Yoon Suk-yeol, Tổng thống Hàn Quốc, đến thăm công trường xây dựng lò phản ứng hạt nhân Shin-Hanul 3 và 4 tại Uljin, tỉnh Gyeongsang, đông nam Hàn Quốc, vào ngày 29 tháng 12 năm 2021. Ảnh Yonhap/YNA/EPA
AFP dự báo một sự mở rộng năng lực hạt nhân đáng kể của Hàn Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Kế hoạch này kéo dài từ năm 2024 đến 2038, bao gồm việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân quy mô lớn mới và một lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) vào năm 2038, bổ sung cho cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoặc lên kế hoạch.
Nhu cầu điện tăng lên
Bộ Thương mại - Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) dự báo nhu cầu điện của quốc gia này sẽ tăng trung bình 1,8% mỗi năm trong giai đoạn từ 2024 đến 2038. Đến năm 2038, dự kiến nhu cầu điện sẽ đạt 129,3 GW, tăng hơn 30% so với năm 2023. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và linh kiện bán dẫn.
Tăng cường năng lực sản xuất điện hạt nhân
Kế hoạch này nhằm làm tăng sản lượng điện hạt nhân từ 180,5 TWh vào năm 2023 lên 248,3 TWh vào năm 2038. Tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia sẽ tăng từ 30,7% lên 35,2%. Hiện tại, có 26 lò phản ứng đang hoạt động cung cấp khoảng một phần ba điện năng đất nước. Kế hoạch không chỉ bao gồm xây dựng các lò phản ứng mới, mà còn tập trung vào việc đưa vào vận hành 5 đơn vị đã được lên kế hoạch trước bao gồm Shin Hanul 2, bắt đầu vận hành vào tháng 4 năm 2024, cùng với Saeul 3 và 4, Shin Hanul 3 và 4, với tổng công suất 7 GW.
Triển khai các lò phản ứng mô-đun nhỏ
Bên cạnh việc xây dựng các lò phản ứng công suất lớn, Hàn Quốc cũng có kế hoạch tích hợp 0,7 GW công suất từ các SMR vào cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2038. Bộ cho biết việc đưa và sử dụng SMR dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2035, tùy thuộc vào các tiến bộ công nghệ và việc có được các giấy phép theo quy định cần thiết.
Chuyển đổi năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng
Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu giảm tỷ trọng than trong sản xuất điện từ 31,4% năm 2023 xuống còn 10,1% vào năm 2038. Sự phát triển của năng lượng tái tạo là một hướng đi quan trọng khác của kế hoạch, với mục tiêu bổ sung 7 GW công suất năng lượng tái tạo mỗi năm đến năm 2030. Tỷ lệ các nguồn năng lượng này dự kiến sẽ tăng từ 8,4% vào năm 2023 lên 29,2% vào năm 2038. Việc tăng cường phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho thấy sự quyết tâm của Hàn Quốc trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
Định hướng chiến lược của Chính phủ
Chính sách năng lượng hiện tại, với việc tăng cường lĩnh vực năng lượng hạt nhân, là định hướng của Tổng thống Yoon Suk-yeol, người được bầu vào năm 2020. Điều này trái ngược với chính sách của cựu Tổng thống Moon Jae-in, người đã bắt đầu giảm dần năng lượng hạt nhân từ năm 2017, sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011 .
Trong cuộc tranh luận giữa Chính phủ và người dân về ngành điện hạt nhân tổ chức tại văn phòng chính quyền tỉnh Nam Kyungsang ở Changwon sáng 22/2, Tổng thống Hàn Quốc đã cam kết Chính phủ sẽ cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành điện hạt nhân, bắt đầu từ năm nay.
Nh.Thạch
AFP