Theo Ban Tổ chức Đại lễ Vesak 2025, các tăng ni, phật tử và khách thập phương có thể chiêm bái Xá lợi Đức Phật từ ngày 3/5 đến ngày 8/5, thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Riêng sáng 6/5, khu vực chiêm bái Xá lợi Đức Phật chỉ dành riêng cho đại biểu chính thức tham dự Đại lễ Vesak 2025.
Sáng 3/5, đã có hàng nghìn tăng ni, phật tử và khách thập phương đến chiêm bái Xá lợi linh thiêng của Đức Phật.
Đại lễ Vesak lần thứ 20 năm 2025, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Ban tổ chức
Đại lễ Vesak 2025 tổ chức từ ngày 6/5 - 8/5, tại Hội trường Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ban tổ chức
Đại lễ Vesak lần thứ 20 năm 2025, được GHPG Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP Hồ Chí Minh nhân dịp đất nước ta Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và Kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025). Đây là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của GHPG Việt Nam và của đất nước ta năm 2025.
Xá lợi Đức Phật. Ảnh: Ban tổ chức
Xá lợi linh thiêng của Đức Phật. Ảnh: Ban tổ chức
GHPG Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2025 là dịp để bạn bè quốc tế khắp nơi trên thế giới đến với TP Hồ Chí Minh, là cơ hội giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hòa hợp. Cùng với đó, bạn bè quốc tế được chứng kiến TP Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, phồn vinh, thịnh vượng sau 50 năm giải phóng. Đất nước Việt Nam hội nhập, phát triển, vươn mình cùng thế giới trong kỷ nguyên mới.
Phật tử và khách thập phương chiêm bái Xá lợi Đức Phật trong ngày 3/5. Ảnh: Ban tổ chức
Hàng nghìn tăng ni, phật tử và khách thập phương chờ để chiêm bái Xá lợi Đức Phật. Ảnh: Ban tổ chức
Các nhà sư xếp hàng vào chiêm bái Xá lợi Phật. Ảnh: Ban tổ chức
Phật tử xếp hàng vào chiêm bái Xá lợi Phật. Ảnh: Ban tổ chức
Đại lễ Vesak 2025 cũng là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; về thành quả mà cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam đạt được sau 50 năm đất nước thống nhất.
Thông qua các nội dung của Đại lễ Vesak 2025 tại TP Hồ Chí Minh, bạn bè quốc tế càng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam trong hơn 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc. Tinh thần nhập thế đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, những đóng góp to lớn của Phật giáo trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trong thành quả thống nhất đất nước qua hình ảnh Xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được tôn trí chiêm bái tại Đại lễ Vesak 2025.
Tôn trí Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ ngày 2/5 - 8/5, tại chùa Thanh Tâm - Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh). Ảnh: Ban tổ chức
Chư tăng trong Lễ Cung rước Xá lợi Phật. Ảnh: Ban tổ chức
Đại lễ Vesak 2025, được xem là hoạt động rất tích cực của GHPG Việt Nam trong đường lối đối ngoại Nhân dân. Tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, hợp tác hữu nghị thân thiết giữa Nhân dân Việt Nam với tất cả bạn bè trên thế giới. Qua đó khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới. Tuyên bố Vesak TP Hồ Chí Minh sẽ là sự đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.
Xá lợi linh thiêng của Đức Phật - Bảo vật của Quốc gia Ấn Độ. Ảnh: Ban tổ chức
Đại lễ Vesak 2025 tổ chức từ ngày 6/5 đến 8/5, tại Hội trường Học viện Phật giáo Việt Nam - cơ sở Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) với 2.700 chỗ ngồi.
Địa điểm diễn ra các sự kiện lễ hội văn hóa và tôn trí Xá lợi Đức Phật tại chùa Thanh Tâm và công viên Láng Le (cạnh học viện).
Địa điểm diễn ra các sự kiện tôn trí Xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự, đường Ba Tháng Hai (Quận 10).
Địa điểm đêm giao lưu nghệ thuật quốc tế của các nước tham dự Đại lễ Vesak 2025, dự kiến có Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, Hàn Quốc, Việt Nam…, diễn ra tại Nhà hát Sa La (khu đô thị Đại Quang Minh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Còn địa điểm tham quan sau khi bế mạc đại lễ, diễn ra tại khu văn hóa SunWorld núi Bà Đen (Tây Ninh).
Về thời gian diễn ra các hoạt động của Đại lễ Vesak 2025, Ban Tổ chức cho biết, từ ngày 2/5 đến 9/5, tại khu vực công viên Láng Le diễn ra các sự kiện văn hóa: lễ hội văn hóa Phật giáo, biểu diễn nghệ thuật Phật giáo, hội chợ văn hóa Phật giáo…
Biểu diễn nghệ thuật tại Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: Ban tổ chức
Học sinh tham gia Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: Ban tổ chức
Ngày 3/5, khai mở chiêm bái Xá lợi Phật - bảo vật Quốc gia Ấn Độ tại chùa Thanh Tâm. Riêng việc chiêm bái Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự (Quận 10), theo Giác Ngộ online, do “Nhân duyên chưa hội đủ nên việc cung thỉnh, chiêm bái Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức về Việt Nam Quốc Tự theo đề án Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 chưa được diễn ra vào sáng 3/5”.
Ngày 4/5, khai mạc các sự kiện triển lãm văn hóa Phật giáo tại khuôn viên học viện; ngày 5/5, đón tiếp các đại biểu quốc tế đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh); ngày 6/5, khai mạc Đại lễ Vesak 2025; ngày 7/5, Hội thảo khoa học quốc tế của Vesak 2025; ngày 8/5, bế mạc và ngày 9/5 tiễn các đại biểu quốc tế về nước.
Tôn trí Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni:
- Từ ngày 2/5 - 8/5, tại chùa Thanh Tâm - Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).
- Từ ngày 8/5 - 13/5, tại Núi Bà Đen (Tây Ninh).
- Từ ngày 13/5 - 16/5, tại chùa Quán Sứ (Thủ đô Hà Nội).
- Từ 17/5 - 21/5, tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), sau đó Xá lợi Đức Phật đưa về Ấn Độ.
Tân Tiến
Tân Tiến