Hàng bom chất cao như núi sau đợt khuyến mãi Lễ độc thân ở Trung Quốc

Hàng bom chất cao như núi sau đợt khuyến mãi Lễ độc thân ở Trung Quốc
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều chủ cửa hàng thời trang nữ lên mạng xã hội than vãn vì tỷ lệ hàng bị trả về quá cao. Ảnh: Xiaohongshu/CNA.
Một tuần sau lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trung Quốc, vấn đề “bom hàng” nổi lên. Nhiều cửa hàng quần áo ghi nhận tỷ lệ trả hàng lên tới 90%.
Ngày 11/11 được xem là Lễ độc thân ở Trung Quốc và thường đi kèm với những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài. Năm nay, các chương trình giảm giá ở “xứ sở tỷ dân” được tung ra từ 14/10, sớm hơn 3 tuần so với Lễ độc thân.
Dù việc trả hàng mua trên sàn thương mại điện tử không còn xa lạ, các báo cáo cho thấy tỷ lệ này đặc biệt cao trong năm nay. Nhiều nhà bán lẻ tức giận “bóc phốt” khách hàng lên mạng xã hội. Ngược lại, nhiều khách hàng cũng cho biết chất lượng sản phẩm và hàng hóa không đúng như quảng cáo.
Gửi 20.000 đơn hàng, 10.000 đơn bị trả lại
Không có số liệu chính thức về lượng hàng được trả lại trong thời gian sau đợt khuyến mãi Lễ độc thân. Tuy nhiên, ghi nhận của CNA cho thấy nhiều bài đăng trên mạng xã hội về vấn đề này.
Xiao Feng, người dùng Xiaohongshu - mạng xã hội Trung Quốc, đăng bức ảnh vào ngày 29/10 cho thấy núi lớn hàng hóa bị trả lại với đa phần sản phẩm là quần áo nữ.
“Xin ngừng trả hàng! Đây là đợt trả hàng đầu tiên của đợt khuyến mãi Lễ độc thân”, người bán hàng càu nhàu. “Tôi gửi đi 20.000 gói hàng và hơn 10.000 gói đã bị trả lại. Trong số đó thậm chí có những gói bị gửi trả nhầm. Thật kinh khủng, ai còn dám bán quần áo nữ chứ?”.
Số quần áo được trả về sau Lễ độc thân năm nay đặc biệt nhiều so với mọi năm, theo CNA. Ảnh: Xiaohongshu/A.
Một người dùng khác tên Tian Tian khẳng định cô nhận được hơn 1.500 kiện quần áo trong đợt trả hàng đầu tiên của Lễ độc thân. Trước đó, cô gửi đi 2.000 đơn hàng.
Một người bán khác, muốn được gọi là A, đăng ảnh hàng hóa bị trả lại trên Xiaohongshu. “Đây là số quần áo tôi bị bom. Số này chỉ mới 50%, số còn lại đang được chuyển về đây. Tỷ lệ trả lại hàng của các bạn là bao nhiêu?”, cô viết.
Theo hãng tin Yicai Global của Trung Quốc, tỷ lệ trả hàng khi mua sắm trực tuyến ở nước này đang ở mức cao nhất lịch sử. Zhang Ke, chủ doanh nghiệp trên Taobao chia sẻ tỷ lệ trả hàng ở tiệm quần áo của cô là 80%, một số doanh nghiệp khác còn lên tới 90%.
Một chủ cửa hàng khác được Yicai phỏng vấn, Wang Ting, cho biết tỷ lệ trả hàng của bà dao động ở khoảng 75%. Giai đoạn đỉnh điểm, cửa hàng của bà bị trả khoảng 81,77% đơn hàng trong tháng 10.
Các sàn thương mại điện tử lớn như Pinduoduo và Taobao của Trung Quốc muốn tiến thêm một bước để thu hút khách hàng. Họ ban hành chính sách để khách được hoàn tiền dễ dàng, thậm chí có trường hợp người mua lấy lại tiền mà không cần trả lại hàng. Nhiều nhà bán lẻ cũng ra chính sách trả hàng trong 7 ngày không cần lý do.
Công nhân đóng hàng để chuyển đi trong đợt khuyến mãi 11/11 ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Trong đợt khuyến mãi 11/11 của Taobao, nhiều người mua hàng cố tình đặt thật nhiều sản phẩm để hưởng khuyến mãi cao nhất rồi trả hàng. Nhờ đó, họ chỉ cần mua 1-2 món đồ nhưng lại được hưởng giá siêu rẻ.
Theo tờ Beijing Business Today, thương hiệu Ralph Lauren của Mỹ chịu tỷ lệ hủy đơn 98% trong Lễ độc thân năm nay. Tờ báo do nhà nước quản lý khẳng định người tiêu dùng mua thêm sản phẩm của Ralph Lauren để được giảm giá rồi trả lại vì không thực sự muốn mua. Nhiều người xem Ralph Lauren như “một công cụ” vì chính sách hoàn tiền và trả hàng “trong vòng vài giây” của thương hiệu có trụ sở ở Mỹ.
Theo Yicai, nhiều cửa hàng quần áo nữ trên sàn thương mại điện tử đã phải đóng cửa vì bị “bom hàng” quá nhiều. Tháng 10, một cửa hàng quần áo nữ có hơn 200.000 lượt theo dõi đã tuyên bố đóng cửa vì tỷ lệ trả hàng lên tới hơn 70%. HACO, một thương hiệu thời trang nổi tiếng với hơn 5 triệu người hâm mộ trên Taobao và sunnydand, phải đóng cửa vì nguyên nhân tương tự.
Người tiêu dùng đáp trả
Lời kêu gọi ngừng trả hàng của nhiều chủ cửa hàng cũng bị phản bác. Hàng nghìn người tiêu dùng tức giận và đăng bài đáp trả trên mạng xã hội.
Bài đăng của Xiao Feng thu hút hơn 12.000 lượt bình luận trên Xiaohongshu, nhiều bình luận là của người vừa trả hàng. Họ khẳng định mình nhận được sản phẩm kém chất lượng hơn hẳn so với hàng được quảng cáo.
Một khách hàng đăng ảnh cô mặc bộ quần áo mua ở cửa hàng của Xiao Feng. Chiếc quần trong ảnh có hai ống quần không đều nhau trong khi áo thì rộng thùng thình.
“Nếu không muốn bị trả hàng thì ít nhất hãy bán sản phẩm đạt chuẩn”, cô gái bình luận. “Thật vô lý! Người bán bảo tôi hãy giặt đồ trước rồi nó sẽ dài ra”.
Nhiều khách hàng cũng tức giận khi các cửa hàng thương mại điện tử dùng ảnh giả của sản phẩm thay vì tự chụp. “Chúng tôi phải lấy hàng từ trạm thu gom, nếu quần áo không vừa thì chúng tôi phải trả hàng và mua ở nơi khác. Mua sắm trực tuyến quá khó khăn”, một người dùng Xiaohongshu bình luận.
Khách hàng phàn nàn trên Internet vì nhận được hàng không giống quảng cáo. Ảnh: Xiaohongshu/943940799.
Chia sẻ với Yicai, một nhà cung cấp quần áo nhận xét tỷ lệ trả hàng cao có một phần nguyên nhân là cách quảng bá sản phẩm của các cửa hàng.
Ông cho biết nhiều nền tảng có chức năng so sánh giá tiền của cùng một món hàng. “Người dùng thường hủy đơn nếu thấy món hàng họ vừa mua được bán với giá rẻ hơn ở cửa hàng khác. Và khi chạy theo giá thấp, chất lượng giảm gần như không thể tránh khỏi”, nhà cung cấp cho nhiều cửa hàng quần áo trên Taobao lưu ý.
Ông đưa ví dụ về chiếc áo sơ mi tay dài được bán với giá 9,6 USD vào mùa thu 2023. Năm nay, giá của chiếc áo giảm còn 8 USD. “Chi phí chênh lệch chưa đầy 2 USD vẫn có thể làm thay đổi chất lượng sản phẩm. Nhà sản xuất dùng vải rẻ hơn, chất lượng áo sẽ kém hơn”, ông phân tích.
Đông Tùng
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/hang-bom-chat-cao-nhu-nui-sau-dot-khuyen-mai-le-doc-than-o-trung-quoc-post1512166.html