Lễ hạ thủy tàu khu trục ROKS Chungnam 3.600 tấn được tổ chức tại xưởng đóng tàu HD Hyundai Heavy Industries ở Ulsan, ngày 10/4. (Nguồn: Yonhap)
Theo DAPA, buổi lễ đánh dấu việc bàn giao tàu ROKS Chungnam đã diễn ra tại nhà máy đóng tàu HD Hyundai Heavy Industries ở Ulsan, cách Seoul khoảng 310 km về phía Đông Nam.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, con tàu dài 129 m, được trang bị pháo 127mm và hệ thống phóng thẳng đứng, cũng như tên lửa dẫn đường chống hạm, tên lửa dẫn đường chiến thuật đối đất và ngư lôi chống ngầm tầm xa.
ROKS Chungnam được trang bị các thiết bị nội địa, bao gồm hệ thống "radar mảng pha đa chức năng" có khả năng phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu từ "mọi hướng".
Đây là tàu đầu tiên trong số 6 chiếc được đóng trong dự án mua lại tàu khu trục nhỏ của Seoul, nhằm đóng các tàu khu trục 3.600 tấn thay thế các tàu khu trục và tàu hộ tống đã cũ. Tàu khu trục mới dự kiến sẽ được triển khai hoạt động sau quá trình huấn luyện kéo dài 6 tháng.
Hàn Quốc thường đặt tên các tàu khu trục theo tên các tỉnh và thành phố của đất nước. Chungnam là tên một tỉnh phía Nam của quốc gia Đông Bắc Á này. Hải quân từng đặt tên Chungnam cho tàu chiến 2 lần trước đó, trong đó có một tàu khu trục đã ngừng hoạt động vào năm 2017.
Trước đó, ngày 17/12, DAPA cũng đã khởi động chương trình sản xuất thiết bị bay không người lái tầm trung (MUAV) trong một buổi lễ khánh thành cơ sở lắp ráp thiết bị này ở Busan, nhằm giúp tăng cường khả năng của quân đội trong việc giám sát Triều Tiên.
Thiết bị bay giám sát này có khả năng hoạt động ở độ cao 10-12 km và chụp ảnh độ phân giải cao từ khoảng cách hơn 100 km. Loại thiết bị này có chiều dài 13 mét, chiều cao 3 mét và sải cánh 25 mét.
DAPA cho biết, thiết bị bay không người lái do hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc Korean Air sản xuất không chỉ giúp nâng cao khả năng giám sát của quân đội mà còn thiết lập hệ thống sản xuất nội địa cho các thiết bị bay không người lái. DAPA dự kiến sẽ bắt đầu bàn giao thiết bị bay không người lái này cho Không quân vào năm 2027.
Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự án trị giá 4,56 nghìn tỷ Won (hơn 3,1 tỷ USD) nhằm tăng cường năng lực nhiệm vụ và khả năng sống sót của máy bay phản lực F-15K bằng cách nâng cấp thiết bị điện tử hàng không quan trọng đến năm 2037. Số tiền này lớn hơn kế hoạch phân bổ hồi cuối năm 2022 là 3,46 nghìn tỷ Won.
DAPA có kế hoạch thay thế hệ thống radar cũ kỹ của F-15K hiện tại bằng radar mảng quét điện tử chủ động tiên tiến, mở rộng kích thước bộ nhớ của máy tính nhiệm vụ và nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử của máy bay phản lực thành hệ thống hoàn toàn tự động.
Trong số các dự án mà Hàn Quốc mới phê duyệt còn có dự án trị giá 661,5 tỷ Won nhằm phát triển tên lửa không đối không tầm ngắn sản xuất nội địa để lắp trên máy bay chiến đấu KF-21 và dự án trị giá 807,6 tỷ Won nhằm nâng cấp 6 tàu ngầm 1.800 tấn.
Bảo Minh