Với các binh sĩ đến từ đất nước Triều Tiên có kinh nghiệm chiến đấu là điều rất cần thiết mà quân đội Nga đang thiếu. Tại một cuộc họp báo ngày 7/11 ông Yoon Suk-yeol cho biết Nga đã đáp lại bằng việc chuyển giao công nghệ quân sự cho Triều Tiên. Sự tham gia của quân đội Triều Tiên vào cuộc xung đột Nga - Ukraine đặt ra mối đe dọa lớn đối với Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc ông Yoon Suk-yeol cho biết Seoul sẽ "dần điều chỉnh" chiến lược hỗ trợ Ukraine tùy thuộc vào mức độ tham gia của Triều Tiên vào cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Trước đây, Hàn Quốc từng là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhưng gần đây nước này đã theo đuổi chính sách không cung cấp vũ khí cho các nước có xung đột. "Bây giờ, tùy thuộc vào mức độ tham gia của Triều Tiên, chúng tôi sẽ dần điều chỉnh chiến lược hỗ trợ theo từng giai đoạn", ông Yoon nói, “ Điều này có nghĩa là chúng tôi không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí".
Ông Yoon cho biết ông đã thảo luận về Triều Tiên trong cuộc điện đàm với Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump, và tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán trực tiếp "trong tương lai gần".
Triều Tiên trở thành một trong những nước ủng hộ thẳng thắn và quan trọng nhất của Nga đối với cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Hàn Quốc và phương Tây từ lâu đã cáo buộc Triều Tiên cung cấp cho Nga đạn pháo và tên lửa để Nga sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Các báo cáo tình báo mới từ Seoul, Washington và NATO cho biết Triều Tiên đã triển khai 10.000 quân tới Nga, điều này càng cho thấy sự tham gia sâu hơn của Triều Tiên vào cuộc xung đột.
Ông Yoon cho biết văn phòng của ông sẽ theo dõi những diễn biến liên quan đến hoạt động của binh sĩ Triều Tiên và nói rằng nếu ông quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine thì lô đầu tiên sẽ là vũ khí phòng thủ. "Nếu chúng tôi tiếp tục cung cấp hỗ trợ vũ khí, chúng tôi sẽ ưu tiên vũ khí phòng thủ", ông Yoon cho biết, nhưng không nêu chi tiết.
Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ trích phương Tây thiếu phản ứng với sự xuất hiện của binh sĩ Triều Tiên trên tiền tuyến.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Rustym Umerov nói với đài truyền hình KBS của Hàn Quốc rằng các lực lượng Ukraine đã có cuộc đụng độ với binh sĩ Triều Tiên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích sự thiếu phản ứng của phương Tây đối với sự xuất hiện của binh sĩ Triều Tiên trên tiền tuyến. Ông Zelensky cho biết "những trận chiến đầu tiên với Triều Tiên đã mở ra một chương bất ổn mới trên thế giới".
Trước đó, Hàn Quốc cũng đã cung cấp vũ khí cho Ba Lan, bao gồm bệ phóng tên lửa, xe tăng và máy bay chiến đấu FA-50. Tại một triển lãm quốc phòng ở Seoul vào tháng 10/2023, Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông muốn đất nước Hàn Quốc trở thành "nhà xuất khẩu thiết bị quốc phòng lớn thứ tư thế giới".
Trái ngược với cựu Tổng thống ôn hòa Moon Jae-in, ông Yoon Suk-yeol có lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên. Đồng thời, Hàn Quốc mong muốn cải thiện hơn mối quan hệ với đồng minh an ninh Washington.
Kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Trump tại Hà Nội đổ vỡ năm 2019, Triều Tiên đã từ bỏ các nỗ lực ngoại giao, gia tăng phát triển vũ khí và từ chối đề nghị đàm phán của Mỹ.
Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau ba lần trong nhiệm kỳ của mình, lần đầu tiên là tại Hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt tại Singapore vào tháng 6/2018, nhưng hai bên không đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Ông Trump trước đây đã cáo buộc Hàn Quốc tự do sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ và yêu cầu Hàn Quốc trả nhiều tiền hơn để giữ quân đội Mỹ ở Hàn Quốc để đáp trả lại mối đe dọa của Triều Tiên.
Ngày 4/11, một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử nước Mỹ, Hàn Quốc và Mỹ đã ký một kế hoạch 5 năm, theo đó Seoul đồng ý tăng đóng góp vào việc duy trì các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc thêm 8,3% vào năm 2026, lên 1,52 nghìn tỷ won (tương đương 1,09 tỷ USD), giới hạn ở mức tăng 5% trong tương lai.
Ngày 7/11, trong cuộc họp báo, ông Yoon cho biết "Cùng với chính quyền mới ở Washington, chúng tôi sẽ xây dựng một thế trận an ninh hoàn hảo để bảo vệ tự do và hòa bình của chúng tôi".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện tại Bình Nhưỡng, vào ngày 19 tháng 6 năm 2024.
Ngày 6/11, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã phê chuẩn Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên. Trước đó, Hạ viện Nga ngày 24/10 đã thông qua hiệp ước song phương với Triều Tiên. Đây là thỏa thuận được ký ngày 19/6 trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới CHDCND Triều Tiên. Cuộc bỏ phiếu nhất trí tại Thượng viện đã chính thức hóa hợp tác an ninh giữa Nga và Triều Tiên. Quan hệ hai nước đã tiến triển đáng kể trong nhiều tháng qua và là lớn nhất kể từ khi hai nước trở thành đồng minh trong Chiến tranh Lạnh.
Hồng Hà