Nhà hoạt động vì hòa bình Betrand Russell tại cuộc họp báo ở London năm 1966. Ảnh: DPA.
Năm 1966, hai triết gia Bertrand Russell và Jean-Paul Sartre đã kêu gọi các nhà khoa học mở một phiên tòa nhằm tố cáo sự can thiệp của Mỹ vào nền hòa bình, độc lập của Việt Nam. Nhiều nhân chứng đã có mặt tại đây để chia sẻ sự thật về cuộc chiến này.
Các thông tin tại phiên tòa của triết gia Russell, hay còn gọi là Tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh ở Việt Nam, đã gây tiếng vang lớn đến những người yêu hòa bình trên toàn thế giới.
Hai ngày diễn ra của tòa án Russell
Trong bối cảnh cuộc chiến tại Việt Nam leo thang, nhà triết học Bertrand Russell cùng nhà văn Jean-Paul Sartre đã thành lập "Tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh ở Việt Nam", thường được gọi là Tòa án Russell. Đây không phải là một cơ quan tư pháp chính thức, mà là một tòa án dư luận quốc tế, quy tụ các trí thức, học giả và nhà hoạt động nhằm điều tra và công bố sự thật về các hành động của Mỹ tại Việt Nam.
Nhà văn, triết gia Jean-Paul Sartre làm chủ tọa hai phiên tòa diễn ra vào năm 1967. Phiên thứ nhất được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) từ ngày 2 đến ngày 10/5, và phiên thứ hai diễn ra tại Roskilde (Đan Mạch) từ ngày 20/11 đến ngày 1/12. Tòa án có sự tham gia của 23 thành viên, bao gồm các học giả, luật sư, nhà khoa học, cựu nguyên thủ quốc gia và các nhà hoạt động hòa bình. Mỗi người trong số họ đã thu thập bằng chứng thực tế từ Việt Nam để đưa ra kết luận cuối cùng.
Sách tiếng Đức Das Vietnam-Tribunal II oder Die verurteilung Amerikas (tạm dịch: Phiên tòa Việt Nam II buộc tội Mỹ) của Bertrand Russell và Jean-Paul Satre ghi lại các thông tin trong hai phiên tòa, xuất bản tại Đức năm 1967. Ảnh: Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.
Theo bài viết The 1967 Russell Tribunal and transatlantic anti-war activism (đăng trên Tạp chí Transatlantic Studies năm 2024, NXB Springer), giữa hai phiên tòa, các thành viên của Tòa án Russell đã có chuyến đi thực địa đến Việt Nam để trực tiếp quan sát và thu thập dữ liệu. Những chuyến đi này giúp họ xác thực các báo cáo về tình trạng chiến tranh tàn khốc, trong đó có việc Không quân Mỹ cố ý ném bom vào các mục tiêu dân sự như bệnh viện, trường học và làng mạc.
Tòa án Russell cũng xem xét chiến lược chiến tranh của Mỹ, bao gồm chương trình ấp chiến lược, trong đó dân thường bị cưỡng ép di dời để cô lập lực lượng kháng chiến. Nhiều ngôi làng bị phá hủy, trong khi máy bay và pháo binh Mỹ tiếp tục càn quét các khu vực bị bỏ hoang, phun rải chất độc để triệt hạ nguồn sống của người dân.
Một vấn đề đặc biệt gây quan ngại là việc Mỹ sử dụng vũ khí tối tân trong khu vực dân sự. Chuyên gia vũ khí Jean-Pierre Vigier từ Đại học Paris đã trình bày về loại bom chùm "guava bomb", có khả năng bắn ra 300 viên bi sắt khi phát nổ, gây thương vong hàng loạt cho con người nhưng ít ảnh hưởng đến các công trình quân sự. "Loại vũ khí này có thể vô tình khiến dân thường bị thương nghiêm trọng", Lawrence Daly, một thành viên Tòa án Russell, kết luận sau khi nghe các bằng chứng.
Trước những thông tin đưa ra từ phiên tòa, giới chức trách Mỹ thời điểm đó có nhiều động thái để ngăn chặn làn sóng phẫn nộ lan rộng. Tuy nhiên, phong trào phản chiến vẫn được đẩy lên tới cao trào.
Đức Huy