Hàm Thuận Bắc: Nhiều mô hình kinh tế tập thể được nhân rộng

Hàm Thuận Bắc: Nhiều mô hình kinh tế tập thể được nhân rộng
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều hình thức hỗ trợ
Với mục tiêu hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, thành lập các Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp, làm cơ sở tiến tới hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã trong những ngành nghề, lĩnh vực tại địa phương. Hằng năm, Hội Nông dân huyện tổ chức hướng dẫn và giao chỉ tiêu thi đua cho Hội Nông dân cơ sở về xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình kinh tế tập thể.
Trồng rau an toàn tại thị trấn Phú Long
Để nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Để phong trào mang lại hiệu quả, Hội đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề, tập huấn kiến thức liên kết chuỗi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư có uy tín, chất lượng cho hội viên. Cùng với đó, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chuyển đổi số, sản xuất nông sản sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, OCOP, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái... Hiện nay, toàn huyện có 24 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó sản phẩm OCOP 3 sao: 20 sản phẩm; 4 sao: 4 sản phẩm; 3 chủ thể sản phẩm đạt tham gia hội chợ giới thiệu trưng bày sản phẩm OCOP tại tỉnh Trà Vinh; 2 chủ thể sản phẩm tham gia Hội chợ giới thiệu trưng bày sản phẩm OCOP tại tỉnh Đồng Tháp và TP. Phan Thiết, với các sản phẩm được chế biến từ thanh long như nước ép, rượu vang, mứt, kẹo...
Cùng với đó, hằng năm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Hội đang quản lý là 5,75 tỷ đồng, với 43 dự án giúp cho 290 hộ vay. Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng trên địa bàn huyện như vốn Ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ hơn 255 tỷ đồng cho 5.346 hộ vay để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tổ hợp tác chăn nuôi bò ở xã Thuận Hòa
Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể
Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện có những chuyển biến mạnh mẽ. Điều nhận thấy rõ, các tổ hợp tác hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh ở vùng nông thôn như: Chăn nuôi gia súc gia cầm, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt... Hoạt động của tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin, thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, thiết bị vật tư nông nghiệp, các loại cây, con giống, phòng trừ dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; về sáng kiến, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Nhiều mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh, hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững; góp phần nâng cao, chất lượng, hiệu quả sinh hoạt Hội, tập hợp, thu hút hội viên tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Tiêu biểu như các mô hình: Tổ hợp tác chăn nuôi bò ở xã Thuận Hòa, Hàm Đức, Hồng Liêm trên cơ sở vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp; dự án trồng rau an toàn Hồng Sơn, Hàm Đức, Phú Long… lợi nhuận hàng năm thu nhập từ 200 -300 triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động nông thôn, mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Xác định phát triển kinh tế tập thể gắn với mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế nông nghiệp và yêu cầu công tác Hội trong tình hình mới. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn rà soát, củng cố, kiện toàn các mô hình hoạt động thật sự mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và chăn nuôi; phối hợp với các doanh nghiệp, liên kết với các HTX, các công ty thu mua nông sản ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân, để nông dân ngày càng tin tưởng với tổ chức Hội; tạo sự gắn kết hội viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, tạo thương hiệu, sức cạnh tranh hàng hóa ra thị trường. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2028, mỗi cơ sở Hội xây dựng được ít nhất từ 2 mô hình kinh tế tập thể trở lên hoạt động có hiệu quả.
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc đã hướng dẫn thành lập 30 tổ hợp tác có 352 thành viên, nâng lên toàn huyện có 56 tổ hợp tác kinh tế, có 691 thành viên và đã thành lập nâng cấp lên thành 18 HTX/DVNN, có 262 thành viên tham gia; 6 chi Hội nghề nghiệp có 167 thành viên và 39 tổ Hội nghề nghiệp với 441 thành viên. Qua triển khai đến nay đã thành lập được 33 Câu lạc bộ khuyến nông, có 430 thành viên tham gia.
THANH THỦY
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-bac-nhieu-mo-hinh-kinh-te-tap-the-duoc-nhan-rong-124924.html