Trước đó, tại bản Huồi Mũ xuất hiện trường hợp trâu chết không rõ nguyên nhân. Những ngày sau đó, số lượng trâu, bò chết tiếp tục gia tăng. Đặc điểm chung của các con vật sau khi chết là bụng trương phình, có dấu hiệu sắp vỡ.
Đến thời điểm hiện tại, toàn bản có đến 70 con trâu, bò có dấu hiệu bị bệnh ung khí thán; trong đó 25 con đã chết. Đặc biệt, hộ gia đình ông Lỳ Xái Phia bị thiệt hại nặng nề nhất với 13 con trâu, bò bị chết, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Ngay sau khi phát hiện sự việc bất thường, chính quyền xã Huồi Tụ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn đã đi kiểm tra, xác định số trâu, bò bị chết để tìm nguyên nhân và cách phòng ngừa cho bà con nông dân.
Ông Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Huồi Tụ cho biết: Sau khi nhận được báo cáo từ người dân, cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn vào cuộc kiểm tra, tiến hành mổ một số trâu, bò chết cơ quan chức năng nhận thấy phần cơ, thịt ở bắp đùi trâu, bò xuất hiện tình trạng thâm, có bọt khí, có dấu hiệu điển hình của bệnh ung khí thán.
Ông Trần Võ Ba - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu và gửi ra Viện Thú y xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh ở đàn trâu, bò, qua đó có phương pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả. Ngành khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra đàn trâu, bò để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh và báo với cơ quan chuyên môn để kịp thời điều trị. Người dân cũng không giết mổ trâu, bò bị bệnh để tránh phát tán vi khuẩn ra môi trường.
Người dân bản Huồi Mũ có tập quán chăn nuôi theo mô hình khoanh thả trong rừng rộng, nên việc phát hiện và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn.
Bệnh ung khí thán là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn yếm khí Clostridium chauvoei gây ra, có đặc trưng là trâu, bò sốt cao, các bắp thịt sưng, khí thũng. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tập trung vào những tháng nóng, ẩm, mưa nhiều.
Trịnh Duy Hưng (TTXVN)