Hamas hướng đến' thỏa thuận danh dự' với Israel

Hamas hướng đến' thỏa thuận danh dự' với Israel
7 giờ trướcBài gốc
Quyết định "mang tính tích cực” của Hamas
Với tuyên bố ngày 1/7, ông Trump nói kết quả sẽ được thông báo chính thức sau chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 7/7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Israel đã đồng ý với các điều khoản của lệnh ngừng bắn 60 ngày và Washington sẽ làm việc với cả hai bên trong thời gian 2 tháng này để cố gắng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 20 tháng ở Gaza. Ông Trump cũng cảnh báo hệ quả xấu với Hamas nếu phong trào này không chấp nhận các điều khoản được đề xuất.
Khói lửa bốc lên ở Gaza sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: TTXVN
Chưa đầy 24 giờ sau tuyên bố của ông Trump, Hamas đã có động thái hồi đáp tích cực. Theo truyền thông Mỹ ngày 4/7 dẫn lời quan chức tình báo ở Trung Đông Izz al-Din al-Haddad, tân thủ lĩnh cánh vũ trang của Hamas, Hamas cần đạt được "thỏa thuận danh dự" nhằm kết thúc chiến sự với Israel. Còn nếu không, xung đột tại Dải Gaza sẽ trở thành cuộc chiến "tử vì đạo".
Trước đó, các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas ngày 3/7 đã có mặt tại thủ đô Cairo của Ai Cập để đàm phán với giới chức Ai Cập về các chi tiết và mốc thời gian của một loạt vấn đề, bao gồm việc rút quân đội Israel khỏi các khu vực ở Gaza mà họ đã chiếm giữ sau khi lệnh ngừng bắn trước đó bị phá vỡ vào tháng 3/2025.
Tối 4/7, một quan chức Palestine cho biết, Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian, tạo điều kiện tiến tới một thỏa thuận chấm dứt xung đột với Israel.
Hamas đã hoàn tất tham vấn nội bộ và trao đổi với các nhóm vũ trang Palestine khác về đề xuất ngừng bắn mới nhất tại Dải Gaza. "Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng và nghiêm túc để lập tức bước vào vòng đàm phán mới về cơ chế thực hiện khuôn khổ này", đại diện Hamas cho hay.
Tổ chức Jihad Hồi giáo, đồng minh của Hamas tại Gaza, cũng tuyên bố ủng hộ đàm phán để tiến tới ngừng bắn, song yêu cầu có đảm bảo rằng Israel sẽ "không tiếp tục hành động gây hấn" sau khi các con tin được thả.
Các điều khoản chính của thỏa thuận được đề xuất bao gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày. Hamas sẽ thả 10 con tin còn sống và hài cốt của một nửa số con tin đã chết trong thời gian bị giam giữ ở Gaza. Israel thả khoảng 1.200 tù nhân Palestine đang bị giam giữ tại nước này. Kế hoạch được đề xuất cũng quy định Israel và Hamas tiến hành các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột và Israel rút quân khỏi Gaza.
Hy vọng mong manh
Hãng tin CNA cho biết, đề xuất ngừng bắn kéo dài 60 ngày đã được thảo luận kể từ khi lệnh ngừng bắn ngắn hạn trước đó sụp đổ vào tháng 3. Khi đó, các bên cũng đề xuất tương tự vào tháng 5, nhưng Hamas cho rằng thời gian đó cho phép Israel tạm dừng tiếp tục tấn công, chứ không phải một giải pháp hòa bình bền vững.
Với thỏa thuận mới, theo các nhà phân tích, nó tương tự với lệnh ngừng bắn 8 tuần ba giai đoạn được đề xuất từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, vốn đã đổ vỡ vì bất đồng trong việc trao đổi con tin. Và kể từ đó, các vòng đàm phán liên tiếp rơi vào bế tắc.
Hamas lập luận, ngừng bắn dài hạn đồng nghĩa với chấm dứt chiến tranh và Israel rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza.Trong khi đó, Israel yêu cầu Hamas phải mất quyền kiểm soát vùng lãnh thổ, giải thể cánh quân sự, thu hồi vũ khí và trục xuất các lãnh đạo cao cấp.
Theo các nhà phân tích, dù Hamas tuyên bố “mạnh miệng” rằng phải đạt “thỏa thuận danh dự” nhưng trên thực tế với sức ép khủng khiếp của Israel, lực lượng này đã suy yếu rất nhiều.
Binh sỹ Israael trên thực địa. Ảnh: MXH
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần khẳng định lực lượng Hamas phải bị giải giáp, điều mà nhóm vũ trang tới nay vẫn từ chối thảo luận.
Hiện tại, Hamas nhận thức rõ Israel đang được Mỹ “ chống lưng”. Không chỉ với lực lượng đối lập với Mỹ, Israel ở Syria, Yemen, Lebanon bị tiêu diệt hoặc làm suy yếu mà cuộc “chiến tranh 12 ngày” gần đây giữa Israel và Iran, cho thấy Mỹ đang sát cánh với Israel. “Chiến tích” trước Iran giúp Thủ tướng Netanyahu tăng cường vị thế chính trị, giúp ông thúc đẩy lệnh ngừng bắn bất chấp sự phản đối từ các nhóm cực hữu trong liên minh cầm quyền.
Sự can thiệp của Mỹ vào xung đột Israel- Iran với việc tấn công các cơ sở hạt nhân Tehran, cũng phản ánh sự can dự mạnh mẽ của ông Trump vào khu vực Trung Đông, không chỉ với việc dàn xếp các cuộc xung đột mà cả với đồng minh Ten Aviv, với chính quyền của ông Netanyahu.
Mỹ còn thể hiện vai trò trung gian quan trọng khi mở ra cơ hội mở rộng Hiệp định Abraham – chuỗi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Arab như Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco. Thủ tướng Netanyahu cũng mong muốn có thỏa thuận do Mỹ bảo trợ với Saudi Arabia và đang tiến hành các cuộc đàm phán sơ bộ với Syria.
Hamas đã “xuống nước” nhưng liệu các điều khoản đề xuất mới có đủ đảm bảo Israel không tái khởi động chiến tranh sau 60 ngày ngừng bắn? Trong khi dải Gaza đang rất tồi tệ, với sự tàn phá, chết chóc và đói khát. Trước khi đạt được thỏa thuận mới, Hamas yêu cầu thay đổi cơ chế phân phối viện trợ nhân đạo tại Gaza, hoặc ít nhất thay thế Quỹ nhân đạo Gaza (GHF) do Mỹ và Israel hậu thuẫn – tổ chức gây tranh cãi khi liên tục xảy ra sự cố khiến nhiều người thiệt mạng tại các điểm phân phối viện trợ.
Bày tỏ tin tưởng, ngày 4/7 với vai trò trung gian, Ai Cập cho biết đang tích cực chuẩn bị tổ chức một hội nghị quốc tế diễn ra tại nước này về tái thiết Gaza, sau khi Israel – Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Xung đột tại dải Gaza bùng phát vào tháng 10/2023 sau khi Hamas tiến hành cuộc tập kích vào miền nam Israel, sát hại hơn 1.200 người và bắt 251 con tin ( 49 người vẫn còn bị giữ ở dải Gaza, trong đó 27 người được cho là đã chết) .
Chiến dịch trả đũa sau đó của Israel vào dải Gaza đã khiến hơn 57.000 người thiệt mạng, phần lớn là dân thường.
TS ( tổng hợp)
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/hamas-huong-den-thoa-thuan-danh-du-voi-israel-post331016.html