Hàn Quốc đang tìm cách giữ chân nhân tài
Phân tích được nêu trong báo cáo "Data Insight", do Viện Thông tin KH-CN Hàn Quốc (KISTI) công bố ngày 16.7. Báo cáo được thực hiện cùng Trung tâm Nghiên cứu KH-CN (CWTS) thuộc Đại học Leiden (Hà Lan), dựa trên dữ liệu 1.125.674 bài báo khoa học và hồ sơ của 177.031 nhà nghiên cứu từng làm việc tại Hàn Quốc, trong giai đoạn từ năm 2005 - 2021.
Trung Quốc - điểm đến hàng đầu của nhân tài Hàn Quốc
Phân tích cho thấy Hàn Quốc đang mất dần nhân tài vào tay Trung Quốc, với tỷ lệ chảy máu chất xám lên tới 82,6%. Nghĩa là trong số những nhà nghiên cứu từng qua lại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, 8/10 người hiện làm việc tại các cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ là nơi có số lượng nhà nghiên cứu Hàn Quốc rời đi nhiều nhất, đồng thời cũng là quốc gia tiếp nhận nhiều nhân tài Hàn Quốc. Cụ thể, tỷ lệ nhân tài Hàn Quốc đến Mỹ là 64,8 (4.236 người), ngược lại 35,2% (2.296 người) rời Mỹ tới Hàn Quốc. Điều này cho thấy Mỹ cũng là nguồn cung nhân lực nghiên cứu chủ chốt cho Hàn Quốc.
Ấn Độ và Nhật Bản cũng có tỷ lệ tiếp nhận nhân tài cao (Ấn Độ: 77,1% tiếp nhận - 22,9% rời đi; Nhật Bản: 74,9% tiếp nhận - 25,1% rời đi).
Chảy máu chất xám là thách thức lớn
Trong số các nhà nghiên cứu từng công tác tại Hàn Quốc, 65,5% bắt đầu sự nghiệp tại các cơ sở nghiên cứu trong nước; chỉ 34,5% đến từ nước ngoài. Điều này cho thấy việc thu hút nhân tài quốc tế của Hàn Quốc vẫn còn hạn chế.
Ông Kwon Tae-hoon, Trưởng nhóm Phân tích Thư mục học thuộc Trung tâm Phân tích Nghiên cứu và Phát triển toàn cầu (KISTI) nhận định: "Những nơi có nền nghiên cứu tiên tiến như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và các nước châu Âu có tỷ lệ "di chuyển hoàn toàn" (complete movement) cao, trong khi với các nước đang phát triển về nghiên cứu như Trung Quốc, Việt Nam, Pakistan và Bangladesh lại có tỷ lệ "di chuyển song song" (concurrent movement) cao hơn”.
Nói cách khác, nhân tài từ Hàn Quốc sang các nước tiên tiến có xu hướng định cư và làm việc lâu dài (di chuyển hoàn toàn), trong khi với các nước mới nổi, họ thường duy trì mối liên kết hai chiều hoặc tạm thời (di chuyển song song).
Hàn Quốc đang nỗ lực hết mình để giữ chân nhân tài KH-CN, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như AI, bán dẫn và công nghệ sinh học. Tuy nhiên, tình trạng "chảy máu chất xám" đang là một thách thức lớn đối với quốc gia này.
Nỗ lực để giữ chân nhân tài
Chính sách thị thực và quốc tịch hấp dẫn
Hàn Quốc giới thiệu các loại thị thực mới và linh hoạt hơn cho các chuyên gia công nghệ cao, đặc biệt với AI, robot, công nghệ lượng tử, hàng không, bán dẫn và sinh học.
Thời gian lấy quốc tịch hoặc thường trú cho các nhân tài (được tiến cử, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ từ các trường chuyên ngành như KAIST) được rút ngắn từ hơn 6 năm còn khoảng 3 năm .
Các chính sách hỗ trợ nhằm giúp du học sinh quốc tế dễ dàng hòa nhập và phát triển tại Hàn Quốc, gồm việc cho phép thay đổi nơi làm việc mà không cần xin lại visa.
Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D, cơ sở hạ tầng
Chính phủ Hàn Quốc ban hành các kế hoạch 5 năm xác định tầm nhìn và các lĩnh vực KH-CN trọng tâm, cũng như chiến lược thu hút và phát triển nhân tài; tăng cường các khoản tài trợ nghiên cứu cho các nhà khoa học.
Một số ý kiến đề xuất đầu tư vào các môi trường chuyên biệt kết hợp điện toán hiệu năng cao, điều phối dữ liệu và tự động hóa thông minh để hỗ trợ khối lượng công việc AI lớn.
Hỗ trợ nghiên cứu sinh, giảng viên
Chính sách mới của Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ trọn đời, toàn diện cho sinh viên và chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); từ học sinh tiểu học đến nhà nghiên cứu cấp cao.
Chính phủ phát triển các chương trình hỗ trợ đa dạng cho các tiến sĩ để họ tiếp tục nghiên cứu khi chưa tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Xây dựng môi trường làm việc linh hoạt và hỗ trợ để thu hút, giữ chân nhân sự chất lượng cao.
Tập trung vào giáo dục và đào tạo
Hàn Quốc tập trung vào giáo dục năng khiếu và cải thiện môi trường, cơ sở hạ tầng trường học; hỗ trợ sinh viên và người tốt nghiệp đại học thông qua các chương trình cấp bằng tích hợp và giáo dục tùy chỉnh; mở rộng quy mô tuyển sinh các ngành công nghiệp bán dẫn, AI ở cấp đại học để đảm bảo nguồn nhân lực.
Bùi Tú