Theo công ty viễn thông Telia Lithuania, tuyến nối giữa Lithuania với Thụy Điển xảy ra gián đoạn lúc 10 giờ sáng 17.11. Họ xác định sự cố không phải do hỏng thiết bị mà do cáp quang hư hỏng.
Tuyến nối giữa Phần Lan với Đức tên C-Lion cũng gặp sự cố tương tự, theo công ty viễn thông Cinia. Đây là tuyến cáp internet Phần Lan - Trung Âu trực tiếp duy nhất, dài gần 1.200km và được đặt cùng hạ tầng quan trọng khác như đường ống dẫn khí đốt, cáp điện.
CNN qua phân tích ghi nhận phần C-Lion xảy ra gián đoạn cách tuyến Lithuania - Thụy Điển gặp chuyện 95 - 105km. Cinia chưa tìm ra nguyên nhân sự cố, nhưng nhận định gián đoạn dường như do cáp bị ngoại lực tác động.
Tuyến cáp C-Lion - Ảnh: Tele Satelite
Hai ngoại trưởng Phần Lan và Đức vào tối 18.11 ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại: “Sự cố như vậy ngay lập tức làm dấy lên nghi ngờ về hành động cố ý phá hoại, cho thấy nhiều điều về sự bất ổn của thời đại chúng ta. Một cuộc điều tra kỹ lưỡng đang được tiến hành. An ninh châu Âu không chỉ bị đe dọa bởi cuộc chiến Ukraine mà còn bởi chiến tranh phá hoại của thế lực xấu”.
Chưa rõ mức độ gián đoạn trên C-Lion. Các luồng dữ liệu quan trọng thường được truyền qua nhiều tuyến khác nhau. Cinia thông báo đã triển khai tàu sửa chữa nhưng không xác định thời gian có thể khôi phục lưu lượng (với cáp ngầm thường mất 5 - 15 ngày).
Mạng lưới cáp cùng đường ống ngầm đóng vai trò “huyết mạch” vận chuyển năng lượng và truyền tải thông tin của thế giới hiện đại. Tuy nhiên do nằm sâu dưới biển nên chúng ít được chú ý đến cho đến khi xảy ra thảm họa nghiêm trọng.
Tháng 10.2022, hạ tầng quan trọng này thu hút sự chú ý lớn khi hai đường ống khí đốt Nord Stream bị phá hoại bằng chất nổ. Đến nay vẫn chưa rõ ai đứng sau. NATO sau đó thông qua kế hoạch thành lập trung tâm hàng hải đảm bảo an toàn cho hạ tầng quan trọng dưới biển, chuyên trách giám sát một số khu vực trên Đại Tây Dương, biển Bắc, biển Baltic, Địa Trung Hải và biển Đen.
Cẩm Bình