Kể từ khi giành quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007, Hamas vẫn duy trì vai trò cầm quyền dù đối mặt vô số thách thức về quân sự, chính trị và kinh tế.
Từ một phong trào kháng chiến, Hamas đã phát triển thành một cơ quan quản lý trong bối cảnh bị Israel phong tỏa và phải hứng chịu nhiều cuộc chiến quy mô lớn. Cuộc xung đột gần nhất kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn mong manh vào tháng 1.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Hamas có cân nhắc từ bỏ quyền kiểm soát Gaza hay không, dù là tự nguyện hay dưới áp lực ngày càng gia tăng từ bên trong lẫn bên ngoài.
Các chiến binh Hamas chuẩn bị trao trả các con tin Israel tại TP Khan Younis (phía nam Dải Gaza). Ảnh: AFP
Kế hoạch quản trị sau chiến tranh
Trong suốt 15 tháng, lực lượng Israel đã tiến hành một cuộc chiến quy mô lớn ở Gaza sau khi Hamas ngày 7-10-2023 tấn công bất ngờ vào Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng, bao gồm binh sĩ và dân thường, đồng thời bắt 250 con tin.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ lâu đã tuyên bố rằng một trong những mục tiêu của cuộc chiến là tiêu diệt Hamas và chấm dứt quyền kiểm soát của tổ chức này tại Gaza.
Để đạt được điều đó, lực lượng Israel đã phá hủy hơn 85% công trình xây dựng ở Gaza và khiến vùng lãnh thổ này không còn đáp ứng các điều kiện để sinh sống. Khoảng 48.500 người Palestine, trong đó có 17.000 trẻ em, đã thiệt mạng, con số thực tế được cho là còn cao hơn đáng kể. Hàng nghìn chiến binh, nhiều lãnh đạo của Hamas cũng đã thiệt mạng.
Tờ The New Arab dẫn nhận định của chuyên gia chính trị người Palestine, ông Talal Okal, rằng với mức độ tàn phá hiện tại, sẽ rất khó để Hamas tiếp tục kiểm soát Gaza khi những gì còn lại chỉ là vũ khí.
Đã có một số mô hình quản trị được đề xuất thực hiện một khi Hamas rút lui.
“Các phương án chính bao gồm một chính phủ đoàn kết dân tộc, một liên minh giữa Hamas, đảng Fatah của Palestine và các phe phái khác dưới sự giám sát của Chính quyền Palestine, tập trung vào việc tái thiết các thể chế quốc gia chung” - ông Okal gợi ý.
Vị chuyên gia cũng đề cập một phương án khác là “một chính quyền dân sự với sự hòa giải quốc tế, có thể bao gồm một chính quyền lâm thời do các chuyên gia kỹ trị lãnh đạo nhằm ổn định Gaza dưới sự giám sát của quốc tế”.
Lựa chọn thứ ba là sự trở lại của Chính quyền Palestine. “Điều này sẽ bao gồm một loạt thỏa thuận an ninh mới để ngăn chặn sự sụp đổ trong môi trường an ninh vốn đã mong manh ở Gaza” - ông Okal nói thêm.
Theo giới quan sát, dù theo kịch bản nào, Hamas cũng cần từ bỏ quyền thống trị chính trị hiện tại, ít nhất là tạm thời, để thúc đẩy hòa giải nội bộ Palestine và đưa vấn đề Palestine trở thành ưu tiên trên trường quốc tế.
Sự thay đổi lập trường của Hamas đối với quyền lực
Nhiều nhân vật cấp cao Hamas đã bày tỏ sự sẵn sàng xem xét việc từ bỏ quyền kiểm soát Gaza, cho thấy một sự thay đổi tiềm tàng trong chiến lược của phong trào này.
“Hamas không cố bám giữ quyền kiểm soát Dải Gaza sau chiến tranh, và ưu tiên của chúng tôi vẫn là lợi ích của người dân Palestine” - ông Mahmoud Mirdawi, một lãnh đạo cấp cao của Hamas đang cư trú tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói với The New Arab.
Vị lãnh đạo Hamas này cũng làm rõ rằng Hamas sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho Chính quyền Palestine, với điều kiện các quyền lợi của người Palestine được đảm bảo.
Sự cởi mở này phản ánh áp lực ngày càng gia tăng từ các cường quốc khu vực và cộng đồng quốc tế lên Hamas.
Dù từng nhận được sự ủng hộ từ Qatar, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Hamas hiện phải đối mặt sự đồng thuận quốc tế ngày càng lớn về việc để Chính quyền Palestine giành lại quyền kiểm soát Gaza.
Ông Mukhaimer Abu Saada, một chuyên gia chính trị Palestine tại Gaza, nhận định rằng Hamas đang chịu áp lực chưa từng có từ nhiều phía. “Hamas đang ở trong tình thế khó khăn” khi phải cân bằng giữa các mục tiêu chính trị và những yêu cầu ngày càng lớn từ cả các phe phái nội bộ lẫn các thế lực bên ngoài, ông Saada nói.
Bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong chính sách cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vì nó sẽ có những hệ lụy quan trọng đối với tình hình ở Gaza cũng như chiến lược chính trị của Hamas.
Tuy nhiên, lập trường của Israel về Hamas khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Trong suốt cuộc chiến, mục tiêu chính của Thủ tướng Netanyahu là loại bỏ Hamas và đảm bảo tổ chức này không thể nắm quyền ở Gaza một lần nữa.
Điều này đã được nhắc lại nhiều lần trong suốt 15 tháng qua. Các bộ trưởng cấp cao của Israel cảnh báo rằng Hamas có thể tiếp tục chịu áp lực quân sự hoặc thậm chí đối mặt một cuộc chiến mới.
Hệ quả là, Hamas hiện phải đối diện hai lựa chọn đầy khó khăn: tiếp tục cầm quyền trong tình trạng bị phong tỏa hoặc từ bỏ quyền lực.
Một tương lai mong manh cho Hamas ở Gaza
Các chiến binh Hamas chuẩn bị trao trả các con tin Israel tại TP Khan Younis (phía nam Dải Gaza) ngày 20-2. Ảnh: AFP
Sự ủng hộ dành cho Hamas tại Gaza đang suy giảm, khiến việc nhóm này duy trì quyền kiểm soát trở nên khó khăn hơn. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với Hamas ngày càng giảm, chủ yếu do những khó khăn kinh tế kéo dài và hậu quả tàn khốc từ cuộc chiến với Israel.
Một cuộc thăm dò vào tháng 9-2024 cho thấy chỉ 39% người dân Gaza ủng hộ các hành động của Hamas chống lại Israel, giảm mạnh so với mức ủng hộ trước đó.
Nhà phân tích chính trị Palestine Hani al-Masri cho rằng sự suy giảm này khiến khả năng Hamas xem xét từ bỏ quyền lực hoặc tham gia vào một liên minh với các phe phái Palestine khác trở nên ngày càng rõ ràng.
“Hamas không thể tiếp tục cai trị một dân số đang mất niềm tin vào sự lãnh đạo của họ. Nhưng họ sẽ chiến đấu để duy trì vị thế trong hệ thống chính trị Palestine” - ông al-Masri nêu ý kiến.
Dù Hamas tuyên bố đã “chiến thắng” trong các cuộc đối đầu Israel, các chuyên gia chỉ ra rằng tổ chức này đã chịu tổn thất nghiêm trọng về nhân lực và cơ sở hạ tầng. Các cuộc không kích của Israel đã phá hủy nhiều tài sản quân sự quan trọng của Hamas, bao gồm hệ thống đường hầm và kho vũ khí, làm suy yếu đáng kể khả năng tác chiến của phong trào này.
Dải Gaza đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ cuộc xung đột kéo dài, với điều kiện nhân đạo ngày càng xấu đi và người dân ngày càng mất kiên nhẫn với những cuộc đối đầu quân sự không hồi kết.
“Khủng hoảng kinh tế, áp lực quân sự và chia rẽ nội bộ trong chính Hamas đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng duy trì quyền lực của phong trào này. Sự chia rẽ chính trị trong nội bộ Palestine chỉ càng làm trầm trọng thêm những khó khăn này” - nhà phân tích chính trị người Palestine Abdul Majeed Abu Suwailem nhận định.
Ông Suwailem tin rằng Hamas cuối cùng có thể buộc phải xem xét lại vai trò lãnh đạo ở Gaza, nhấn mạnh rằng tổ chức này chỉ nhượng bộ nếu nhận được đảm bảo duy trì vị thế trong chính trường Palestine.
Áp lực quốc tế từ Mỹ và Israel
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Netanyahu đã đưa ra những đề xuất quyết liệt nhằm chấm dứt sự cầm quyền của Hamas ở Gaza.
Các biện pháp này bao gồm việc tháo dỡ hoàn toàn cấu trúc chính trị và quân sự của Hamas, tước vũ khí và áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để ngăn chặn hoạt động buôn lậu vũ khí.
Cả hai nhà lãnh đạo cũng đã đề xuất kế hoạch di dời 2,1 triệu dân Gaza sang các quốc gia láng giềng.
Những đề xuất này phản ánh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và Israel, hướng tới các chiến lược quân sự và kinh tế cứng rắn hơn thay vì tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Palestine.
Áp lực quân sự và kinh tế, sự suy giảm uy tín trong dân chúng, cùng với những yêu cầu từ cộng đồng quốc tế đang buộc Hamas phải cân nhắc lại chiến lược của mình.
Điều này có thể dẫn đến việc tổ chức này phải từ bỏ một phần quyền lực ở Gaza. Trong khi đó, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Abbas, Chính quyền Palestine đã bày tỏ mong muốn giành lại quyền kiểm soát Gaza, nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực tái thiết nào cũng cần có sự lãnh đạo của một chính quyền hợp pháp. Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ ý tưởng này và phản đối sự trở lại của Chính quyền Palestine.
Do đó, theo các chuyên gia, trong bối cảnh chính trị, quân sự và kinh tế không ngừng biến động, tương lai của Gaza và quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này vẫn là một ẩn số.
THẢO VY