Sáng 6-7, nhiều du khách, nhiếp ảnh gia trên khắp cả nước có mặt ở vùng biển Hòn Sẹo – Nhơn Lý (thuộc phường Quy Nhơn Đông, tỉnh Gia Lai) tiếp tục bắt gặp, chứng kiến cảnh cá voi bryde ngoi lên mặt biển để săn mồi. Vị trí cá voi xuất hiện nằm ở vùng biển cách bờ khoảng 300-400m.
>>>Clip khoảnh khắc cá voi kiếm ăn ở biển Hòn Sẹo - Nhơn Lý: Tác giả: MAI HƯƠNG
Cá voi kiếm ăn nhiều ngày sát làng biển du lịch Nhơn Lý. Ảnh: ĐẶNG VĂN HẢI
Anh Đặng Văn Hải (nhiếp ảnh gia trẻ) đang theo dõi, ghi lại những khoảnh khắc cá voi xuất hiện, chia sẻ: “Sáng nay, cá voi ngoi lên kiếm ăn 1 lần và bơi lội, di chuyển rất nhanh và khỏe khoắn. Du khách, nhiếp ảnh gia đến biển Nhơn Lý rất đông để mong có cơ hội bắt gặp, ghi lại khoảnh khắc cá voi ngoi lên mặt biển”.
Anh Nguyễn Hữu Đảo (lãnh đạo doanh nghiệp du lịch cộng đồng ở Nhơn Lý) cho biết, cá voi đang kiếm ăn ở biển Hòn Sẹo - Nhơn Lý trong gần 1 tuần lễ qua. Ngư dân bản địa gọi là cá “Ông Dựng”, bởi tập tính khi bắt mồi cá thường há miệng dựng lên trời rất lâu.
Cá voi nặng 10-15 tấn kiếm ăn ở biển Hòn Sẹo - Nhơn Lý vào sáng 5-7. Ảnh: MAI HƯƠNG
“Theo quan sát của chúng tôi, cá Ông Dựng này dài 10m, nặng từ 10-15 tấn. Ông ấy (cá voi được người ven biển gọi bằng ông-PV) thường dựng lên kiếm ăn ở vùng biển cách bờ 1 hải lý đổ lại”, anh Đảo chia sẻ thêm.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Gia Lai, từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7-2025, cá voi liên tiếp xuất hiện ở các vùng biển như: Xuân Thạnh, Hòn Khô Lớn, Vũng Bồi – Đề Gi, Cát Tiến, Hòn Sẹo – Nhơn Lý… Đây là loài cá bryde, một trong những loài thú biển quý hiếm cần được bảo tồn nghiêm ngặt. Qua theo dõi, những cá thể cá voi xuất hiện ở biển Gia Lai thời gian qua thuộc 1 gia đình gồm 3 cá thể (bố, mẹ, con).
>>>Clip mẹ con cá voi kiếm ăn ở biển Vũng Bồi - Đề Gi: Tác giả: TOMY TOÀN
Cá voi há chiếc miệng lớn săn đàn cá nhỏ ven bờ. Ảnh: MAI HƯƠNG
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Gia Lai cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, cá voi bryde liên tiếp trở lại biển Bình Định (nay thuộc Gia Lai) để kiếm ăn vào mùa hè. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy hệ sinh thái biển Gia Lai đang được bảo tồn tốt, nguồn thức ăn dồi dào.
Cảnh cá voi kiếm ăn vào sáng 5-7 ở biển Hòn Sẹo - Nhơn Lý. Ảnh: MAI HƯƠNG
“Chúng tôi khuyến cáo người dân, du khách không tiếp cận quá gần, giữ khoảng cách tối thiểu 100m khi gặp cá voi; không gây tiếng động mạnh, hạn chế khai thác thủy sản ở khu vực kiếm ăn của cá voi. Khi phát hiện cá voi gặp sự cố hoặc mắc cạn thì cần báo ngay cho chính quyền để mời cơ quan chuyên môn xử lý, không được tự ý xử lý sự cố”, ông Nghĩa khuyến cáo.