Gạo được trồng ở Ghana bằng hạt giống do sáng kiến K-Ricebelt của chính phủ Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times
Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn của Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch toàn diện cho dự án hỗ trợ toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2029. Đây là chương trình nghị sự đầu tiên trong lĩnh vực này kể từ khi Đạo luật Phát triển và Hợp tác nông nghiệp, tài nguyên lâm nghiệp ở nước ngoài được ban hành vào năm 2017.
Dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp có kế hoạch hỗ trợ 50 quốc gia vào năm 2029. Dự án với sự tham gia của các công ty Hàn Quốc có kiến thức công nghệ và mô hình kinh doanh sẽ đưa các biện pháp ODA của chính phủ vào thực tiễn.
Bộ này cho biết sẽ giới thiệu 10 mô hình ODA trong thời gian thực hiện dự án, trong đó có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các công ty tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận và chính phủ Hàn Quốc với tư cách là nhóm hỗ trợ ODA liên kết.
Bộ đã đề xuất một mô hình kinh doanh theo dự án, trong đó nhóm hỗ trợ đảm bảo đưa ra các hạt giống mới phát triển của các loại cây trồng năng suất cao và phân phối chúng đến các quốc gia mục tiêu. Mô hình này cũng sẽ bao gồm phần giới thiệu về cách sử dụng sản phẩm tự nhiên bản địa để thúc đẩy sản xuất lương thực địa phương và đưa máy móc nông nghiệp Hàn Quốc vào sản xuất lương thực địa phương.
Một mô hình kinh doanh khác liên quan đến sáng kiến K-Ricebelt của Bộ, nhằm thúc đẩy an ninh lương thực ở các nước đang phát triển. Mô hình này cũng sẽ hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Phi và Chương trình Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc để giới thiệu chuỗi giá trị mới cho ngành lúa gạo tại các quốc gia mục tiêu. Sáng kiến này không chỉ cho phép Hàn Quốc tặng giống lúa mới mà còn cho phép những người thụ hưởng tại địa phương có thể phân phối, sản xuất và chế biến các sản phẩm thực phẩm mới trên cơ sở sử dụng giống lúa này.
Kế hoạch mới cũng nhằm mục đích mở rộng sáng kiến K-Ricebelt sang các quốc gia khác ở Châu Phi. Hiện tại, dự án đang được tiến hành ở các khu vực phía Đông và phía Tây của lục địa, bao gồm Senegal, Gambia, Ghana, Guinea, Cameroon, Uganda và Kenya. Bảy quốc gia Châu Phi khác, bao gồm Madagascar, Malawi, Angola và Sierra Leone, cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn để thực hiện sáng kiến này.
Bộ cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy K-Ricebelt đến các quốc gia ở miền Nam châu Phi. Bộ hy vọng hoạt động kinh doanh này sẽ giúp cải thiện điều kiện môi trường, giáo dục và phúc lợi tại địa phương.
Theo chương trình nghị sự, Bộ cũng sẽ tái cơ cấu và sửa đổi các luật liên quan của Hàn Quốc để thực hiện hiệu quả hơn các chương trình ODA của chính phủ.
“Chương trình nghị sự ODA toàn diện này được thúc đẩy đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ra đời ODA toàn cầu của Hàn Quốc”, Bộ trưởng Nông nghiệp Song Mi-ryung cho biết. “ODA của chúng tôi không chỉ hỗ trợ các quốc gia khác mà còn giúp các công ty tư nhân của chúng tôi mở rộng thị trường ra nước ngoài. Mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa chính phủ Hàn Quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân sẽ cho phép chúng tôi nâng cao hình ảnh toàn cầu của Hàn Quốc”, Bộ trưởng Nông nghiệp Song Mi-ryung nhấn mạnh.
Quỳnh Vũ (Theo Korea Times)