Theo Bloomberg Billionaires Index (chỉ số tỉ tỷ phú Bloomberg), Elon Musk hiện là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 359 tỉ USD, còn Bill Gates xếp vị trí thứ 5 khi sở hữu 169 tỉ USD.
Bill Gates (nhà đồng sáng lập Microsoft) dự định tăng cường hoạt động từ thiện của quỹ mang tên ông trong hai thập kỷ tới, tập trung vào các lĩnh vực như y tế công cộng và giáo dục. Trong khi đó, Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX) đã sử dụng văn phòng Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) tại Nhà Trắng để gần như ngăn chặn dòng tiền viện trợ nước ngoài của Mỹ và giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Dĩ nhiên, hai tỷ phú người Mỹ này có sứ mệnh rất khác nhau. Elon Musk nhận nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu của chính phủ Mỹ, còn Bill Gates muốn xóa bỏ các bệnh có thể phòng ngừa và sử dụng hết khối tài sản khổng lồ của mình vào việc đó. Song khi mở rộng hầu bao hơn bao giờ hết, Bill Gates đang đối đầu trực tiếp với Elon Musk.
Bill Gates theo đuổi một lộ trình dài hạn, trái ngược với triết lý “di chuyển nhanh, phá vỡ mọi thứ” của Elon Musk – vốn cam kết cắt giảm 2.000 tỉ USD chi tiêu cho chính phủ Mỹ bằng cách áp dụng các phương pháp từ sách lược khởi nghiệp.
“Đổi mới công nghệ có hiệu quả khi một tiện ích mới phá vỡ thị trường của tiện ích cũ. Các chương trình phát triển hoạt động tốt nhất khi có sự liên tục, ổn định, dự đoán được và đảm bảo”, Michael Morris, giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia, chia sẻ với trang Insider.
Michael Morris cho rằng cách tiếp cận của Bill Gates thể hiện “sự trưởng thành trong tư duy giải quyết vấn đề”. Đây là bước chuyển mình lớn so với thời Bill Gates còn bị xem là lãnh đạo có phần kiêu ngạo và hiếu chiến khi còn ở Microsoft, dù ông từng được ca ngợi là nhà đổi mới vĩ đại. Quỹ Gates từng bị chỉ trích vì thiếu minh bạch và thực hiện một số ưu tiên chi tiêu gây tranh cãi. “Ngày nay, so với Elon Musk và cả chính quyền hiện tại, Bill Gates trông giống như một nhà hiền triết”, Michael Morris nhận xét.
Nhà hiền triết là người có trí tuệ sâu sắc, sự hiểu biết uyên thâm về cuộc sống, đạo đức cao thượng và kinh nghiệm phong phú.
Theo Michael Morris, Bill Gates trông giống như một nhà hiền triết so với Elon Musk - Ảnh: BI
Quyên góp thêm 200 tỉ USD
Tuần trước, Bill Gates tuyên bố sẽ giải thể Quỹ Gates trong vòng 20 năm tới, kết thúc nỗ lực từ thiện này sớm hơn dự kiến. Song thay vì cắt giảm chi tiêu, Bill Gates lại tăng thêm. Quỹ Gates dự định phân bổ 9 tỉ USD vào năm 2026 và ông hy vọng sẽ nhân đôi số tiền 100 tỉ USD mà quỹ đã trao đi kể từ khi thành lập năm 2000, quyên góp thêm 200 tỉ USD cho y tế công cộng và giáo dục trước ngày 31.12.2045.
Trong khi đó, chỉ vài ngày vào đầu năm nay, DOGE đã đột ngột cắt nguồn tài trợ khỏi USAID. Nguồn tài trợ bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở USAID. Đến nay, hơn 80% trong hàng chục tỉ USD cam kết theo hợp đồng của USAID đã bị cắt bỏ. Các tổ chức trên toàn thế giới từng phụ thuộc vào viện trợ từ Mỹ đang chật vật để duy trì sứ mệnh, gồm cả cung cấp thực phẩm khẩn cấp cho trẻ em suy dinh dưỡng và thuốc điều trị, phòng ngừa HIV.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép Elon Musk cắt giảm chi tiêu và lãng phí của chính phủ liên bang thông qua DOGE. Trong động thái mà nhiều học giả luật hiến pháp cho là vượt quá thẩm quyền khi bỏ qua Quốc hội, chính quyền Trump tập trung cắt giảm chi phí ngay lập tức mà không quan tâm đến tác động dài hạn với những người dễ tổn thương nhất thế giới. Kế hoạch của Bill Gates thì khác: Rút ngắn thời hạn hoạt động của quỹ với mục tiêu giải quyết vấn đề nhanh hơn và khiến ông trở nên không còn cần thiết.
Cách nhìn khác nhau về “hiệu quả”
Một phần sự tương phản rõ rệt giữa Elon Musk và Bill Gates đến từ cách tiếp cận khác nhau của họ về “hiệu quả”. Với DOGE, Elon Musk thể hiện phong cách “dùng cưa máy” mà các công ty khởi nghiệp công nghệ tôn sùng, tập trung vào sự tinh gọn, làm được nhiều việc hơn với ít nguồn lực hơn dưới phong cách lãnh đạo kiểu “người sáng lập” (có quyền lực gần như tuyệt đối, ra quyết định nhanh, ít quy trình rườm rà – PV). Thế nhưng, cách làm đó không hẳn hiệu quả trong chính phủ. Các chuyên gia quản lý từng gọi cách triển khai của DOGE là “vụng về”, “sai lầm” và “đầy sự liều lĩnh về chính trị”, trang Insider đưa tin.
Quỹ Gates theo đuổi “hiệu quả” bằng cách kết hợp tư duy dựa trên dữ liệu từ ngành công nghệ với chuyên môn của các tổ chức làm việc trực tiếp với người cần giúp đỡ. Khi nói về việc “đóng góp lại cho xã hội”, Fatema Sumar (giảng viên chính sách công tại Trường Harvard Kennedy) nói rằng nỗ lực của Bill Gates là “mô hình từ thiện dài hạn, dựa trên dữ liệu và phù hợp với từng quốc gia mà người khác có thể học theo, nhưng đến nay rất ít người làm được”.
Không phải ngẫu nhiên mà dòng tiền đổ vào những quỹ từ thiện lại đến đúng lúc chính phủ các nước cắt giảm chi tiêu và hỗ trợ. Bill Gates không ngần ngại chỉ trích Elon Musk khi công bố kế hoạch của mình.
“Chính cậu ấy đã cắt giảm ngân sách của USAID”, Bill Gates nói với tờ The New York Times, cho rằng Elon Musk đã “ném nó vào máy nghiền gỗ”. Khi phóng viên nhắc đến việc Elon Musk từng tham gia Giving Pledge (Cam kết Cho đi) - sáng kiến do Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng cách đây 15 năm nhằm kêu gọi người giàu quyên góp phần lớn tài sản cho từ thiện, nhà đồng sáng lập Microsoft đáp: “Một điều kỳ lạ của Giving Pledge là bạn có thể đợi đến khi chết mới thực hiện. Vậy ai mà biết được? Cậu ta có thể trở thành một nhà từ thiện vĩ đại. Song hiện tại, người giàu nhất thế giới đang liên quan đến cái chết của những đứa trẻ nghèo nhất”.
Tranh cãi về hoạt động từ thiện từ lâu
Hai tỷ phú đã tranh cãi về hoạt động từ thiện trong nhiều năm. Walter Isaacson viết trong tiểu sử về Elon Musk rằng Bill Gates từng đến gặp giám đốc điều hành Tesla vào năm 2022 để thuyết phục tỷ phú này quyên góp nhiều hơn. Elon Musk đáp lại rằng hầu hết hoạt động từ thiện đều là “vớ vẩn” và Bill Gates có thể giúp môi trường tốt hơn nếu đầu tư vào cổ phiếu Tesla - thứ mà cựu giám đốc điều hành Microsoft từng bán khống. Sau đó, Elon Musk nói với Walter Isaacson rằng Bill Gates “hoàn toàn điên rồ”.
Trong 25 năm qua, tiền từ Quỹ Gates đã giúp giảm sự lây lan của các bệnh có thể phòng ngừa, gồm cả AIDS và lao, trên toàn cầu. Quỹ Gates ước tính đã cứu được 82 triệu sinh mạng. DOGE lại có quan điểm rằng các vấn đề ở các nước khác không phải trách nhiệm của Mỹ.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Boston (Mỹ) ước tính hàng chục ngàn người có thể đã chết vì lao hoặc AIDS kể từ khi USAID bị cắt tài trợ. Tài sản của Bill Gates cho phép ông lấp đầy khoảng trống mà chính phủ Mỹ để lại.
“Cũng giống quỹ tài trợ của Harvard giúp họ chống chọi với cuộc tấn công vào các trường đại học (tự vệ trước chỉ trích, áp lực chính trị hoặc cắt giảm ngân sách từ chính phủ Mỹ - PV), Quỹ Gates giúp ông có thể tiếp tục cung cấp những dịch vụ mà USAID từng mang đến”, Michael Morris nhận định.
Quỹ Gates không thể đảm nhận trách nhiệm từ thiện của các chính phủ
Chi nhiều tiền ngay bây giờ thay vì sau này là một cách tiếp cận tham vọng hơn, theo Bill Gates. Ông nói với The New York Times rằng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp đẩy nhanh các mục tiêu của Quỹ Gates trong việc cải thiện y tế, giáo dục và nông nghiệp.
“Khi có trong tay nguồn lực này, tôi tự hỏi: Chúng ta có thể làm được gì? Việc dùng số tiền đó ngay bây giờ thay vì để sau thực sự tạo nên khác biệt”, tỷ phú 69 tuổi nói.
Một thế kỷ trước, những người đàn ông giàu nhất thế giới đã khai sinh ra khái niệm từ thiện hiện đại bằng cách lập các quỹ vẫn tồn tại đến ngày nay, gồm Quỹ Rockefeller và hơn hai tá tổ chức mang tên Andrew Carnegie. Các tỷ phú công nghệ hiện tại, tương tự những ông trùm công nghiệp ngày trước, có cơ hội tạo nên ảnh hưởng còn lớn hơn nữa nhờ những tiến bộ vượt bậc trong y học và công nghệ, song rất ít người làm được. Chính Bill Gates cũng thừa nhận rằng quỹ của ông không thể đảm nhận trách nhiệm từ thiện của các chính phủ.
Andrew Carnegie (1835 - 1919), nhà tư bản công nghiệp người Mỹ gốc Scotland, là một trong những người giàu nhất thế giới vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông nổi tiếng không chỉ bởi xây dựng đế chế thép khổng lồ ở Mỹ thông qua công ty Carnegie Steel, mà còn vì là một trong những nhà từ thiện vĩ đại.
Sơn Vân