Hạn chế đầu cơ, giữ mỏ nhằm trục lợi chính sách

Hạn chế đầu cơ, giữ mỏ nhằm trục lợi chính sách
17 giờ trướcBài gốc
Sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng
Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, giới thiệu về Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ, Luật tập trung vào 5 chính sách trọng tâm, gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; Hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; Hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy
Theo đó, Luật đã bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động chế biến khoáng sản và loại trừ hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án đầu tư khai thác khoáng sản để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc giấy phép khai thác tận thu khoáng sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Địa chất và khoáng sản.
Bộ trưởng nhấn mạnh “điểm mới về điều chỉnh hoạt động chế biến nhằm thực hiện giải pháp phòng, chống lãng phí trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hoặc nhà máy chế biến khoáng sản khi chưa xác định rõ nguồn nguyên liệu của dự án cũng như hạn chế đầu cơ, giữ mỏ nhằm trục lợi chính sách”
“Nhà nước khuyến khích dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội” theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Mặt khác, hạn chế tối đa việc tranh chấp vùng nguyên liệu là khoáng sản để cung cấp cho các dự án chế biến khoáng sản.
Về kinh phí điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản, Bộ trưởng cho biết, Luật đã mở rộng cả nguồn vốn ngân sách của địa phương để gắn với quan điểm địa phương quyết, địa phương làm.
Đặc biệt Luật có 1 điều riêng quy định về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn.
Phân cấp, phân quyền cho địa phương, cải cách thủ tục hành chính
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Việc phân nhóm khoáng sản như Luật sẽ cho phép xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản, khoáng sản đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, khai thác khoáng sản nhóm IV. Quy định rõ khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).
Luật thực hiện phân cấp cho UBND cấp tỉnh gồm: Quản lý và cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên thay vì Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định hiện hành, nhằm đồng bộ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nghỉ dưỡng phục vụ phát triển du lịch có sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên để ngâm tắm, chữa bệnh… Điều này góp phần rất lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
UBND tỉnh phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương để các địa phương chủ động trong việc đánh giá điều kiện địa chất công trình phục vụ quy hoạch không gian lòng đất, xây dựng công trình kiên cố...
UBND tỉnh đánh giá tiềm năng đối với khoáng sản nhóm III (nhất là cát, sỏi), nhóm IV thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cấp phép hoạt động khoáng sản.
UBND tỉnh được quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để giải quyết thực hiện giải pháp phòng, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng khoáng sản. Kiểm soát, giám sát mọi hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản trên địa bàn.
Cùng với những nội dung phân cấp, phân quyền cho địa phương, Luật cũng đẩy mạnh việc đơn giản quy trình, hóa thủ tục hành chính theo nhóm khoáng sản.
Bộ trưởng nêu rõ, Luật bỏ thủ tục hành đăng ký khảo sát thực địa để lập đề án thăm dò khoáng sản. Trường hợp này, tổ chức, cá nhân chỉ cần gửi văn bản thông báo đến UBND cấp tỉnh nơi có khu vực dự kiến thăm dò khoáng sản trước khi tiến hành khảo sát.
Luật bỏ quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép thăm dò, công nhận trữ lượng khoáng sản nhóm IV. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đầu tư công khẩn cấp, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thi công công trình phòng chống thiên tai, không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Luật cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản).
Đồng thời, rà soát và hoàn thiện các nội dung về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản, thu hồi khoáng sản bảo đảm tính công bằng.
Về đóng cửa mỏ khoáng sản, Luật đã quy định một số trường hợp không phải thực hiện đóng cửa mỏ, một số trường hợp chỉ phải lập, thực hiện phương án đóng cửa mỏ thay vì đề án đóng cửa mỏ.
Đáng lưu ý, Luật quy định ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản hợp pháp được thăm dò xuống sâu và mở rộng mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác.
Quy định rõ hoạt động thu hồi khoáng sản và khai thác khoáng sản. Cụ thể, Luật đã quy định rõ về khu vực khai thác khoáng sản, diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản, cụ thể: Diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản bao gồm: diện tích khu vực khai thác khoáng sản; diện tích các công trình phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản gắn với khu vực khai thác khoáng sản; diện tích hành lang bảo đảm an toàn trong khai thác mỏ.
Luật làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản là hoạt động kết hợp nhằm lấy được khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc các hoạt động khác theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận. Việc thu hồi khoáng sản được thực hiện theo cơ chế khác so với khai thác khoáng sản.
Luật tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển bằng cách quy định rõ, hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển phải tuân thủ quy định đối với khoáng sản nhóm II hoặc nhóm III bảo kiểm soát và giám sát bằng các phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại để bảo đảm kiểm soát được sự biến động trữ lượng khoáng sản; nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; nguy cơ sạt lở, mất ổn định lòng sông, bờ sông, bãi sông, bờ biển.
“Luật có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2015. Tuy nhiên, đối với khoáng sản nhóm IV có hiệu lực sớm kể từ ngày 15.1.2025, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến sử dụng khoáng sản nhóm IV làm vật liệu san lấp cho các dự án đầu tư công để bảo đảm tiến độ thi công dự án”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Anh Thảo
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/han-che-dau-co-giu-mo-nham-truc-loi-chinh-sach-post400374.html