Hàng giả, nỗi lo thật Kỳ 1: Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, nỗi lo thật Kỳ 1: Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái
7 giờ trướcBài gốc
Thời gian gần đây, các vụ việc về sữa giả, thuốc giả, hóa mỹ phẩm giả, thực phẩm giả… liên tục bị phát hiện khiến người tiêu dùng hoang mang. Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ lâu là vấn nạn nhức nhối trên thị trường nhưng chưa bao giờ "nóng" như thời điểm này, bởi sự đa dạng sản phẩm và thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng phạm tội.
Giữa “ma trận” thị trường hàng hóa hiện nay, nhiều người tiêu dùng đắn đo khi mua sắm, lựa chọn vì tâm lý lo sợ hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Trường Khanh
Mới đây, đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận bị đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện, triệt phá đã làm rúng động dư luận.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an xác định từ tháng 8/2021, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group lấy địa chỉ ở Hà Đông (Hà Nội) để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.
Đến khi bị phát hiện, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, trong đó, phần lớn là sữa dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng, phụ nữ có thai… Các đối tượng đã tiêu thụ sữa giả này ra ngoài thị trường khoảng 4 năm, thu hồi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, tổ dân phố Vinh Thịnh, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) sau khi nghe thông tin về đường dây sữa giả bị triệt phá thì ngay lập tức rà soát lại tất cả các loại sữa bột mà cả gia đình đã sử dụng trong thời gian vừa qua, chủ yếu là sữa tiểu đường cho bố mẹ và sữa bột cho 2 con của chị.
Chị Mai càng hoang mang hơn khi nhà chị đã từng sử dụng sữa bột mang nhãn hiệu Kid Baby Talacmum và Gludiabet Talacmum, nằm trong danh mục các sản phẩm được xác định là hàng giả thu giữ trong vụ án liên quan đến đường dây sữa giả do Bộ Công an công bố. Đây là các sản phẩm chị Mai mua tại một cửa hàng thế giới sữa trên đường Nguyễn Tất Thành.
Chị Mai chia sẻ: “Khi biết mình là nạn nhân của hàng giả, tôi rất bức xúc bởi đối tượng mà những người sản xuất sữa giả hướng đến lại là người già, trẻ em, người có bệnh cần được chăm sóc, dinh dưỡng tốt để duy trì cuộc sống khỏe mạnh, phát triển bình thường. Tôi tiếc đồng tiền vất vả làm ra để mua sữa, chăm sóc người thân trong gia đình thì ít mà lo cho sức khỏe của con và bố mẹ thì nhiều”.
Ngay khi thông tin về đường dây sữa giả được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, phần lớn người tiêu dùng trong cả nước đều rất hoang mang, nhất là với những người đã và đang sử dụng sữa bột như một thói quen chăm sóc sức khỏe hoặc nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu hằng ngày.
Người dân chưa hết bức xúc trước vụ việc sản xuất, buôn bán sữa bột giả quy mô lớn thì dư luận lại thêm rúng động khi thông tin về các vụ việc sản xuất, buôn bán, tiêu thụ hàng giả liên tục được phát hiện với đủ loại sản phẩm.
Điển hình như đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả lớn bị Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện và triệt phá vào giữa tháng 4; ổ nhóm sản xuất, buôn bán thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả bị Công an thành phố Hà Nội triệt phá, thu giữ hơn 100 tấn sản phẩm vào giữa tháng 5; xưởng sản xuất số lượng lớn dầu ăn, mỳ chính, hạt nêm, bột canh giả bị Công an tỉnh Phú Thọ đột kích, khám xét, phát hiện vào cuối tháng 4; vụ việc lòng se điếu nghi là giả được lan truyền chóng mặt...
Ngay trên địa bàn tỉnh, từ năm 2024 đến nay, một số vụ việc buôn bán, sản xuất hàng giả cũng bị cơ quan chức năng phát hiện. Điển hình như vụ việc bị Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH Ong Hòa Bình và Công ty TNHH Ong Việt có địa chỉ ở thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên; Công ty TNHH Ong Việt Nhật, địa chỉ xã Trung Hà, huyện Yên Lạc; Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Tuấn Phương MTV, địa chỉ ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh sản xuất, kinh doanh mật ong giả, thu giữ hơn 11.000 chai mật ong các loại, trị giá hàng hóa gần 300 triệu đồng.
Vụ việc ngày 25/4/2025, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh kiểm tra Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu quốc tế Vĩnh Phát tại Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc đã phát hiện hơn 1.400 chiếc túi xách làm giả mạo nhãn hiệu, hình ảnh GUCCI đang được bảo hộ tại Việt Nam…
Từ năm 2024 đến nay, cơ quan Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện 9 vụ với 15 đối tượng có hành vi buôn bán hàng giả. Kết quả, đã khởi tố 9 vụ với 15 bị can theo Điều 192 và 193 Bộ luật Hình sự. Mỗi năm, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh phát hiện, xử lý hành chính với khung phạt cao và tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm hàng hóa giả mạo các thương hiệu lớn.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến ngày 21/4/2025 giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với các địa phương đã thông tin, chỉ 3 tháng đầu năm, các đơn vị, địa phương trong cả nước bắt giữ, xử lý trên 30.600 vụ việc vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, trong đó, có hơn 7.600 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và trên 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Con số trên đã cho thấy hàng giả ngày càng là vấn nạn nhức nhối các nhà quản lý và là nỗi lo sợ thường trực của người dân ở khắp nơi.
Hiện nay, giữa “ma trận” thị trường hàng hóa, người tiêu dùng luôn cảm thấy bất an bởi mức độ tinh vi, quy mô sản xuất, phân phối và đa dạng chủng loại hàng giả, hàng lậu từ đồ ăn, thức uống đến hóa mỹ phẩm, quần áo, linh kiện điện tử...
Đối với những hàng hóa là túi xách, quần, áo, giày, dép… thì việc mua phải hàng giả không gây bức xúc nhiều bởi thực tế không phải ai cũng có tiền để mua và sử dụng hàng hiệu từ các thương hiệu nổi tiếng.
Tuy nhiên, với các mặt hàng như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, đồ ăn uống… thì người dân không chỉ mất tiền oan mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Việc người tiêu dùng mất lòng tin với hàng hóa cũng là điều dễ hiểu, bởi hiện nay, đến cả tem dán nhãn chống hàng giả của cơ quan chức năng cũng bị các đối tượng làm giả thì việc phân biệt thật - giả không phải là điều dễ dàng đối với nhiều loại hàng hóa.
Thái Quỳnh
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128675//hang-gia-noi-lo-that--ky-1-nhuc-nhoi-van-nan-hang-gia-hang-nhai