản địa hóa chương trình ngoại nhập, Tính chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện hoành tráng và Chiến lược truyền thông đa tầng hiệu quả (bao gồm cả giải quyết khủng hoảng truyền thông) đều là những bài học sâu, sát và sắc mà sinh viên thấy được từ chương trình. Thực chất trước nay chưa có ngành đào tạo về Quản lý hoạt động giải trí ở Việt Nam. Tất cả nhân sự ngành này hiện nay đều trưởng thành từ các mảng khác nhau trong khối ngành Thương mại, Truyền thông, Nghệ thuật và xây dựng nên ngành công nghiệp giải trí nước nhà từ kinh nghiệm thực chiến nhiều hơn là bài vở giảng đường. Dĩ nhiên, họ vẫn đạt được nhiều thành công nhờ những năm tháng lăn xả với thực tế, khi mà hai chương trình chúng ta đang nói được có được tiếng vang như hiện tại một phần được cộng hưởng từ uy tín làm nghề của đơn vị sản xuất, tổng đạo diễn và các giám đốc chuyên môn. Dẫu vậy, ngay cả người trong ngành (như Neko Lê trong một phỏng vấn mới đây) cũng tự nhận thấy rằng nếu có đơn vị giáo dục giúp đào tạo một cách chính danh việc quản lý và vận hành hoạt động nghệ thuật hay giải trí thì điều đó sẽ thực sự giúp tối ưu chi phí cơ hội và thời gian. Do đó, khi sinh viên đã có cơ hội học tập bài bản như hiện nay thì việc đặt sự quan tâm lên những chương trình như này là một sự gắn kết cần có giữa lý thuyết và quan sát thực tế ngõ hầu giúp nhân sự tương lai hiểu ngành và biết mình sẽ có thể ở đâu trong chuỗi giá trị.
Theo ông, hiệu ứng của hai chương trình này có khiến việc tuyển sinh của các chuyên ngành liên quan đến tổ chức biểu diễn các chương trình giải trí ở Việt Nam sẽ dễ hơn trong những năm tới?
Tiến sĩ Phan Quang Anh kỳ vọng các show Anh Trai sẽ là bệ phóng góp phần cho sự hình thành một thế hệ nhân lực chuyên nghiệp trong ngành quản lý giải trí tại Việt Nam (Nguồn ảnh: Fanpage Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Fanpage Anh Trai Say Hi Vie Channel)
Tiến sĩ Phan Quang Anh: Cũng chưa cần đợi tới khi các chương trình này bùng nổ thì các bạn trẻ mới hiểu giá trị của việc học tập chuyên ngành Quản lý Giải trí và Sự kiện. Các bạn trẻ bây giờ rất nhạy và việc quan sát sự bùng nổ của truyền hình nước nhà, của esports, của hoạt động tổ chức thi người đẹp, của hoạt động livestreaming… đều đã là những nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các bạn quyết định dấn thân. Dĩ nhiên, thêm những cây pháo hoa với màu sắc đẹp và chùm hoa lớn sẽ càng làm bầu trời sáng hơn. Vì thế, tôi tin chắc rằng, những năm tới khi phỏng vấn tuyển sinh, các show Anh Trai hoàn toàn có thể là lý do “cửa miệng” góp phần cho sự hình thành của một thế hệ nhân lực chuyên nghiệp trong ngành quản lý giải trí của nước nhà.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tiến sĩ Phan Quang Anh làm Nghiên cứu Sau Tiến sĩ tại ĐH Zurich của Thụy Sĩ. Ông nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông và Phương tiện truyền thông tại ĐHQG Singapore năm 2019, và bằng Thạc sĩ ngành Nghiên cứu văn hóa và Phê bình tại ĐH Westminster (Anh) năm 2013. Hướng nghiên cứu và các công bố của ông tập trung vào nền kinh tế sáng tạo, bao gồm nhưng không giới hạn trong các vấn đề liên quan Công nghiệp giải trí, Trò chơi điện tử, Di sản và Du lịch.
Hiếu Nguyễn - Trần Anh (Thực hiện)