Hàng chục tấn đồ ăn bị vứt bỏ ở bãi rác: Không còn là chuyện nhỏ!

Hàng chục tấn đồ ăn bị vứt bỏ ở bãi rác: Không còn là chuyện nhỏ!
3 giờ trướcBài gốc
Theo người dân địa phương, số bánh kẹo này xuất hiện sau Tết, có thể do các cơ sở sản xuất, kinh doanh không tiêu thụ hết hoặc do hàng tồn kho, hàng lỗi...Chưa rõ chúng đến từ đâu và các cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ, "truy tìm" đối tượng đổ trộm.
Hàng chục tấn đồ ăn bị vứt bỏ ở bãi rác - không còn là chuyện nhỏ. Ảnh: Hà Đương
Nhưng thực tế đáng buồn, hàng chục tấn đồ ăn là thanh xúc xích, hộp trà sữa, bánh kẹo... món khoái khẩu của nhiều người đã trở thành rác. Chính quyền phải nhanh chóng thu dọn, vận chuyển đi xử lý theo đúng quy trình xử lý chất thải làng nghề để tránh gây ô nhiễm môi trường.
"Sản phẩm ở bãi rác thì phải coi đó là chất thải chứ không phải hàng hóa. Đây không phải là chất thải nguy hại nên quy trình xử lý diễn ra bình thường", lãnh đạo xã La Phù chia sẻ với báo chí ngày 6/2.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. Ở rất nhiều nơi, sau mỗi dịp lễ Tết, lượng bánh kẹo, đồ ăn dư thừa, không tiêu thụ hết lại bị vứt bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam, mà là vấn đề nhức nhối toàn cầu. Theo báo cáo mới đây của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), mỗi năm khoảng 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra trên toàn thế giới (tương đương 1,3 tỷ tấn) bị thất thoát hoặc lãng phí, trong khi gần 800 triệu người vẫn đang phải đối mặt với đói nghèo, suy dinh dưỡng.
Đáng lo ngại, lãng phí thực phẩm cũng đang là nguyên nhân gây ra khoảng 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.
Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam hiện đang xếp vị trí thứ hai (sau Trung Quốc) với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát hay vứt bỏ mỗi năm khi vẫn còn sử dụng được hoặc tận dụng được, gây tổn hại khoảng 3,9 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 2% GDP hiện nay.
Theo các chuyên gia, lãng phí thực phẩm có nhiều nguyên nhân, trong đó có thói quen tiêu dùng lãng phí của người dân. Nhiều người có thói quen mua sắm quá nhiều thực phẩm, nhưng lại không sử dụng hết, dẫn đến việc thực phẩm bị hư hỏng và phải vứt bỏ.
Ngoài ra, trách nhiệm cũng thuộc về các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các nhà sản xuất, kinh doanh cần có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh để xảy ra tình trạng dư thừa hàng hóa. Đồng thời, cần có các biện pháp để xử lý hàng tồn kho, hàng lỗi một cách hợp lý, tránh gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Nhà nước cũng cần giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm, cần có sự chung tay của toàn xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về tiết kiệm và chống lãng phí thực phẩm...
Có lẽ, câu chuyện về "núi" bánh kẹo ở La Phù - làng nghề nổi tiếng về sản xuất bánh kẹo là một bài học đắt giá về tình trạng lãng phí thực phẩm ở Việt Nam, cho thấy lãng phí thực phẩm - không còn là chuyện nhỏ và chúng ta cần nhận thức rõ hơn, có ý thức hơn về việc tiết kiệm và chống lãng phí thực phẩm, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và bền vững.
Minh Chí
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/hang-chuc-tan-do-an-bi-vut-bo-o-bai-rac-khong-con-la-chuyen-nho-post333284.html