Ảnh minh họa Hàn Quốc muốn trở thành cường quốc AI số 3 thế giới
Vào chiều 8.7, tại "Hội nghị bàn tròn ngành AI" được tổ chức ở Tháp IT Venture, Songpa-gu, Seoul, ông Lee Kyung-il, CEO của Saltlux, đã nhấn mạnh: "Cạnh tranh dường như đang chuyển từ mô hình AI sang dịch vụ. Khi thị trường cạnh tranh chuyển sang hệ thống tác nhân AI (agentic AI), cần phải xây dựng một hệ sinh thái bằng cách kết nối tính tự chủ của các bộ phận tương ứng với quy trình kinh doanh và sự tiến bộ của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM)".
Ông nói thêm: “Chính phủ cần xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tác nhân AI dựa trên mô hình ngôn ngữ và nhanh chóng tạo ra các câu chuyện thành công của những doanh nghiệp đã áp dụng tác nhân AI để đổi mới quy trình làm việc. Quan trọng là phải tạo ra các thành công đó trong thời gian ngắn để thuyết phục các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, cũng cần suy nghĩ về định nghĩa AI chủ quyền là gì và cách thương mại hóa nó ra sao”.
Cuộc họp lần này có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực như mô hình AI, điện toán đám mây, bán dẫn AI, gồm LG, KT, Naver Cloud, Samsung SDS, Furiosa AI và Upstage.
Chính phủ Hàn Quốc hiện đang tích cực thúc đẩy phát triển một mô hình “AI có chủ quyền” (sovereign AI) kiểu Hàn Quốc, nhằm xây dựng hệ sinh thái AI độc lập dựa trên công nghệ trong nước.
Đại diện các ngành công nghiệp đồng thuận rằng khái niệm “AI có chủ quyền” hiện vẫn còn mơ hồ và cần được định nghĩa rõ ràng cũng như xúc tiến nhanh chóng. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng, trong khi AI có chủ quyền mang ý nghĩa như một tài sản công, nó có hạn chế trong việc thúc đẩy toàn bộ ngành công nghiệp và việc "Chuyển đổi AI" (AI Transformation - AX) phát triển các ứng dụng AI thực tiễn phù hợp theo từng ngành là điều thiết yếu.
CEO Seon Jeong-gyu của Labelup đề xuất: “Cái tên ‘AI có chủ quyền’ rất hay, nhưng chúng ta nên chia nhỏ theo hướng hỗ trợ: một phần là ‘phòng thủ’ – bảo vệ công nghệ cốt lõi như phát triển mô hình AI, phần còn lại là ‘tấn công’ – thâm nhập thị trường nước ngoài thông qua AX”.
CEO Kim Dong-hwan của Fortitumaru cũng nhấn mạnh: “Đúng là cần phát triển AI có chủ quyền trong các lĩnh vực liên quan đến ngoại giao, an ninh và quốc phòng. Nhưng hiện tại các cuộc thảo luận có xu hướng thiên lệch quá nhiều vào mô hình nền tảng (foundation model). Trong khi đó, AX mới thực sự quan trọng. Các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đang thực hiện AX dựa trên mô hình nền tảng do họ phát triển và ươm mầm nội bộ dưới hình thức công ty con tự chủ (CIC). Hàn Quốc nên đồng thời vừa phát triển AI có chủ quyền, vừa xây dựng hệ sinh thái tác nhân”.
Dùng phần mềm bù đắp thiếu hụt phần cứng
Liên quan đến quyết định của chính phủ mua 10.000 GPU – cốt lõi trong vận hành AI – và giao cho doanh nghiệp vận hành, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại. Nếu muốn đạt được AI có chủ quyền, cần từ bỏ mô hình hạ tầng phụ thuộc vào Nvidia, bởi hiện tại, hạ tầng AI trong nước đang tiến dần đến sự độc quyền của GPU Nvidia.
CTO Kim Han-jun của Furiosa AI cho biết: “Chúng ta đang phát triển với niềm tin rằng có thể vượt qua Nvidia, nhưng nỗ lực tư nhân có giới hạn. Cần có người dùng thực sự sử dụng để phá vỡ định kiến với chip AI phát triển trong nước”. Ông bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ tạo cơ hội để sản phẩm nội địa được sử dụng rộng rãi.
CEO Cho Kang-won của Mora cũng nhận định: “Nếu phần mềm được thiết kế tốt, thì 10.000 GPU có thể tạo ra hiệu năng ngang với 20.000 GPU. Việc chính phủ hỗ trợ miễn phí GPU rất dễ dẫn đến sử dụng thiếu hiệu quả. Cần thiết kế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hạ tầng hiệu quả, chẳng hạn bằng cách thưởng cho việc tối ưu hóa tài nguyên GPU để tiết kiệm chi phí”.
Một số ý kiến khác đề xuất Luật Cơ bản về AI nên phản ánh nguyên tắc “thực hiện trước, điều chỉnh sau” để các doanh nghiệp không e ngại khi thử nghiệm công nghệ mới.
Ông Yoo Han-joo – trưởng phòng Digital Healthcare tại Naver Cloud – cho biết: “Luật AI Cơ bản hiện nay không thể hiện đúng nguyên tắc ‘thực hiện trước, điều chỉnh sau’. Mỗi lần doanh nghiệp định thử cái mới lại phải chần chừ”, đồng thời cho biết thêm: “Các trung tâm dữ liệu tiêu thụ nhiều điện, nên phải tuân thủ hơn bốn luật liên quan. Mỗi lần lắp thêm GPU lại phải xin đánh giá tác động điện và giấy phép, gây cản trở lớn đến việc triển khai kinh doanh”.
Cũng có ý kiến cho rằng cần chuyển đổi dữ liệu doanh nghiệp trong nước lên cloud để thúc đẩy AX. Ông Bae Soon-min – trưởng phòng AI Future Lab của KT – chia sẻ: “Nước ngoài đã chuyển toàn bộ dữ liệu lên cloud trong các ngành như tài chính, y tế và dịch vụ công. Ở Hàn Quốc, khi làm AI thì không ai biết dữ liệu đang tập trung ở đâu, được thu thập ra sao”.
Ông nhấn mạnh: “Dù có thể phát triển mô hình độc lập, nhưng AX là nhiệm vụ gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc chuyển dữ liệu doanh nghiệp lên cloud là cần thiết”.
Thứ trưởng Ryu Je-myeong khẳng định: “Dù đây là nhiệm vụ quốc gia do chính phủ mới đề xuất, AI hiện là vấn đề quan trọng nhất đối với tương lai Hàn Quốc và nền kinh tế công nghiệp quốc gia", đồng thời nhấn mạnh: “Chính phủ và ngành công nghiệp đang nỗ lực đảm bảo năng lực cạnh tranh AI, nhưng không thể tách rời nhau. Cần hành động như một đội ngũ thống nhất để tạo bước nhảy vọt toàn cầu”.
Anh Tú