Hạn chế xe máy chạy xăng: 'Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi xanh'

Hạn chế xe máy chạy xăng: 'Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi xanh'
5 giờ trướcBài gốc
Hà Nội đang là thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Nhiều năm qua, Hà Nội liên tục góp mặt trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Trong đó, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị, đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường.
Trước thực trạng này, Chỉ thị số 20 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 12/7/2025 đã đặt ra một mốc quan trọng: Từ ngày 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Đến năm 2028, phạm vi cấm mở rộng ra Vành đai 2 và từ năm 2030 là Vành đai 3, đồng thời hạn chế cả với ôtô chạy xăng dầu.
Nhiều năm qua, Hà Nội liên tục góp mặt trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Ngoài ra, Tp. Hà Nội được giao cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện.
Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng (ban hành trước ngày 30/9/2025).
Nhiều câu hỏi đặt ra như: cấm và hạn chế thế nào để không tạo ra rào cản sinh kế cho người dân, lộ trình ra sao để xe điện, giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng có thể thay thế hiệu quả, người dân được hỗ trợ gì khi chuyển đổi… và còn nhiều vấn đề khác. Song, đa số các Nhà khoa học, các chuyên gia đều đồng tình với chủ trương của Chính Phủ.
“Chuyển đổi xanh” là việc cần làm
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và năng lượng. Việc chuyển đổi này là xu thế bắt buộc, không chỉ vì cam kết giảm phát thải mà còn vì nhu cầu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân. Chúng ta hoàn toàn có năng lực để thực hiện điều đó.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (phải) tại cuộc tọa đàm
Việt Nam đã có kinh nghiệm trong công nghệ chuyển đổi năng lượng, đặc biệt từ điện than sang các nguồn năng lượng tái tạo, và cũng có đủ khả năng để phát triển các nhà máy phát điện sử dụng năng lượng sạch.
Riêng trong lĩnh vực giao thông, việc chuyển đổi từ ô tô và xe máy sử dụng xăng dầu sang các phương tiện thân thiện với môi trường hơn như xe điện không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực về an toàn giao thông và mở ra các cơ hội việc làm mới trong chuỗi cung ứng, sản xuất và dịch vụ liên quan đến phương tiện xanh.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là việc phát triển phương tiện xanh là một vấn đề lớn, liên quan chặt chẽ đến thói quen, tâm lý và hành vi sử dụng phương tiện của người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Ở đây, nhu cầu đi lại là thiết yếu và phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy đã trở thành một phần gắn bó với đời sống hàng ngày. Do đó, thay thế một phương tiện quen thuộc bằng một loại hình mới trên quy mô lớn sẽ là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có lộ trình rõ ràng, phương án cụ thể và các bước đi được tính toán kỹ lưỡng để không gây xáo trộn đến sinh hoạt thường nhật của người dân.
“Về mặt chính sách, tôi cho rằng Nhà nước cần có những hỗ trợ thiết thực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này. Ví dụ như: Đơn giản hóa và miễn phí thủ tục đăng ký xe điện để khuyến khích người dân sử dụng; Triển khai các chương trình đổi xe: người dân có thể mang xe xăng cũ đổi lấy xe điện với mức giá hỗ trợ, hoặc thông qua sàn giao dịch mua bán xe cũ để người dân ở vùng khác có thể tiếp cận xe với mức giá hợp lý, tránh tình trạng phải bán tháo tài sản có giá trị; Chuẩn bị hạ tầng xử lý chất thải từ phương tiện xanh, cụ thể là các trung tâm thu gom và xử lý pin đã quá tuổi thọ, xe hết hạn sử dụng hoặc cần loại bỏ; Ban hành quy chuẩn phòng cháy chữa cháy cho việc sạc pin xe điện tại các chung cư, khu dân cư; đồng thời, có cơ chế kiểm định pin đạt chuẩn để đảm bảo an toàn trong sử dụng, nhất là về nguy cơ cháy nổ” – GS Hoàng Xuân Cơ phân tích.
Tóm lại, quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông thân thiện môi trường là xu thế không thể đảo ngược, nhưng để thành công, cần có chính sách cụ thể, lộ trình rõ ràng, và sự đồng hành thực chất từ phía Nhà nước. Chúng ta không chỉ đang nói về công nghệ, mà còn đang nói về cách làm – làm sao để chuyển đổi một cách có trách nhiệm, không làm gián đoạn cuộc sống người dân, mà vẫn thúc đẩy được mục tiêu xanh hóa nền kinh tế.
Thế Đạt
Nguồn Cartimes : http://cartimes.tapchicongthuong.vn/han-che-xe-may-chay-xang---viet-nam-khong-the-dung-ngoai-xu-the-chuyen-doi-xanh-17330.htm