Hai xã nghèo nhất Kon Tum thoát nghèo ngoạn mục nhờ hướng đi đúng

Hai xã nghèo nhất Kon Tum thoát nghèo ngoạn mục nhờ hướng đi đúng
35 phút trướcBài gốc
Thoăn thoắt hái từng chùm cà phê chín đỏ bỏ vào gùi, anh A Kham, làng Lê Toan, xã Ngọk Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, rất phấn khởi vì năm nay cà phê giá cao. Vụ này, gia đình anh dự kiến thu gần 80 triệu đồng từ hơn 4.000 cây cà phê. Anh cho biết, trước năm 2020, gia đình chủ yếu trồng lúa rẫy, sắn, ngô, thu nhập thấp và bấp bênh. Đổi thay đến từ khi anh tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê, sâm dây, do tỉnh và huyện tổ chức ngay tại làng. Mạnh dạn vay vốn chính sách, chuyển đổi cây trồng, năm nay gia đình anh A Kham đã thoát nghèo.
“Mình học và làm theo cán bộ hướng dẫn, cà phê phát triển tốt. 2 vụ liên tiếp giá cao rồi, mình đang lên kế hoạch sang năm tiếp tục vay vốn ngân hàng để mở rộng diện tích cà phê. Thoát nghèo rồi nhưng mình vẫn phải tiếp tục cố gắng làm ăn để cho cho con cái ăn học đàng hoàng”, anh A Kham phấn khởi.
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cầm tay chỉ việc giúp bà con nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy là yêu cầu của Tỉnh ủy Kon Tum đối với các Tổ công tác bám địa bàn giúp dân. (Ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cùng Tổ công tác 262 xuống gặp gỡ bà con)
Ông A Min, Bí thư Chi bộ làng Lê Ngọk, xã Ngọk Linh cho biết, sự hỗ trợ toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền trong mấy năm gần đây đã làm thay đổi căn bản đời sống và sản xuất của bà con. Tổ công tác của tỉnh, huyện và xã cùng ăn cùng ở, cùng làm với bà con, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Qua đó, giúp bà con thay đổi tư duy, cách làm, nỗ lực hơn trong sản xuất. Diện tích cà phê, sâm dây, quế, đinh lăng, sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên giúp tăng thu nhập cho bà con, số hộ nghèo giảm nhanh chóng. Chỉ trong 4 năm, số hộ nghèo trong làng giảm gần 60%, hiện nay chỉ còn 20 hộ nghèo.
Ông A Min khẳng định, bà con đang từng bước có điều kiện để an cư lạc nghiệp: “Trước đây kinh tế cũng khó khăn nhưng bây giờ đỡ rồi, bà con thay đổi từng bước. Nhiều hộ được Đảng, Nhà nước quan tâm có nhà ở như thế này rất ổn định. Bà con cũng chú trọng phát triển kinh tế, hộ thì vay trồng sâm, hộ thì vay làm kinh tế khác chủ yếu là cà phê, quế, bời lời, sâm dây. Riêng sâm Ngọc Linh thì các hộ trong thôn hộ nào cũng trồng. Hộ nào có điều kiện thì trồng nhiều, hộ khó khăn thì trồng ít”.
Hai xã nghèo nhất Kon Tum mỗi năm giảm hơn 10% tỷ lệ hộ nghèo, thành công ngoạn mục này là nhờ hướng đi đúng.
Theo ông A Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Ngọk Linh, trước đây dân nghèo nhất tỉnh bởi không biết cách sản xuất, không có vốn đầu tư. Năm 2020 trở về trước, bà con ngại vay vốn vì không biết vay để làm gì, một số hộ vay vốn chính sách xong bỏ ống tre treo nóc nhà. Thay đổi thực sự với xã khi Tỉnh ủy Kon Tum, Huyện ủy Đắk Glei vào cuộc, lập đề án giúp xã phát triển kinh tế, xã hội. Người dân được hướng dẫn sản xuất cây trồng phù hợp với lợi thế về đất đai, khí hậu, làm ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Những liên kết sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác với các đại lý, doanh nghiệp thu mua được hình thành. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm nhanh, từ hơn 70% hiện chỉ còn 21%.
Ông A Thảo tự tin chỉ vài năm nữa xã Ngọk Linh sẽ cơ bản xóa nghèo: “Xã Ngọk Linh trước đây là xã nghèo, nghèo nhất tỉnh, nhất nước. Nhờ hướng đi đúng là phát triển dược liệu, khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng, bà con cũng có sự liên kết cho nên sản phẩm đầu ra ổn định. Mà phát triển sâm Ngọc Linh là bước đột phá để bà con thoát nghèo. Tôi tin chắc là tương lai bà con sẽ phát triển”.
Huyện Đắk Glei đang thúc đẩy liên kết với các thành phố lớn, các doanh nghiệp uy tín để xây dựng 2 xã Mường Hoong và Ngọk Linh trở thành một điểm du lịch tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt là mô hình trải nghiệm vùng trồng sâm Ngọc Linh kết hợp du lịch cộng đồng.
Bí thư Huyện ủy Đắk Glei, ông Thái Văn Tưởng cũng khó tưởng tượng được việc giảm nghèo ở 2 xã Mường Hoong và Ngọk Linh, lại thành công đến thế. Nhiệm vụ Tỉnh ủy giao mỗi năm giảm 10% hộ nghèo là không hề đơn giản đối với hai xã ở cách trung tâm huyện đến 70km, giao thông đi lại khó khăn, 99% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị với hướng đi đúng, việc giảm nghèo ở 2 xã đã vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
“Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy và sự vào cuộc của cấp ủy địa phương, đến nay nếp nghĩ, cách làm của bà con, đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân 2 xã Mường Hoong, Ngọk Linh có chuyển biến rõ rệt. Vào thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo 2 xã này là trên 70% thì đến giờ phút này tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 21%”, ông Thái Văn Tưởng cho biết.
Ông Thái Văn Tưởng cũng khẳng định, xóa nghèo mới chỉ là bước đầu, huyện Đắk Glei đã định hướng để 2 xã Mường Hoong, Ngọk Linh trở thành một vùng nông thôn trù phú. Huyện đang thúc đẩy kết nối với các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… và các doanh nghiệp uy tín trong nước để xây dựng nơi đây trở thành một điểm du lịch tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt là mô hình trải nghiệm vùng trồng sâm Ngọc Linh kết hợp du lịch cộng đồng. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương đang được quan tâm, khai thác để phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng.
Bài viết cùng loạt bài: "Từ Nghị quyết của Đảng đến thực tiễn xóa nghèo ở 2 xã nghèo nhất Kon Tum"
Nhóm PV/VOV-Tây Nguyên
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/hai-xa-ngheo-nhat-kon-tum-thoat-ngheo-ngoan-muc-nho-huong-di-dung-post1143614.vov