Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin đồng chủ trì Đối thoại Doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Liên bang Nga - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sự kiện còn có sự hiện diện của các Phó Thủ tướng, đại diện các bộ, ban, ngành của hai nước cùng gần 100 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Nga, hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, vận tải, logistics, nông nghiệp, xây dựng...
Cuộc đối thoại gồm 3 phiên, tập trung vào 3 lĩnh vực hợp tác quan trọng: Thương mại, đầu tư, nông nghiệp; hợp tác năng lượng (dầu khí và năng lượng hạt nhân); giao thông, logistics.
Phát biểu tại Đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga không chỉ được xây dựng trên nền tảng lịch sử, ân tình gắn bó mà còn có cả sự đồng hành của hai Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp hai bên.
Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nga phát triển sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, quan hệ kinh tế chưa tương xứng quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước và đặc biệt là tình cảm giữa hai dân tộc, nhân dân hai nước; chưa khai thác được hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong quan hệ song phương.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai bên phát huy tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo để tháo gỡ các vướng mắc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng bày tỏ muốn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp hai nước, những người trực tiếp phát triển quan hệ kinh tế, thúc đẩy giao lưu giữa hai dân tộc; trao đổi về những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, tìm phương án, giải pháp để kết nối doanh nghiệp, kết nối hai nền kinh tế sâu sắc, bao trùm và hiệu quả hơn, quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển bền chặt, hiệu quả, sâu sắc, góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao và ngược lại, quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp là tiền đề, cơ sở để quan hệ kinh tế tốt hơn, hiệu quả hơn.
Cho biết Việt Nam có thế mạnh về thị trường với 17 FTA đã ký kết với 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai bên phát huy tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo để tháo gỡ các vướng mắc, Chính phủ cũng sẽ tạo thuận lợi cho hợp tác giữa các doanh nghiệp để cụ thể hóa, thực hiện các thỏa thuận cấp cao.
Thủ tướng cho biết hai bên đã thống nhất nâng kim ngạch thương mại song phương, phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nhanh chóng cấp phép cho các sản phẩm, hàng hóa, các doanh nghiệp cũng phải linh hoạt, sáng tạo trong kết nối hai thị trường. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam thuộc loại cao nhất khu vực, đây cũng là phương thức hợp tác mới.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Nga xác định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị cần đột phá hơn trong hợp tác năng lượng, mở rộng không gian hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (gồm đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, ưu đãi tài chính, chuyển giao kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị, bảo đảm an toàn hạt nhân và truyền thông về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình).
Về logistics, giao thông vận tải, Thủ tướng cho rằng những hướng hợp tác đột phá là đường biển, đường sắt, tàu điện ngầm, gồm kết nối các tuyến đường sắt, hợp tác về công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực, sản xuất toa xe…
Thủ tướng đề nghị cần đột phá hơn trong hợp tác năng lượng, mở rộng không gian hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thúc đẩy những lĩnh vực đột phá trong hợp tác kinh tế-thương mại Việt -Nga
Về phần mình, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Nga xác định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á Âu mà Nga là thành viên.
Thủ tướng Nga đề cao việc thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng logistics, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và khuyến khích các dự án hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Thủ tướng Nga cũng khẳng định mối quan hệ kinh tế song phương sẽ tiếp tục được củng cố, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao và logistics, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và đóng góp vào lợi ích chung của cả hai quốc gia.
Nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nga cho rằng kim ngạch thương mại song phương hiện nay mới khoảng gần 5 tỷ USD là chưa tương xứng với tiềm năng lớn giữa hai nước. Cho biết phía Nga rất quan tâm tới vấn đề logistics, Thủ tướng Nga đánh giá Việt Nam đã trở thành trung tâm logistics quan trọng. Nga mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đẩy mạnh hợp tác giao thông vận tải; cũng như cung ứng sản phẩm công nghiệp, hợp tác triển khai dự án điện hạt nhân.
Đánh giá cao sự phát triển thương mại điện tử và nỗ lực số hóa quản lý nhà nước của Việt Nam, Thủ tướng Nga cũng cho biết phía Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác trong an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo.
Tại cuộc Đối thoại, các doanh nghiệp hai nước đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác và phát triển các dự án trên lãnh thổ của nhau, cũng như các biện pháp nhằm tăng trưởng kim ngạch thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian tới.
Hai Thủ tướng cùng đại diện các bộ, ban, ngành hai nước đã trực tiếp lắng nghe và phản hồi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và cam kết mạnh mẽ trong việc tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Đánh giá các chủ đề đối thoại, đặc biệt là nông nghiệp, năng lượng và giao thông là 3 lĩnh vực mà Nga có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan Việt Nam tiếp tục trao đổi với các đối tác Nga để triển khai hợp tác cụ thể.
Phía Việt Nam, các doanh nghiệp nhấn mạnh một số thách thức như quy trình thông quan tại Nga còn phức tạp, thiếu hụt cơ sở hạ tầng logistics, và nhu cầu cải thiện các chính sách đầu tư.
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tập đoàn TH, đại diện tiêu biểu của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Nga. Bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho biết TH hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Nga trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bà cho biết quyết định đầu tư sang Nga với đạo lý rất tự nhiên bởi nước Nga đã không tiếc sức người sức của, sát cánh, giúp đỡ chí tình trong công cuộc giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Nhưng đầu tư sang Nga không chỉ là quyết định vì tình nghĩa, mà đó cũng là quyết định nắm bắt "điểm vàng" trong kinh doanh, bởi các chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp của nước Nga rất minh bạch và hấp dẫn, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, khích lệ được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đơn cử, dự án của TH hiện đang nhận được các hỗ trợ như hoàn 30% tổng giá trị đầu tư, hỗ trợ 3/4 lãi suất… TH cam kết đầu tư lâu dài tại Nga và mong muốn các chính sách ưu đãi cho các dự án sẽ được bảo lưu.
Về phía doanh nghiệp Nga, các đại diện từ Trung tâm Xuất khẩu Nga, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga cũng đã chia sẻ quan điểm về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại, đầu tư với thị trường Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp Nga tại Đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Những lĩnh vực này không chỉ mang tính chiến lược mà còn gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và phục vụ an sinh xã hội.
Thủ tướng Mikhail Mishustin nhấn mạnh rằng Chính phủ Nga luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động và nắm bắt cơ hội tại Liên bang Nga.
Nhấn mạnh tình cảm mà nhân dân hai nước dành cho nhau, Thủ tướng Nga đề nghị mở rộng phạm vi hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Đặc biệt, đánh giá cao tập đoàn TH đã đầu tư lớn tại Nga, Thủ tướng Nga mời gọi các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại Nga trên cơ sở chia sẻ giá trị chung và cùng có lợi, đặc biệt là tại vùng Viễn Đông với nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, vận tải, tài chính.
Là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp và đại diện Chính phủ hai nước gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, sự kiện không chỉ củng cố mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong các lĩnh vực chiến lược và tiềm năng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung cho cả hai quốc gia.
Hà Văn