Hai sự kiện văn hóa ở tỉnh Sóc Trăng được tổ chức quy mô cấp khu vực

Hai sự kiện văn hóa ở tỉnh Sóc Trăng được tổ chức quy mô cấp khu vực
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 20/9, tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng cho biết, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 - 15/11/2024.
Với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”, hai hoạt động này được tổ chức quy mô cấp khu vực.
Giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động văn hóa - du lịch. Ảnh: TL
Theo kế hoạch được trình bởi Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần này sẽ có 5 hoạt động, trong đó, điểm nhấn vẫn là giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer.
Chương trình khai mạc Lễ hội dự kiến 120 phút, tại Quảng trường Bạch Đằng (thành phố Sóc Trăng). Giải đua ghe ngo diễn ra vào ngày 14 và 15/11, tại đoạn sông Maspéro, dự kiến có khoảng từ 55 đến 60 đội nam, nữ trong và ngoài tỉnh tham gia.
Ngoài ra, Lễ hội còn có các hoạt động như Lễ cúng Trăng, Lễ hội Lôiprotip (thả đèn nước) và trình diễn ghe Cà Hâu.
Đối với Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất, dự kiến khách du lịch khi tham gia hoạt động này sẽ được chiêm ngưỡng 20 dàn nhạc Ngũ âm với khoảng 200 diễn viên, nhạc công trình diễn, quy mô lớn nhất Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động đặc sắc khác: Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Sóc Trăng và đặc sản vùng miền; Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc; giới thiệu sản phẩm du lịch Sóc Trăng…
Ngày 20/9, tại cuộc họp triển khai Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024, ông Trần Văn Lâu Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các ngành và các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chặt chẽ để đảm bảo tốt cho hai sự kiện diễn ra.
Trong đó, lưu ý bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong khuôn khổ Lễ hội; bảo đảm an toàn cho các vận động viên tham gia giải đua ghe ngo…
Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer.
Nhạc Ngũ âm tiếng Khmer gọi là Pinn Peat được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ âm truyền thống.
Với giá trị tiêu biểu, Nhạc ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019.
Thế Vũ
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/hai-su-kien-van-hoa-o-tinh-soc-trang-duoc-to-chuc-quy-mo-cap-khu-vuc-post308580.html