Hạn hán đang khiến Trái đất khô cằn

Hạn hán đang khiến Trái đất khô cằn
2 giờ trướcBài gốc
Ngoài những bụi cây khô, thực vật nhiều nhất tại phía nam Madagascar chỉ là xương rồng.
Vùng sa mạc Sahara ở Đông Nam Morocco là một trong những nơi khô cằn nhất thế giới. "Đã 50 năm rồi chúng tôi mới có lượng mưa lớn trong thời gian ngắn" - ông Houssine Youabeb, chuyên gia Tổng cục Khí tượng Morocco cho biết.
Tính tới giữa tháng 10 năm nay, Morocco đã trải qua 6 năm hạn hán liên tiếp, buộc nông dân phải bỏ hoang nhiều cánh đồng, trong khi các thành phố, làng mạc phải tiết kiệm nước sinh hoạt. Lượng mưa lớn kéo dài 2 ngày trong tháng 10 đã giúp bổ sung các tầng nước ngầm dưới lòng sa mạc Sahara và cũng đã tạo ra những vũng nước trên nền đất khô cằn. Ông Houssine cho biết, đó là dấu hiệu rất tích cực nhất là trong bối cảnh Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động năm 2024 với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, mới đây Hội đồng châu Âu (EU) đã lên tiếng kêu gọi nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động toàn diện nhằm đối phó sa mạc hóa. Lời kêu gọi không chỉ nhắm tời châu Phi, châu Á mà với cả chính châu Âu, khi mà mực nước nhiều dòng sông lớn xuống thấp mức kỷ lục, trong đó có sông Danube. Hội đồng EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) nhanh chóng đưa ra một kế hoạch hành động toàn diện trên toàn khối, với mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu hạn hán và phục hồi đất.
Việc hợp tác quốc tế và tham gia tích cực vào các nỗ lực chống sa mạc hóa, thoái hóa đất và hạn hán không chỉ giúp giải quyết những thách thức môi trường một cách hiệu quả mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thời gian qua, liên tiếp các hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học (CBD), biến đổi khí hậu (UNFCCC) và chống sa mạc hóa (UNCCD) được tổ chức cũng không ngoài mục đích đó.
Với riêng châu Âu, suốt từ mùa hè năm 2022 đến mùa thu 2024, hạn hán gia tăng gây nguy cơ sa mạc hóa ở nhiều vùng. Hạn hán khiến nông dân Bỉ và Pháp trong ngành sản xuất sữa phải chứng kiến sản lượng giảm mạnh. Thiếu nước khiến nền nông nghiệp Tây Ban Nha suy yếu. Hạn hán đang khiến nguy cơ sa mạc hóa tăng lên ở các quốc gia Địa Trung Hải và có nguy cơ lan dần đến các quốc gia Bắc Âu.
Tuy nhiên, tâm điểm của hạn hán và sa mạc hóa vẫn ở châu Phi. Theo Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP), hiện có khoảng 27 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở khu vực miền Nam châu Phi, gồm 7 quốc gia. Thiếu ăn đã khiến 21 triệu trẻ em bị còi cọc, trong đó 3,5 triệu trẻ em đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính.
Hạn hán dữ dội đã buộc Zambia, Malawi và Zimbabwe phải tuyên bố tình trạng thảm họa, khi mà ước tính 70% mùa màng đã bị “xóa sổ” do thiếu mưa. Điều phối viên về khủng hoảng khí hậu của Liên hợp quốc phụ trách ứng phó với El Nino, bà Reena Ghelani, đã kêu gọi hành động khẩn cấp khi mà số người bị đói tăng mạnh.
“Tình trạng khô hạn còn kéo dài ở châu Phi trong những năm tới. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - bà Ghelani cảnh báo.
Theo Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU-C3S), xu hướng nền nhiệt toàn cầu không ngừng tăng lên kéo theo hạn hán và hoang mạc. Chưa bao giờ mức nhiệt được ghi nhận tại Thung lũng Chết tại sa mạc Mojave (bang California, Mỹ) lên tới 54,4 độ C vào mùa hè mới đây.
Nhiệt độ quá cao, nắng nóng kéo dài đã làm những cánh rừng bốc cháy, ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí toàn cầu, cũng như đem tới nhiều điều tồi tệ cho cuộc sống. Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên Trái đất.
Tháng 6/1992, Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro (Brazil). Kể từ năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 17/6 hàng năm để kỷ niệm Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước chống sa mạc hóa.
Tuy nhiên, cho dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hạn hán và sa mạc hóa vẫn không giảm, trái lại còn tiếp tục tăng và lan rộng.
Michael Marin, nhà nghiên cứu về sa mạc hóa châu Phi cho biết, cam kết thôi là không đủ nếu như những lời cam kết đó không được thực hiện. “Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn Trái đất ngày một khô hạn, diện tích đất sản xuất ngày một thu hẹp còn hoang mạc cứ ngày một rộng ra. Để cứu vãn, cần sự chung tay của liên chính phủ chứ không chỉ riêng một quốc gia nào” - tiến sĩ Marin khuyến cáo.
Tiến sĩ Marin kể lại câu chuyện của Aakif, nông dân Zambia cho biết, đất trồng trọt bị biến thành hoang mạc khiến người dân phải tháo chạy “mà không dám ngoảnh đầu nhìn lại”.
Liên hợp quốc ước tính rằng 1,84 tỷ người trên toàn thế giới, tương đương gần 1/4 nhân loại, đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán. Phần lớn là các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực đã leo lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông Ibrahim Thiaw (thuộc tổ chức FAO) mô tả, những vườn ô liu ở Tunisia héo khô. Sông Amazon ở Brazil khô hạn nhất trong một thế kỷ. Những cánh đồng lúa mì hoang tàn ở Syria và Iraq. Kênh đào Panama không có đủ nước cho tàu thuyền lưu thông. Hạn hán diễn ra trong thầm lặng, thường không được chú ý và không gây ra phản ứng ngay lập tức. Vì thế, tai họa sẽ càng nguy hiểm hơn giống như những chứng bệnh nan y bên trong cơ thể không nhìn thấy, nhưng khi bùng phát thì cũng là lúc hết thuốc chữa.
THẾ TUẤN
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/han-han-dang-khien-trai-dat-kho-can-10293159.html