Các nhà điều tra và cảnh sát Hàn Quốc đã huy động lực lượng hùng hậu để bắt giữ ông Yoon vào ngày 15/1. Ảnh: Yonhap.
Lần đầu tiên Tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc bị bắt giữ
Sáng ngày 15/1, Tổng thống Yoon Suk Yeol bị bắt giữ bởi nhóm điều tra đặc biệt của Văn phòng Điều tra tham nhũng đối với các quan chức cấp cao (CIO) và hơn 3.000 cảnh sát.
Ông Yoon bị cáo buộc nổi loạn và lạm quyền sau khi ban hành lệnh thiết quân luật gây tranh cãi vào ngày 3/12. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc một tổng thống đương nhiệm bị bắt giữ vì những tội danh nghiêm trọng như vậy.
Quá trình bắt giữ diễn ra suôn sẻ hơn lần đầu vào ngày 3/1. Khi đó, hơn 150 nhà điều tra và cảnh sát đã bị chặn bởi 200 nhân viên an ninh tổng thống và binh sĩ quân đội, dẫn đến một cuộc đối đầu kéo dài hơn 5 tiếng ngay tại dinh tổng thống.
Ngoài ông Yoon, cảnh sát cũng bắt giữ Phó giám đốc PSS, Kim Seong-hoon với cáo buộc cản trở thi hành công vụ. Ông Kim được cho là nhân vật trung thành với Tổng thống Yoon Suk Yeol và đã chỉ đạo PSS biến dinh tổng thống thành “pháo đài” ngăn cản các nhà điều tra trong nỗ lực bắt giữ đầu tiên.
Sự khác biệt trong lần bắt giữ thứ hai
Theo tờ Korea Herald, trong lần thứ hai, các nhà điều tra đã rút kinh nghiệm và chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhóm thực thi lệnh bắt gồm các nhà điều tra của CIO, cảnh sát quốc gia đã bắt giữ hoặc xin lệnh bắt các lãnh đạo chủ chốt của PSS.
Hơn 3.000 cảnh sát được huy động, trong khi lực lượng PSS không còn chống đối mạnh mẽ. Theo nguồn tin nội bộ, PSS thông báo cho phép các nhân viên và quan chức không muốn bảo vệ ông Yoon có thể chủ động xin nghỉ phép.
Nhóm công tác đến dinh thự ông Yoon lúc 4 giờ sáng ngày 15/1 (giờ địa phương) và bắt đầu trình lệnh bắt giữ và khám xét cho PSS lúc 5 giờ 10 phút sáng.
Đến 7 giờ 30 phút sáng, nhóm công tác vượt qua rào chắn đầu tiên bằng cách sử dụng thang để trèo qua một hàng xe buýt. Sau đó, họ di chuyển đến rào chắn thứ hai, đi qua rào chắn này bằng một tuyến đường phụ với sự kháng cự tối thiểu từ PSS. Đến 8 giờ sáng, nhóm đã đến rào chắn thứ ba và bắt đầu thực hiện lệnh bắt giữ.
Sau khi Phó giám đốc PSS, Kim Seong-hoon bị bắt, hầu hết các nhân viên PSS đều không còn tiếp tục thực thi nhiệm vụ, để các nhà điều tra xúc tiến bắt giữ ông Yoon.
Nội bộ PSS rạn nứt
Trong lần bắt giữ thứ hai, sự suy yếu nội bộ của PSS đóng vai trò quan trọng. Các nhân viên PSS, vốn bị kìm kẹp bởi tính kỷ luật và lòng trung thành bắt buộc, đã không còn sẵn sàng bảo vệ ông Yoon bằng mọi giá.
Theo một quan chức Hàn Quốc giấu tên, "đa số nhân viên PSS đều muốn các lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ vì đã đặt họ vào tình thế phạm pháp”.
Sự rạn nứt nội bộ trong PSS được cho là còn xuất phát từ mệnh lệnh gây tranh cãi của ông Yoon. Theo một số nguồn tin, ông Yoon đã yêu cầu PSS "sử dụng vũ lực nếu cần thiết" để ngăn cản việc thi hành lệnh bắt giữ. Điều này khiến nhiều quan chức cấp cao của PSS bất mãn, thậm chí kêu gọi Tổng thống tuân thủ pháp luật và không để nhân viên cấp dưới chịu trách nhiệm pháp lý.
Song song với đó, các chuyên gia pháp luật đã nhấn mạnh quyền từ chối thực hiện các mệnh lệnh bất hợp pháp của nhân viên PSS.
Giáo sư luật Cha Seong-an đến từ Đại học Seoul đã phát hành một tài liệu hướng dẫn, trong đó khẳng định việc bắt giữ Tổng thống Yoon không đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của ông và miễn trừ pháp lý không áp dụng trong trường hợp nghiêm trọng như liên quan nổi loạn. Đây được coi là cơ sở để các nhân viên PSS không còn bị buộc phải thực thi nhiệm vụ, theo tờ Korea Herald.
Nhật Minh - Korea Herald