Sử dụng LiDAR, một công cụ viễn thám sử dụng tia laser để lập bản đồ 3D mặt đất và tìm kiếm các cấu trúc ẩn, các nhà khoa học đã khám phá ra 2 "thành phố ma" chưa từng biết ở Uzbekistan.
Các "thành phố song sinh" thời Trung Cổ này đã từng rất đông đúc dân cư từ 1.000 năm về trước và nằm dọc theo Con đường tơ lụa, nối dài từ Trung Quốc đến tận châu Âu.
Hình ảnh quét LiDAR cho thấy cấu trúc của một trong các "thành phố ma" ở độ cao hơn 2.100 m - Ảnh: Nature
Theo Live Science, các nhà khoa học đã quyết định dùng LiDAR lập bản đồ khu vực này sau khi nhiều chuyến thám hiểm trong nhiều năm phát hiện ra dấu vết về các khu định cư cổ đại.
Trong đó, thành phố đầu tiên được phát hiện từ năm 2011, khi một nhóm đi bộ đường dài vượt địa hình hiểm trở và phát hiện những ngọn núi cỏ ở phía Đông Uzbekistan.
Đi dọc theo lòng sông, họ tiếp tục tìm thấy các địa điểm chôn cất trên đường lên đỉnh một trong những ngọn núi.
Khi đến đó, một cao nguyên rải rác những gò đất kỳ lạ trải dài trước mắt họ. Họ không phải chuyên gia khảo cổ nên thấy chúng bình thường.
Nhưng cảnh quan đặc biệt này đã được ghi lại và các nhà khảo cổ nhanh chóng nhận ra chúng là những thứ được con người tạo ra, theo nhà khảo cổ Farhod Maksudov từ Trung tâm Khảo cổ học quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Uzbekistan cho biết.
"Chúng tôi đã bị choáng ngợp" - đồng tác giả nghiên cứu Michael Frachetti, một nhà khảo cổ từ Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ), nói với Live Science.
Hai nhà khảo cổ này đã tìm kiếm bằng chứng khảo cổ học về các nền văn hóa du mục chăn thả gia súc trên đồng cỏ trên núi.
Nhưng họ không tin vào mắt được khi tìm thấy không chỉ 1 mà tới 2 "thành phố ma" ở độ cao lên tới hơn 2.100 m và trong một khu vực có khí hậu khá khắc nghiệt như vùng núi Trung Á này.
Một trong 2 thành phố ước tính rộng khoảng 1,2 km2. Diện tích này có vẻ khiêm tốn so với thời hiện đại, nhưng với 1.000 năm trước, đó đã là một thành phố khá lớn.
Bình luận về phát hiện, nhà khảo cổ Zachary Silvia từ Đại học Brown (Mỹ), chuyên gia về lịch sử Trung Á nhưng không tham gia nghiên cứu mới này, cho biết: "Kể cả khi nó chỉ bằng một nửa kích thước, đó vẫn là một khám phá lớn".
TS Silvia cho rằng phát hiện về 2 "thành phố ma" này sẽ đòi hỏi các nhà nghiên cứu khắp thế giới xem xét lại mức độ lan rộng của mạng lưới Con đường tơ lụa.
Trên các bản đồ thông thường của Con đường tơ lụa, các tuyến đường thương mại trải dài khắp lục địa Á-Âu có xu hướng tránh xa các ngọn núi ở Trung Á càng nhiều càng tốt và hay được vẽ xuyên qua các thành phố thấp có đất canh tác và thủy lợi.
Thế nhưng các "thành phố ma" ở Uzbekistan đã cho thấy điều ngược lại.
Nghiên cứu về 2 thành phố - được đặt tên là Tashbulak và Tugunbulak - vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature.
Theo Người lao động