Hàng giả, hàng nhái gây khó cho cơ quan quản lý trên các nền tảng thương mại điện tử

Hàng giả, hàng nhái gây khó cho cơ quan quản lý trên các nền tảng thương mại điện tử
7 giờ trướcBài gốc
Vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử phức tạp
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương nhằm đánh giá kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng đầu năm 2025 và đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới (ngày 14/5), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cũng đã thực hiện các chương trình, kế hoạch, trong đó có các văn bản chỉ đạo liên quan đến dịp Tết Nguyên đán, đồng thời Bộ Công Thương cũng đã có công điện nhằm tăng cường công tác kiểm tra giám sát thị trường.
Từ khi triển khai đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý khoảng 4.000 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt hành chính lên tới gần 63 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 40 tỷ đồng; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 3 vụ.
Song song với công tác kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường giám sát thị trường, tập trung vào các nhóm hàng trọng điểm như thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thời trang, điện thoại, xăng dầu, vật tư nông nghiệp…
Đồng thời, phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành phố để bàn giao lực lượng quản lý thị trường về địa phương. Tính đến ngày 9/5, đã có 61/63 địa phương hoàn tất thành lập Chi cục Quản lý thị trường trực thuộc Sở Công Thương.
Về khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công Thương thống nhất với báo cáo của Ban chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia).
Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhìn nhận, thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng nhận thức của người tiêu dùng về hàng giả còn hạn chế. Nhu cầu mua sắm cao, thiếu kỹ năng phân biệt thật - giả khiến người dân dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng vi phạm.
Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giao dịch trên môi trường số cũng còn nhiều bất cập. Các chế tài xử lý hiện nay chưa đủ sức răn đe. Nhiều tổ chức, cá nhân vẫn bất chấp pháp luật, vì lợi nhuận mà sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm. Trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế; trên 1.100 vụ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Tăng phối hợp liên ngành
Trong cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực thương mại điện tử, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý. Cụ thể, xây dựng Luật Thương mại điện tử, sửa đổi Luật Thương mại, Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, và đề xuất sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để làm rõ nội hàm, yếu tố xác định thế nào là hàng giả.
Bên cạnh việc Bộ Công Thương triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, Bộ sẽ xây dựng Đề án mới cho giai đoạn tiếp theo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2025.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo, điều phối các Bộ, ngành, lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, đặc biệt là sớm có cơ chế phối hợp hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát, xử lý các vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử. Sửa đổi pháp lý, có thể lồng ghép các hoạt động mang tính chuyên ngành, cũng như phân định trách nhiệm cụ thể giữa các bên để nâng cao ý thức cộng đồng và doanh nghiệp.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng lậu, gian lận thương mại, gian lận về thuế…
Thủ tướng yêu cầu đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả tại Thanh Hóa, thực phẩm chức năng giả tại Hà Nội, hàng giả ở TP.HCM… Tình trạng buôn bán hàng giả tràn lan trên mạng xã hội, thao túng thị trường, găm hàng, đẩy giá đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và thất thu ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng cho rằng do có sự buông lỏng của một số cơ quan và một số địa phương liên quan; do thiếu tinh thần trách nhiệm; chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ. Đồng thời, yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Bình Minh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/hang-gia-hang-nhai-gay-kho-cho-co-quan-quan-ly-tren-cac-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-10305832.html