Hàng chục nghìn hồ sơ đất đai bị 'ngâm' - 'tâm điểm' chất vấn và hóa giải bức xúc (Bài 2): 'Thông lệ lót tay' và sự 'nhúng chàm' phải trả giá

Hàng chục nghìn hồ sơ đất đai bị 'ngâm' - 'tâm điểm' chất vấn và hóa giải bức xúc (Bài 2): 'Thông lệ lót tay' và sự 'nhúng chàm' phải trả giá
3 giờ trướcBài gốc
Hoạt động tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của huyện Quảng Xương. Ảnh: Phong Sắc
Chuyện “lót tay” đã thành “thông lệ”
Những năm gần đây, số lượng giao dịch về đất đai của người dân tăng đột biến, trong khi thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực này lại rườm rà và phức tạp. Cộng với sự thiếu trách nhiệm hoặc vì lợi ích cá nhân, một bộ phận cán bộ, viên chức đã “đẻ” ra “nhiều cửa” thay vì “một cửa” như quy định, buộc người dân phải đi lại nhiều lần, đến nhiều bộ phận, mất nhiều thời gian và công sức. Chán ngán với cách giải quyết hồ sơ “lòng vòng” và “có vấn đề” của một số đơn vị, nhiều người dân đã tìm đến “cò” để làm dịch vụ trọn gói cho “nhanh, gọn, lẹ”. Đây chính là “mảnh đất” thủ tục màu mỡ để đội ngũ trung gian cùng một bộ phận cán bộ, viên chức thoái hóa biến chất “bắt tay” nhau kiếm tiền bất chính từ phía người dân.
Phớt lờ quy định “3 không” trong giải quyết TTHC: không phiền hà sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc cho tổ chức, cá nhân, tại nhiều địa phương, việc chậm trễ và gây khó dễ đối với người dân vẫn diễn ra “như cơm bữa”. Để hồ sơ “lọt” qua bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, không ít người dân đã rỉ tai nhau chuyện kẹp ít nhất vài trăm đến vài triệu đồng vào bộ hồ sơ để được hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo.
Trong lúc người dân gặp nhiều khó khăn khi tự mình đi làm hồ sơ thì những “cò” chuyên làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lại làm được và làm nhanh bởi có quen biết, có “ngoại giao” với cán bộ, chuyên viên các phòng chuyên môn. Người dân chỉ cần bỏ ra một khoản tiền theo yêu cầu, còn lại toàn bộ quá trình giải quyết TTHC được lực lượng trung gian đứng ra thực hiện. Anh Đỗ Minh Q., phường Quảng Cát (TP Thanh Hóa) cho hay: “Vì muốn xây nhà nhanh nên tôi nhờ người làm hộ GCNQSDĐ. Với chi phí 40 triệu đồng (bao gồm cả tiền nộp thuế), chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã có sổ đỏ trong tay mà không phải đi lại vất vả hay mong ngóng, đợi chờ. Tôi thấy, nhiều trường hợp không có người quen hay không có tiền để lo lót, hồ sơ để từ năm nọ sang năm kia chưa được giải quyết, bức xúc lắm”.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại cơ sở, chúng tôi nhận thấy “cò” nào làm ăn chuyên nghiệp và sẵn sàng chi mạnh tay thì tỷ lệ thành công cao hơn và ngược lại. Khá bế tắc và bất lực khi nhận “giúp” nhiều người dân không thành, chị L. ở huyện Hoằng Hóa có ý định nhờ vả phóng viên tác động nên đã chia sẻ rất thành thật: “Hiện nay, tôi có hơn 30 bộ hồ sơ đang cầm của người dân, trong đó có nhiều bộ đã hoàn tất đầy đủ giấy tờ nhưng chưa được giải quyết. Thậm chí, có những hồ sơ thực hiện cách đây đã 2 - 3 năm, phòng chuyên môn yêu cầu bổ sung giấy tờ đến 4 - 5 lần vẫn bị trả lại mà không có lý do chính đáng. Điều này đi ngược với quy định “không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần” được treo công khai tại bộ phận một cửa các cấp”, chị L. bức xúc cho biết. Khi được hỏi, chị có “lót tay” cho bộ phận chuyên môn hay không mà số hồ sơ bị trả lại của chị nhiều đến vậy?. Chị L. cho biết: “Không có bộ hồ sơ nào không phải “ngoại giao” hay “lót tay”. Cá biệt, có bộ hồ sơ tôi còn phải “bù lỗ” cho người dân do phát sinh nhiều chi phí mà vẫn không được”. Theo chị L., trước đây hồ sơ của chị vẫn “chạy” bình thường, nhưng thời gian gần đây có sự thay đổi về nhân sự khiến công việc “làm ăn” của chị gặp khó và chững lại.
Xoáy sâu về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, dư luận vẫn còn nhớ rất rõ tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh diễn ra tháng 7/2023, các đại biểu Hoàng Anh Tuấn, Đinh Ngọc Thúy, Cao Tiến Đoan, Đỗ Ngọc Duy, Nguyễn Quốc Tiến đã từng nhấn mạnh: “Tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC chưa cao, một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc. Tình trạng “bôi trơn” khi giải quyết TTHC cho doanh nghiệp và người dân vẫn diễn ra mà chưa được xử lý dứt điểm”. Thậm chí nhiều đại biểu đã có câu hỏi tranh luận với phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ hơn về thực trạng đáng “quan ngại” này.
“Câu chuyện “bôi trơn” hay “lót tay” khi giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp đã thành “cái nếp”, thành “thông lệ” rồi. Việc này không chỉ diễn ra ở TP Sầm Sơn mà còn diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh” - ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình, cho biết: “Không chỉ người dân mà các doanh nghiệp tiếp cận lĩnh vực đất đai cũng hết sức khó khăn, bởi các TTHC liên quan đến doanh nghiệp còn quá nhiều vướng mắc và ngày càng phức tạp hơn. Sự phức tạp biểu hiện ở chỗ cán bộ, viên chức “soi” quá kỹ về thủ tục hoặc sợ phải chịu trách nhiệm nên lấy ý kiến quá nhiều ngành, quá nhiều vòng khiến thời gian chờ đợi ngày càng lâu hơn. Có những doanh nghiệp chờ đợi 2 đến 3 năm không được đành phải “đứt gánh” đầu tư, làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm và có nhiều đường hướng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Song thực tế cho thấy “trên chỉ đạo một đường, dưới thực thi một nẻo”, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” và việc làm khó doanh nghiệp vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Qua khảo sát của các bộ, ngành Trung ương, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa được cải thiện rõ rệt; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thanh Hóa đứng đầu khu vực miền Trung, xếp thứ 8 trong cả nước. Thế nhưng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền Thanh Hóa lại đứng thứ 47 cả nước (năm 2022), đứng thứ 30 cả nước (năm 2023). Điều này phản ánh sự mâu thuẫn khi môi trường đầu tư của tỉnh được đánh giá là hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp lại chưa hài lòng trong cách phục vụ và giải quyết TTHC của chính quyền các cấp.
“Tay nhúng chàm” phải trả giá
TP Sầm Sơn những ngày cuối tháng 5/2024 lại “nóng” thêm một lần nữa khi Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành lệnh khởi tố, bắt tạm giam thêm 3 bị can liên quan đến vụ án “đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Sầm Sơn. 3 bị can này gồm Nguyễn Thế Hùng, nguyên giám đốc và Cao Xuân Hiệp, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Sầm Sơn bị khởi tố điều tra về tội “nhận hối lộ”; còn Lê Huy Hoàng, Phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Sầm Sơn bị khởi tố điều tra về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án này từng khiến nhiều người “giật mình” khi đưa ra ánh sáng cùng lúc nhiều cán bộ đang đương chức bị sai phạm.
Tính đến ngày 21/5/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can đối với 26 đối tượng về các tội “đưa, nhận hối lộ” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đây là vụ án tham nhũng có số đối tượng bị khởi tố nhiều nhất từ trước đến nay thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan.
Năm 2021, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã xử lý kỷ luật 3 viên chức, trong đó 1 người bị kỷ luật “cảnh cáo”, 2 người kỷ luật “khiển trách”; phê bình, nhắc nhở và yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối 17 tập thể, 18 lãnh đạo các phòng chuyên môn và 46 viên chức, hợp đồng lao động trong hệ thống. Từ 1/1/2022 - 31/5/2023 tiếp tục có thêm 1 viên chức “buộc thôi việc”, 2 viên chức bị “cảnh cáo”, 4 viên chức bị “khiển trách”. Sau chất vấn tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, chỉ trong một năm, từ tháng 6/2023 - 6/2024, Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa đã chấn chỉnh, kiểm điểm, nhắc nhở, phê bình đối với 70 cá nhân và 17 tập thể. Xử lý kỷ luật bằng hình thức “khiển trách” đối với 3 viên chức, “buộc thôi việc” đối với 1 viên chức, miễn nhiệm đối với 1 giám đốc chi nhánh do bị kỷ luật (không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ).
Theo kết quả điều tra, từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2022, thực hiện dự án Quảng trường biển nên tình hình đất đai trên địa bàn TP Sầm Sơn có nhiều biến động. Lợi dụng nhu cầu tách sổ, chuyển nhượng, đề nghị cấp mới, cấp đổi, sang tên đổi chủ của người dân tăng cao, một số đối tượng đã cấu kết với cán bộ, viên chức đứng ra làm trung gian “giúp” người dân với chi phí từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Để trục lợi cá nhân, các đối tượng này sau khi nhận hồ sơ và tiền của người dân đã móc nối và đưa tiền cho cán bộ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục. Ngoài chi phí cho cán bộ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, các đối tượng còn chi phí cho cán bộ thuế, phòng TN&MT, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, địa chính phường... Tùy theo mối quan hệ, vị trí, vai trò của từng bộ phận mà tỷ lệ “ăn chia” có sự khác nhau. Nếu người dân không bỏ chi phí sẽ bị gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, thậm chí nhiều lần nộp hồ sơ nhưng không được tiếp nhận. Sự việc âm ỉ đã nhiều năm nhưng chỉ bị “phanh phui” cách đây 8 tháng khi Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án. Một vụ án có tới 26 cán bộ, viên chức trong cùng một thành phố bị khởi tố thật là đáng buồn. Song, sự cấu kết từ cấp dưới đến cấp trên để làm khổ dân đã và đang phải trả giá rất đắt khi bị “đứt gánh” giữa đường và nhận sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Cấp GCNQSDĐ không đúng quy định của pháp luật là thủ đoạn được nhiều đối tượng sử dụng. Trước TP Sầm Sơn, ngày 11/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với Mai Quang Bính, nguyên Trưởng Phòng TN&MT thị xã Bỉm Sơn và Vũ Văn Phụng, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Bỉm Sơn do có liên quan đến sai phạm trong cấp GCNQSDĐ cho một gia đình ở phường Ngọc Trạo, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Mất cán bộ, mất cả lòng tin với dân. Khi những người có chức trách, nhiệm vụ được trao quyền lại lạm quyền, lộng quyền, bị vật chất làm “mờ mắt” đã cố ý làm trái quy định của pháp luật để trục lợi, bòn rút của người dân thường thì không thể chấp nhận được. Các vụ án được đưa ra xử lý mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, bởi chắc rằng vẫn còn nhiều “con sâu” đang “cố giấu mình trong kén”.
Luật sư Lê Thị Phượng, Công ty Luật TNHH Lê Phượng Hoàng, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Hiện nay, các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai đã được quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục, phí dịch vụ, thời gian thực hiện... Tất cả các thông tin đều được công khai trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của các địa phương. Người dân trước khi thực hiện các thủ tục này nên chủ động tìm hiểu, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp bị tổ chức, cá nhân thực hiện công vụ sách nhiễu, gây khó khăn. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức cố tình vi phạm quy định về cấp GCNQSDĐ, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ. Hoặc bị khởi tố hình sự theo quy định tại Chương XXIII phần các tội phạm về chức vụ của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017”.
Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, viên chức sai phạm là điều không ai mong muốn, nhưng vì sự nghiệp chung nên phải làm và kiên quyết làm bởi “kỷ luật một người để cứu muôn người”. Thẳng tay “loại bỏ” những cán bộ sai phạm ở TP Sầm Sơn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm khác trong 3 năm qua là bài học đắt giá để mỗi cán bộ, viên chức thấm sâu và tự xem lại để răn dạy bản thân mình. Đó cũng là hồi chuông “cảnh tỉnh” cho những ai đang có ý định thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, buộc họ phải thay đổi nhận thức nếu không muốn bị “nhúng chàm” và phải trả giá đắt.
Phong Sắc – Tố Phương
Bài cuối: Làm “đến nơi đến chốn” để quy định đi đúng quỹ đạo.
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/hang-chuc-nghin-ho-so-dat-dai-bi-ngam-tam-diem-chat-van-va-hoa-giai-buc-xuc-bai-2-thong-le-lot-tay-va-su-nhung-cham-phai-tra-gia-225842.htm