Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Thủ tướng Han Duck-soo, người giữ chức quyền Tổng thống Hàn Quốc, đã triệu tập cuộc họp khẩn của những người đứng đầu bốn tập đoàn lớn để khởi động “Lực lượng đặc nhiệm chiến lược an ninh kinh tế.”
Cuộc họp này được triệu tập sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 (theo giờ địa phương) đã công bố mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ và mức thuế đối ứng riêng, trong đó có bao gồm mức thuế 25% đối với Hàn Quốc.
Động thái này nằm trong cuộc chiến thương mại mà chính quyền Mỹ đang triển khai với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Thông báo trên được đưa ra tại sự kiện tổ chức ở Vườn Hồng Nhà Trắng và sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Theo đó, Chủ tịch Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch SK Choi Tae-won và Chủ tịch LG Koo Kwang-mo đã tham dự sự kiện và thảo luận về các biện pháp ứng phó chung của hai khối công và tư.
Các chuyên gia cho rằng đây không chỉ là cú sốc tạm thời mà là biện pháp báo hiệu thời điểm để tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ cấu xuất khẩu.
Đặc biệt, có nhiều ý kiến cho rằng sự chuyển đổi cơ cấu của ngành ôtô Hàn Quốc là điều không thể tránh khỏi dưới áp lực ba chiều từ cả sản xuất, xuất khẩu và việc làm.
Một lãnh đạo doanh nghiệp ôtô lớn cho biết đây là thời điểm toàn bộ chuỗi cung ứng có thể bị lung lay.
Theo đó, Chính phủ và các công ty cần phải hợp tác chặt chẽ để đưa ra chiến lược ứng phó lâu dài và hiệu quả.
Thuế quan có đi có lại là biện pháp Mỹ áp dụng để áp đặt mức thuế quan tương đương hoặc ngang bằng nhằm đáp trả thuế quan hoặc rào cản phi thuế quan do các đối tác thương mại khác áp đặt với Mỹ.
Biện pháp mới nhất của Mỹ sẽ giáng một đòn trực tiếp vào các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Hàn Quốc, bao gồm ôtô và phụ tùng ôtô.
Xuất khẩu ôtô sang Mỹ chiếm tới 49,1% tổng kim ngạch xuất khẩu ôtô của Hàn Quốc và có kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên tới 51 nghìn tỷ won (34,76 tỷ USD).
Các hãng sản xuất ôtô lớn như Hyundai Motor, Kia Motors và GM Korea, cũng như hàng nghìn nhà sản xuất phụ tùng khác được cho là sẽ phải chịu phản ứng dây chuyền do do thuế suất sang Mỹ tăng cao.
Các chuyên gia cho biết các công ty sản xuất phụ tùng, linh kiện vừa và nhỏ không có cơ sở sản xuất tại Mỹ nên sẽ phải chịu toàn bộ gánh nặng thuế quan. GM Hàn Quốc xuất khẩu 85% tổng sản lượng ôtô sang Mỹ.
Do đó, lợi nhuận của công ty không chỉ giảm sút mà khả năng phải rút khỏi thị trường Hàn Quốc đang ngày càng lan rộng.
Tập đoàn ôtô Hyundai đang phản ứng nhanh chóng để giảm thiểu tác động. Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun đã đến thăm Nhà Trắng cuối tháng Ba và công bố kế hoạch đầu tư 21 tỷ USD vào Mỹ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn đã kêu gọi chính phủ cần thúc đẩy đàm phán ở cấp quốc gia nhằm giảm thiểu thiệt hại do hoạt động của các tập đoàn riêng lẻ sẽ không thể tác động đến chính sách thuế quan của Mỹ./.
(TTXVN/Vietnam+)