Hai thái cực trái ngược của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản

Hai thái cực trái ngược của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản
12 giờ trướcBài gốc
Trì hoãn
Theo bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, CBRE đã thực hiện khảo sát tâm lý đối với hơn 150 khách hàng là nhà đầu tư và người thuê trong các lĩnh vực khác nhau.
Theo đó, đối với các nhà đầu tư bất động sản, 60% trả lời rằng đang “án binh bất động” - tức là đang quan sát thị trường và chưa đưa ra quyết định gì, 39% nhà đầu tư cho biết có thể sẽ trì hoãn kế hoạch mua bán, 21% đã trì hoãn.
60% doanh nghiệp bất động sản trả lời rằng đang “án binh bất động” - tức là đang quan sát thị trường và chưa đưa ra quyết định gì.
Tương tự, khoảng 50% doanh nghiệp liên quan đến bất động sản công nghiệp và hậu cần cũng cho biết tạm thời chưa làm gì. Mặt khác, chỉ có một lượng nhỏ người được phỏng vấn cho biết sẽ thoái vốn khỏi thị trường.
Kết quả, báo cáo thị trường bất động sản quý II/2025 của CBRE Việt Nam chỉ ra, trong nửa đầu năm nay, bất động sản chưa thực sự hồi phục. Tính đến hết 6 tháng đầu năm nay, thị trường nhà ở tại TPHCM có 1.400 căn hộ và 132 căn nhà thấp tầng mở bán mới. Trong đó, nguồn cung mới của quý II là khoảng 1.000 căn hộ và 74 căn nhà thấp tầng.
Đối với thị trường căn hộ, dù nguồn cung căn hộ đã tăng gấp đôi so với quý trước, nguồn cung của 6 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn 16% so với tổng nguồn cung của sáu tháng đầu năm 2024 và thấp nhất kể từ 2015 đến nay. Điều này cho thấy nguồn cung chưa thực sự hồi phục dù các dự án nhà ở tại TPHCM liên tục được gỡ vướng pháp lý từ cuối năm 2024 đến nửa đầu năm nay.
Đặc biệt để kích cầu, trong thời gian này, chủ đầu tư áp dụng thêm nhiều chính sách hỗ trợ bán hàng như chiết khấu từ 9 - 16% tùy phương thức thanh toán, hỗ trợ vay với ân hạn nợ gốc lên đến 10 năm, tặng thêm gói nội thất…
CBRE Việt Nam dự báo, nguồn cung nhà ở mới tại TPHCM vẫn còn hạn chế với khoảng hơn 6.000 căn hộ và hơn 800 căn nhà thấp tầng mở bán mới. Thay vào đó, nguồn cung mới tại các khu vực ngoại thành như Bình Dương, Long An và Đồng Nai sẽ dồi dào hơn, chiếm đến gần 70% tổng nguồn cung nhà ở mở bán mới trong năm 2025 của khu vực TPHCM mới.
“Với khoảng cách giá bán của các thị trường ngoại thành thấp hơn giá bán tại TPHCM từ 50 - 80%, cùng với nguồn cung tương lai dồi dào hơn, dư địa tăng giá tại các thị trường ngoại thành còn rất lớn. Dự kiến mức tăng giá bán sơ cấp trung bình trong 3 năm tới đạt 9 - 11%/năm cho thị trường căn hộ và tăng 6 - 12%/năm cho thị trường bất động sản gắn liền với đất”, bà Dương nói.
Nhà đầu tư nước ngoài háo hức
Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp những bất ổn quốc tế, sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam vẫn còn đó. Các quỹ đầu tư lớn từ Singapore như CapitalLand bày tỏ mong muốn đầu tư khoảng 5 - 7 tỷ USD vào thị trường Việt Nam.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút dòng vốn FDI.
Một số nhà đầu tư từ Thụy Điển cũng mong muốn phát triển cơ sở sản xuất lên tới 1 tỷ USD tại Bình Định. Gần đây nhất là sự hợp tác giữa nhà đầu tư trong nước Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc với Tập đoàn Trump để quản lý các dự án sân golf tại Hưng Yên.
Không chỉ dừng lại ở mong muốn, dòng vốn FDI chiếm đến hơn 4% tổng GDP của Việt Nam, đây là tỷ trọng cao nhất so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, tỷ trọng FDI đang trong xu hướng tăng cao. Thông thường, tỷ trọng này dao động khoảng 16 - 18%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ trọng đầu tư FDI vào bất động sản đã lên tới 24% - cho thấy bất động sản cũng đang được hưởng lợi từ dòng vốn này.
Bà Dung cho biết, việc thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút dòng vốn FDI đến từ xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng và sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa các công trình trọng điểm vào khởi công hoặc hoàn thành. Hiện, một loạt dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đã và sẽ được đưa vào hoạt động từ nay cho đến năm 2025, 2026 hoặc đến năm 2030.
Duy Quang
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/hai-thai-cuc-trai-nguoc-cua-nha-dau-tu-tren-thi-truong-bat-dong-san-post1758603.tpo