Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPC) Hàn Quốc cho biết, Công ty TNHH Trí tuệ Nhân tạo DeepSeek Hàng Châu đã không xin ý kiến đồng ý của người dùng khi chuyển thông tin cá nhân đến một số công ty tại Trung Quốc và Hoa Kỳ vào thời điểm ra mắt tại Hàn Quốc hồi tháng 1.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu Hàn Quốc cáo buộc DeepSeek chuyển dữ liệu người dùng và nội dung AI trái phép.
Hồi tháng 2, cơ quan dữ liệu Hàn Quốc đã tạm dừng tải xuống mới ứng dụng DeepSeek trong nước sau khi công ty này thừa nhận không tuân thủ một số quy định của cơ quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Hàn Quốc cho biết, DeepSeek cũng đã gửi nội dung trong các lệnh AI do người dùng nhập vào Công ty TNHH Công nghệ Volcano Engine Bắc Kinh, cùng với thông tin về thiết bị, mạng và ứng dụng.
DeepSeek sau đó thông báo với cơ quan rằng việc gửi thông tin đến Volcano Engine nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng và họ đã chặn việc chuyển nội dung lệnh AI từ ngày 10/4. Theo PIPC, cơ quan này đã quyết định đưa ra khuyến nghị sửa đổi để DeepSeek ngay lập tức xóa nội dung lệnh AI đã chuyển đến Volcano Engine và thiết lập cơ sở pháp lý cho việc chuyển thông tin cá nhân ra nước ngoài.
Hồi đầu năm, DeepSeek gây chấn động làng công nghệ khi thách thức các khoản đầu tư truyền thống bằng chi phí thấp, trong lúc hiệu suất tương đương ứng dụng của OpenAI. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của nó mang lại những rủi ro nghiêm trọng.
Các khía cạnh đáng lo ngại nhất của các mô hình như vậy là các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Thực tế là các mô hình tiên tiến như vậy có thể được phát triển với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ chi phí tiêu chuẩn thực sự thúc đẩy triển vọng đổi mới và đầu tư.
Các mô hình AI cắt giảm chi phí có thể tạo ra các lỗ hổng nguy hiểm, ngay cả khi chúng dân chủ hóa quá trình phát triển AI. Một nghiên cứu gần đây của Cisco phát hiện ra rằng mô hình R1 của DeepSeek rất dễ bị tấn công.
Đức Bình