Chiều 30-10, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện có hơn 85.300 học sinh đang nghỉ học vì trường lớp vẫn bị ngập sâu trong nước lũ. Trong số này, khối học sinh THPT nghỉ học do lũ là 27.300 học sinh; khối THCS, Tiểu học và trẻ Mầm non là 58.000 em.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại rốn lũ huyện Lệ Thủy, ngày 30-10, nước lũ dần xuống nhưng rất chậm; mực nước lũ vẫn trên báo động 2. Theo ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy, từng đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế để cho học sinh đi học trở lại. Vùng ven thì học sinh đã đến trường; vùng còn ngập lũ gồm các xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy, thị trấn Kiến Giang phải đến tuần sau mới đảm bảo an toàn và học sinh có thể đến trường.
Trường THCS Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) vẫn ngập trong nước. Ảnh: MINH PHONG
Trong khi đó, tại huyện Quảng Ninh, hiện có 20.261 học sinh chưa thể đến trường vì còn ngập lũ. Thầy giáo Nguyễn Hải Dương, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Ninh (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) thông tin, trường có 274 học sinh, nếu thuận lợi, nước rút thì thứ sáu có thể đi học trở lại. Tuy nhiên, vùng giữa phá Hạc Hải như thôn Thế Lộc, thôn Hữu Tân vẫn còn ngập sâu nên việc đi học trở lại của học sinh nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phan Thanh Cường, Bí thư Huyện ủy huyện Lệ Thủy, cho biết, đối với trường hợp anh Lê Ngọc Hơn (22 tuổi, xã Thái Thủy; thanh niên xung kích, bị lũ cuốn trôi khi đi giúp dân hôm 27-10), huyện đang chỉ đạo UBND xã Thái Thủy lập hồ sơ đề nghị truy phong liệt sĩ. Ngày 30-10, địa phương tìm thấy thi thể anh Hơn.
Đến chiều 30-10, tại Quảng Bình, lũ rút chậm, hàng chục ngàn hộ dân vẫn bị mất điện, thiếu chất đốt, nước sạch. Mưa lũ tại Quảng Bình đã làm 4 người chết, 1 người mất tích là anh Nguyễn Văn B. (sinh năm 1985, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) bị lật đò khi đang trên đường đi đón cháu.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 14 giờ ngày 30-10, hồ chứa nước Tả Trạch và các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền bắt đầu điều tiết xả nước về hạ lưu với lưu lượng 200-700m³/s theo yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế để ứng phó với mưa lớn. Trong đợt mưa lớn từ ngày 30 đến 31-10, lũ sông Hương, sông Bồ dao động báo động 2.
Tỉnh Thiên Thiên Huế sẵn sàng phương án di dời hàng chục ngàn hộ dân vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, cũng như vận động người dân chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 7 đến 10 ngày liên tục để phòng lũ lớn gây chia cắt.
Ngày 30-10, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp Sở TN-MT và các sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ vào Nghị quyết số 75 của HĐND tỉnh để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, triển khai xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng lũ quét.
Trước đó, đầu tháng 9-2022, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn). Ngay sau lũ quét, huyện Kỳ Sơn có chủ trương xây dựng khu tái định cư khẩn cấp cho người dân tại bản Cầu Tám và bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ). Tuy nhiên, vì vướng đất rừng nên đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Ngày 18-10 vừa qua, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 75 thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng hơn 38,5ha rừng tự nhiên sang mục đích khác, trong đó có hơn 4ha rừng để xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng lũ quét Kỳ Sơn.
MINH PHONG - VĂN THẮNG - DUY CƯỜNG