Hàn Quốc cải cách tuyển sinh đại học, hạn chế dạy thêm: Nghịch lý học chính khóa - học thêm

Hàn Quốc cải cách tuyển sinh đại học, hạn chế dạy thêm: Nghịch lý học chính khóa - học thêm
11 giờ trướcBài gốc
Tiết kiệm chi tiêu để cho con học thêm
Cô Kim, một người được hỏi đã chia sẻ với The Korea Times rằng, vợ chồng cô luôn bất hòa vì chi phí học thêm ngày càng cao cho con của họ. "Chi phí học thêm hiện là gánh nặng lớn nhất đối với ngân sách gia đình chúng tôi. Tôi đang cố gắng hết sức để giảm số lớp học thêm mà con tôi theo học, nhưng thật khó để quyết định bỏ lớp nào. Mỗi môn học đều được coi là quan trọng để có điểm tốt ở trường trung học phổ thông, và tôi không muốn con mình bị chậm lại phía sau". Cô cho biết, con mình đang học tiếng Anh, toán, văn và taekwondo và những đứa trẻ khác trong khu phố cũng đang tham gia nhiều lớp học như vậy hoặc thậm chí còn học nhiều hơn.
Nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh như cô Kim phản ánh thực tế là các gia đình đang chi một phần đáng kể thu nhập cho việc học thêm của con cái. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, năm 2023, chi phí dành cho học thêm đã vượt chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của các gia đình. Dữ liệu cho thấy, nhóm gia đình có thu nhập 20% hàng đầu trung bình chi 1,14 triệu won (869 USD)/tháng cho việc học thêm của các con (tuổi từ 13 - 18). Số tiền này chiếm 17,5% thu nhập hàng tháng của mỗi gia đình, mức 6,53 triệu won.
Biển quảng cáo các lớp luyện thi tại khu phố học thêm Dunsan-dong. Ảnh: Wikipedia
Ngay cả những hộ gia đình thu nhập thấp hơn cũng không có khác biệt đáng kể. "Cả nhà phải tiết kiệm chi tiêu dành tiền cho con học thêm. Chúng tôi còn có thể làm gì khác? Tôi muốn chu cấp mọi thứ tốt nhất cho con mình", cô Kim cho biết.
Theo tỷ lệ tại các khu vực của Hàn Quốc, chi tiêu trung bình hàng tháng của Seoul cho giáo dục tư nhân ở mức cao nhất, 596.000won. Theo đó, tỷ lệ học sinh tham gia các lớp học tư nhân cũng cao nhất, mức 84,3%.
Quan điểm “học ở trường không đủ”
Sự bùng nổ không kiểm soát của các trung tâm gia sư cũng phần lớn là do quan điểm chưa đúng về hệ thống giáo dục công. Hầu hết phụ huynh cho rằng, giáo dục ở trường gần như là “không có tác dụng”. Và thực tế là để có thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học với các câu hỏi khó, học sinh buộc phải đến các lò luyện thi bên ngoài.
"Hagwon" là một thuật ngữ tiếng Hàn dùng để chỉ một tổ chức giáo dục tư nhân kinh doanh có lợi nhuận. Chúng thường được ví như các lò luyện thi. Hầu hết trẻ em bắt đầu theo học các lớp hagwon từ độ tuổi lên 5, một số thậm chí bắt đầu từ độ tuổi lên 2. Các trung tâm này tập trung vào luyện các môn phục vụ thi đại học như tiếng Anh, toán… Tính đến năm 2022, 78,3% học sinh tiểu học ở Hàn Quốc theo học ít nhất một lớp học thêm và dành trung bình 7,2 giờ mỗi tuần ở đó. Phố Daechi-dong, một khu của Gangnam, Seoul, được mệnh danh là "thánh địa dạy thêm" của xứ sở kim chi.
Giáo viên chủ nhiệm của các lớp công lập cũng khuyên phụ huynh nên gửi con đến "Hagwon" để học thêm những môn còn yếu. Thậm chí, ngay cả các phụ huynh là giáo viên ở các trường công lập cũng tin tưởng gửi con họ đến các trung tâm học thêm thay vì chỉ cho con học ở trường. Họ chia sẻ với nhau thông tin các "Hagwon" có thầy, cô nổi tiếng, có tỷ lệ học sinh có điểm số cao ở trường hoặc tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao.
Quan điểm này đã dẫn đến việc học sinh quá tải ngay trên lớp học chính quy, điều kỳ lạ là phụ huynh đều cho rằng việc đó là bình thường.
Cái giá của cuộc chạy đua
Cuộc đua trong giáo dục cho các con em không chỉ gây thiệt hại nặng về tài chính cho bậc phụ huynh mà còn gây ra những hệ lụy xã hội nghiêm trọng cũng như tình trạng tâm lý đáng báo động trong giới trẻ.
Ở quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới như Hàn Quốc, chi phí giáo dục tư nhân quá cao được coi là một trong những yếu tố chính khiến các bậc cha mẹ không muốn sinh thêm con. Năm 2022, tỷ lệ sinh của quốc gia này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,78. Con số này thậm chí không bằng một nửa mức cần thiết để một quốc gia có dân số ổn định.
Trong khi đó, một số nhà phê bình cho rằng, gánh nặng học tập đối với học sinh là một nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia OECD.
Năm 2022, Bộ Y tế Hàn Quốc cảnh báo tỷ lệ tự tử đang gia tăng ở nhóm thanh niên có độ tuổi 20, một phần do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch. Theo một cuộc khảo sát của Chính phủ, trong số gần 60.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được hỏi trên toàn quốc, gần 1/4 nam sinh và 1/3 nữ sinh cho biết đã từng bị trầm cảm.
Quốc Đạt
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/han-quoc-cai-cach-tuyen-sinh-dai-hoc-han-che-day-them-nghich-ly-hoc-chinh-khoa-hoc-them-post405335.html