Hà Nội phát hiện hàng trăm tấn thuốc, thực phẩm chức năng giả
Ngày 16/5, Công an thành phố Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ Phạm Ngọc Tiến, Lương Thị Yến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thành Tâm và Nguyễn Hữu Tuấn để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Theo cơ quan chức năng, Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế.
Khám xét khẩn cấp khoảng 20 địa điểm liên quan đến đường dây này tại 20 tỉnh, thành trên cả nước, lực lượng chức năng phát hiện con số sản phẩm vi phạm ước tính lên tới hơn 100 tấn.
Trước đó, hồi tháng 4, vụ án triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả tại Việt Nam cũng gây chấn động dư luận. Kẻ cầm đầu đường dây này là Nguyễn Năng Mạnh đã xây dựng một hệ thống tinh vi với hơn 30 người liên quan, điều hành 9 công ty ma và vận hành 2 nhà máy MediPhar và MediUSA. Để 2 nhà máy này được cấp giấy chứng nhận GMP - tiêu chuẩn bắt buộc cho sản xuất thực phẩm chức năng, nhóm của Mạnh đã dùng thủ đoạn hối lộ để được thẩm định một cách hình thức. Hậu quả là hàng loạt sản phẩm giả tràn lan trên thị trường.
Không chỉ vậy, nhóm này còn chi hơn 2 tỷ đồng để nhanh chóng xin cấp 207 giấy tiếp nhận công bố sản phẩm cho các công ty “chân rết” như MediPhar, MegaLife, Việt Đức, Việt Pháp, PharmaCist… Việc cấp phép diễn ra thần tốc, thiếu nghiêm ngặt, tạo điều kiện cho sản phẩm giả được lưu hành rộng rãi.
Các sản phẩm giả mạo được gắn mác “nhập khẩu châu Âu”, “công nghệ Mỹ” với bao bì bắt mắt, công bố thành phần hoành tráng, nhắm vào các nhóm đối tượng dễ tổn thương như phụ nữ sau sinh, người cao tuổi và bệnh nhân mãn tính.
Để hợp pháp hóa, nhóm này còn làm giả kết quả kiểm nghiệm, hợp đồng nhập khẩu, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người tiêu dùng. Đi kèm với đó là khoản hối lộ hơn 5 tỷ đồng cho cán bộ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhằm được cấp giấy chứng nhận GMP, cấp nhanh giấy phép công bố sản phẩm và giảm nhẹ các sai phạm trong quá trình thẩm định, hậu kiểm.
Bắt giam nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm
Liên quan đến vụ án do Nguyễn Năng Mạnh cầm đầu, ngày 13/5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 5 cán bộ, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, bao gồm: ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng; ông Cao Văn Trung, Phó phòng Giám sát ngộ độc; ông Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo ATTP; bà Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm và chuyên viên Lê Thị Hiên.
Các cán bộ này bị khởi tố với tội danh “Nhận hối lộ”, với tổng số tiền lên đến 3,2 tỷ đồng. Những cán bộ này đã tiếp tay để giảm lỗi, bỏ qua sai phạm và tạo điều kiện cấp giấy phép sản xuất; cho phép đánh giá hồ sơ chỉ qua ảnh chụp và báo cáo của doanh nghiệp, không kiểm tra thực tế; cố tình bỏ qua quy định thẩm định để cấp giấy phép. Trong đó, có trường hợp, chỉ với 5 triệu đồng, sản phẩm được cấp phép trong vài ngày.
207 sản phẩm đã được hợp pháp hóa qua những tờ giấy có mộc đỏ và chữ ký dù chưa đủ điều kiện chất lượng. Nhiều doanh nghiệp chỉ cần gửi ảnh chụp phòng thí nghiệm, ảnh "khắc phục lỗi" là được công nhận đạt chuẩn GMP. Việc hậu kiểm, giám sát sau cấp phép gần như bị buông lỏng. Trong suốt nhiều năm, không một cơ quan nào vào kiểm tra trực tiếp các cơ sở đã được cấp phép.
Hệ lụy là 207 sản phẩm thực phẩm chức năng giả đã được lưu hành hợp pháp ra thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm.
Bác Vũ Thị Thanh Bình (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: "Sản xuất 100 tấn thuốc giả quả thật gây bức xúc trong nhân dân, làm cho mọi người mất đi niềm tin vào các nhà thuốc, vào những loại thuốc mà bác sĩ kê đơn theo phác đồ điều trị. Chúng tôi là những người dân, chúng tôi bị hại vì chúng tôi cũng mua sữa uống, mua thuốc uống ở các nhà thuốc, ở quê cũng có, ở Hà Nội cũng có nhưng không biết tin vào đâu, thật sự rất đáng buồn. Thuốc để chữa bệnh, lại còn thuốc giả, không đúng liều lượng, không đúng chất lượng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng".
Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh, Đội trưởng Đội phòng ngừa điều tra án kinh tế - tham nhũng Môi trường khuyến cáo, người dân nên có sự tìm hiểu kỹ các mặt hàng thực phẩm chức năng mà bản thân đang có nhu cầu sử dụng. Tốt nhất nên có sự tư vấn từ các bác sĩ, các chuyên gia dinh dưỡng để xác định xem bản thân phù hợp với loại thực phẩm chức năng nào và lựa chọn mua sản phẩm ở những đơn vị uy tín.
Trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể và nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh cho biết.
Đỗ Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/hang-gia-ai-san-xuat-ai-tiep-tay-ai-buong-long-331584.htm