Một cảng nhập khẩu nhiên liệu ở Hàn Quốc. Ảnh AP
Tuy nhiên, động thái này có khả năng được sử dụng như một quân bài đàm phán hơn là thực hiện ngay lập tức, bởi chính quyền Yoon Suk Yeol dự đoán sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức từ chính quyền Trump sắp tới — từ việc tăng chi phí quốc phòng cho đến cắt giảm trợ cấp cho các nhà sản xuất xe điện, pin và chip nội địa.
“Mở rộng nguồn cung dầu khí để giảm sự phụ thuộc vào Trung Đông là chiến lược mà Chính phủ Hàn Quốc đã theo đuổi, vì chiến lược này giúp bảo vệ Hàn Quốc trước nhiều bất ổn khác nhau”, một nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết.
“Vì lý do này, việc tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Mỹ đang được thảo luận nghiêm túc và nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà hoạch định chính sách”, nguồn tin giấu tên nói thêm.
Theo một số nguồn tin, Bộ trưởng Thương mại Cheong In-kyo hiện đang thảo luận với Văn phòng Tổng thống, mặc dù Bộ Công nghiệp từ chối xác nhận thông tin này.
Các cuộc thảo luận diễn ra sau khi Hàn Quốc bị đưa trở lại danh sách giám sát tiền tệ của Mỹ vào ngày 15/11, chủ yếu do sự gia tăng đáng kể thặng dư song phương và thặng dư tài khoản vãng lai của nước này.
Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ đã tăng mạnh lên 39,9 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc. Trên quy mô cả năm, con số năm nay có thể vượt qua mức kỷ lục 44,4 tỷ USD của năm ngoái, gần gấp đôi so với năm 2021, khi thặng dư của Hàn Quốc đạt 22,7 tỷ USD.
Là quốc gia mua dầu thô lớn thứ ba châu Á, Hàn Quốc đã bắt đầu nhập khẩu dầu từ Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump vào năm 2017. Năm ngoái, nhập khẩu dầu thô từ Mỹ đã vượt mốc 10 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai vào Hàn Quốc sau Ả Rập Saudi, chiếm 13,5% thị phần.
Về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), Mỹ đứng thứ tư trong số các nước cung cấp cho Hàn Quốc vào năm ngoái, chiếm 11,6% lượng nhập khẩu.
Bước sang năm nay, Hàn Quốc tiếp tục gia hạn mua dầu thô của Mỹ.
“Các nhà máy lọc dầu và nhà khai thác dầu lớn của Hàn Quốc, bao gồm SK Innovation, Hanwha TotalEnergies và HD Hyundai Oilbank, đã nhập khẩu tổng cộng 15,88 triệu thùng dầu thô của Mỹ — chủ yếu là dầu WTI Midland nhẹ, ngọt — trong tháng 8, tăng 91,9% so với cùng kỳ năm ngoái”, theo báo cáo của S&P Global công bố vào tháng 9.
Với lượng nhập khẩu dầu thô đã tăng đáng kể, một nguồn tin khác dự báo việc tăng nhập khẩu LNG ở nước này cũng có thể diễn ra.
Theo các phương tiện truyền thông địa phương, Tập đoàn Khí đốt Quốc gia Hàn Quốc (Kogas) đang xem xét thay thế Oman và Qatar bằng Mỹ làm nhà cung cấp LNG, do hợp đồng dài hạn với hai quốc gia này sẽ kết thúc trong năm nay.
Kogas đã ký một loạt hợp đồng LNG với Mỹ trị giá khoảng 11 nghìn tỷ won (7,8 tỷ USD) trong giai đoạn 2018 - 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump.
Nh.Thạch
AFP